Nâng cao chất lượng phối hợp giữa các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện Luật MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Ngày 10/9, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu Đoàn kiểm tra, khảo sát việc thi hành Luật MTTQ Việt Nam làm việc tại trụ sở Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Cùng tham dự có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho biết, 5 năm qua, Hội Cựu chiến binh các cấp đã tích cực triển khai Luật MTTQ Việt Nam và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa Hội Cựu chiến binh và MTTQ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng.

Về phía Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, tổ chức Đoàn, Hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện thi hành Luật MTTQ Việt Nam đến cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện sơ kết kết quả thực hiện Luật MTTQ Việt Nam lồng ghép với nội dung sơ kết, đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI.

Góp ý tại buổi làm việc, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, Hội Cựu chiến binh các cấp có nhiều lợi thế khi triển khai Luật MTTQ Việt Nam bởi đội ngũ cán bộ, hội viên dày dặn kinh nghiệm tôi luyện từ chiến trường, quân ngũ, có tiếng nói tập hợp được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Bà Bùi Thị Thơm gợi ý, trong thời gian tới, Hội Cựu chiến binh các cấp nên chú trọng đẩy mạnh các chương trình giáo dục chuyên đề, nêu gương các cán bộ chiến sĩ cho con em, thế hệ trẻ hiện nay noi theo, từ đó lồng ghép các nội dung của Luật MTTQ Việt Nam để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. 

Bà Phạm Thị Hồng, Phó Trưởng ban Dân chủ Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, để thực hiện hiệu quả hơn các nội dung quy định trong Luật MTTQ Việt Nam trong thực tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng Hội Cựu chiến binh Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức nói chung, từ đó nâng cao sự chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp thực hiện các nội dung được quy định trong luật.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc. 

Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, những kiến nghị đề xuất của đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức thành viên là rất cấp thiết, giúp UBTƯ MTTQ Việt Nam rà soát lại các nội dung, quy chế, giải pháp, khắc phục được những điểm bất cập của chính sách pháp luật trong thời kỳ hiện nay.

Phát biểu tổng kết buổi làm việc, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, Luật MTTQ Việt Nam ra đời là một dấu mốc quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Sau 5 năm thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có sự phối hợp hành động, từng bước thể chế hóa các nội dung của luật vào thực tiễn.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh tại buổi làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 

 Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam cần có thêm sự đánh giá về tác động của Luật MTTQ Việt Nam, bởi đây là yếu tố quan trọng, là căn cứ để Đoàn khảo sát rút ra được thêm những ưu điểm cũng như hạn chế trong quá trình tiếp cận, triển khai Luật MTTQ Việt Nam của MTTQ và các tổ chức thành viên, từ đó tổng hợp, đánh giá hoàn thiện chính sách pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội, tránh trùng lắp, tạo sự đa dạng về cách thức tuyên truyền, phương hướng thực hiện Luật MTTQ Việt Nam sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực.