Một số điểm mới của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về công tác cứu trợ

(Mặt trận) - Ngày 18/1, quán triệt và hướng dẫn triển khai công tác cứu trợ theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2022, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã nhấn mạnh tới một số điểm mới của Nghị định trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, ngày 27 tháng 10 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Nghị định 64 được Chính phủ ban hành từ 31/7/2008, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những nội dung không phù hợp. Đặc biệt, trong năm 2020, những cơn mưa bão liên tiếp ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân miền Trung. Nhiều hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đã được triển khai. Trên cơ sở đề xuất của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài Chính và TƯ Hội Chữ thập đỏ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.

Quy định rõ đối tượng áp dụng trong vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện

Nghị định số 93 ra đời đã bổ sung phạm vi áp dụng là hỗ trợ khắc phục khó khăn do “dịch bệnh”, điều này không được nêu trong Nghị định 64 trước đây. Trong đó, dịch bệnh bao gồm: Các bệnh truyền nhiễm ở người quy định tại Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; dịch bệnh động vật quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật thú y năm 2015 và dịch hại thực vật được công bố dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013.

Sự cố là các tình huống do thiên tai hoặc con người gây ra được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo là bệnh nhân bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế quy định.

Đối với đối tượng áp dụng, Nghị định 93 đã bổ sung thêm những nội dung mà Nghị định 64 chưa đề cập. Trong đó phải kể đến nội dung các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.

Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, vận động; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập - sau đây gọi là Ban Vận động) tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi là quỹ từ thiện) vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Nội dung bổ sung của Nghị định cũng nhắc tới vai trò của các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; Các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; Các tổ chức, cá nhân liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Nghị định 93 cũng nghiêm cấm việc phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đối tượng được kêu gọi, vận động, hỗ trợ

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, ngoài các đối tượng quy định tại Điều 4, Điều 5, NĐ số 64, thì  Nghị định số 93 bổ sung thêm các đối tượng sau được vận động, tiếp nhận.

Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai (Quy định Khoản 6, Điều 6 Nghị định số 93); Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (quy định tại khoản 5, Điều 6); Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (Quy định tại Điều 17,18,19 Mục 2 Nghị định số 93).

Về phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện

Ngoài các nội dung về phân phối, sử dụng theo Nghị định 64, thì Nghị định 93 (Điều 10) quy định bổ sung 1 số nội dung: Căn cứ hướng dẫn của Ban Vận động Trung ương, Ban Vận động cấp tỉnh nơi địa phương không bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cho các địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Cùng với đó, các quỹ từ thiện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện vận động được theo mục đích, phạm vi hoạt động và thông báo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức, cá nhân đóng góp.

Đối với nguồn đóng góp tự nguyện do các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện vận động được, khuyến khích chi theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này. Những khoản vận động, tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể phải được thực hiện theo đúng cam kết và quy định tại Nghị định này;

Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác có tư cách pháp nhân;

Doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng khoản tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Việc tiếp tục phân phối, sử dụng để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Về nội dung chi hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện

Ngoài các nội dung chi hỗ trợ theo Điều 11, Nghị định số 64, thì Nghị định 93 bổ sung các nội dung hỗ trợ bao gồm (Điều 11, Nghị định 93): Hỗ trợ hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân; Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng, chống dịch bệnh; Hỗ trợ sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại; Hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố; các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế; người dân gặp khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản hỗ trợ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tại Khoản 2, Điều 11, quy định: Sau khi đã ưu tiên sử dụng theo các nội dung chi quy định tại khoản 1 Điều này mà kinh phí vận động đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh còn dư, Ủy ban nhân dân thống nhất với Ban Vận động cùng cấp để quyết định thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương vùng bị thiên tai, dịch bệnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu của cuộc vận động.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, Nghị định 93 ra đời thay thế nghị định số 64 đã tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai công tác kêu gọi, vận động hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng; Nghị định cũng đã quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị định số 93.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố cần triển khai hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu trợ theo quy định tại Nghị định số 93; Tổ chức kêu gọi, vận động, hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ, sự cố, dịch bệnh…; Tổ chức, hướng dẫn triển khai công tác giám sát việc tổ chức vận động, hỗ trợ Nhân dân của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 93; triển khai kiểm tra hoạt động hỗ trợ Nhân dân cua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp dưới; đồng thời chủ trì, phối hợp xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan liên để triển khai thực hiện Nghị định 93.