Nâng cao chất lượng của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong xây dựng pháp luật

(Mặt trận) - Chiều 4/2, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nâng cao chất lượng hoạt động của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong xây dựng pháp luật”.

200 căn nhà đại đoàn kết đến với hộ nghèo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Phát biểu của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tại chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phản biện 1; PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, phản biện 2.

Ths. Phạm Thị Kim Cúc, Chủ nhiệm đề tài cho biết, quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp 1980. Từ đó đến nay, hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật liên quan. Dưới góc độ dân chủ, MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật xuất phát từ quan điểm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy dân chủ XHCN để mọi thành viên trong xã hội đều tham gia vào việc hoạch định chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ góc độ luật pháp, MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đồng thời đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam trong tham gia xây dựng Nhà nước.

Từ thực tế triển khai hoạt động tại UBTƯ MTTQ Việt Nam, đề tài đã phân tích thực trạng các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong hoạt động xây dựng pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong thời gian qua để đưa ra nhận định, đánh giá về ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong hoạt động xây dựng pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Nhóm đề tài đã đưa ra các quan điểm, phương hướng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong xây dựng pháp luật như: Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; tăng cường phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên; quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ chuyên trách MTTQ Việt Nam;…

Đồng thời, Ban chủ nhiệm đề tài cũng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực như: nhóm giải pháp về nhận thức, nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về công tác phối hợp để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới. Các đề xuất kiến nghị của đề tài hướng tới việc cụ thể hóa các nhóm giải pháp gắn với trách nhiệm của từng chủ thể.

Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL và các tổ chức thành viên Mặt trận cùng sự tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, Ủy viên Hội đồng tư vấn, công tác xây dựng pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng gặt hái được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của nền lập pháp nước nhà trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước.

Tại Hội nghị, phản biện và ủy viên Hội đồng đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài và khẳng định đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, đây sẽ là cơ sở để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn, xây dựng cơ chế, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, đây là một đề tài cấp thiết, nội dung nghiên cứu đã đề cập tới thực trạng và đưa ra các giải pháp gắn với cơ sở khoa học thực tiễn trong hoạt động xây dựng pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các nội dung góp ý của Ủy viên Hội đồng và phản biện đề tài đã cho ý kiến, đây chính là những ý kiến có giá trị khoa học, mang tính gợi mở cao. Từ đó góp phần cao chất lượng hoạt động của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong xây dựng pháp luật.

Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã đồng ý nghiệm thu đề tài. Đề tài đạt loại khá.