Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

(Mặt trận) - Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định rõ trách nhiệm và quyền của MTTQ Việt Nam: “1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường”.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo về kinh nghiệm xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn ngày 10.6.2022 tại tỉnh Tuyên Quang

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước đề cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: “Bảo vệ môi trường cần có sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời phải có sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân”.

Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định rõ trách nhiệm và quyền của MTTQ Việt Nam: “1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường”.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thể hiện rõ ở các phương diện sau:

Đoàn giám sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới

MTTQ Việt Nam có vai trò to lớn trong công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền cho nhân dân nắm rõ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế. Thông qua công tác tuyên truyền của MTTQ Việt Nam các cấp, nhân dân hiểu được bảo vệ môi trường vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự tiếp nối truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của dân tộc ta. Nhân dân là một trong các chủ thể quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu: “Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, mọi người dân và cần được tiến hành với sự đồng thuận và quyết tâm cao từ phạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu”.

MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước; vai trò, nhiệm vụ và những nội dung hoạt động của MTTQ Việt Nam về bảo vệ môi trường. Nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu căn cứ vào các văn bản: Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị; Luật bảo vệ môi trường năm 2004, Luật bảo vệ môi trường sửa đổi (2005); Chiến lược quốc gia bảo vệ môi trường đến năm 2010, định hướng đến 2020; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03-6-2013 của hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 18-3-2013 của chính phủ  về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị quyết liên tịch giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường; Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư ngày 26-4-2016 Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

MTTQ Việt Nam các cấp chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận ở địa phương; nội dung hương ước, quy ước, cam kết bảo vệ môi trường ở các khu dân cư; các tập thể, cá nhân, mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và tổ chức kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến sản phẩm … thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền về quyền và nghĩa  vụ của cá nhân, tổ chức trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giải thích cho nhân dân nắm rõ các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thường xuyên nâng cao nhận thức về trách nhiệm công dân và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện bằng nhiều hoạt động: tuyên truyền trên hệ thống cơ quan truyền thông đại chúng, nhất là truyền thanh của xã, phường, thị trấn; tuyên truyền trực tiếp tại các buổi họp ở khu dân cư, sinh hoạt ở cộng đồng; trong tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư … nhằm cung cấp những kiến thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ Mặt trận và nhân dân ở các địa bàn khu dân cư. MTTQ Việt Nam các cấp tạo cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi trường, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường. MTTQ Việt Nam cấp cơ sở tham gia công tác hòa giải các xung đột, khiếu nại, tranh chấp về môi trường giữa các cơ quan, trong nhân dân.

 Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội thảo phát huy vai trò MTTQ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực trạng và giải pháp

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động, các phong trào, các cuộc vận động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Vận động nhân dân tích cực, hăng hái tham gia các các hoạt động, các phong trào, các cuộc vận động, phát huy các tiềm năng, sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường đã được tập trung về cơ sở dưới các hình thức, như: Trong các đợt cao điểm vận động “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày Môi trường Thế giới 5/6”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 22-9” và được tập trung đặc biệt vào các dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, Tết Nguyên đán, ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”. MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố và Sở Tài nguyên - Môi trường đã xây dựng các mô hình điểm như: Mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, mô hình điểm “Xứ, họ đạo tham gia bao vệ tài nguyên - môi trường”..., các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại các làng nghề; tổ chức lễ mít - tinh, lễ phát động, tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường tại các cộng đồng dân cư. Ở cấp cơ sở, nhân dân hăng hái tham gia các phong trào hành động vì môi trường, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, phong trào phòng chống ô nhiễm môi trường do sản xuất làng nghề, canh tác, nuôi trồng thủy, hải sản…, phong trào thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phong trào trồng cây xanh bảo vệ cảnh quan đường phố, ngõ xóm; không chặt, phá rừng làm nương rãy, phong trào thu gom rác thải sinh hoạt, phong trào sử dụng nước sạch ở vùng nông thôn nông thôn, phong trào làm chuồng, trại chăn nuôi gia súc xa nhà ở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào làm và sử dụng hố xí hợp vệ sinh ở vùng đồng bào dan tộc thiểu số …

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn Mặt trận các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình, mục tiêu của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” lồng ghép các nội dung nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào nội dung thứ 5 của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, và thực hiện tiêu chí số 17 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; đưa công tác bảo vệ môi trường đến mỗi người dân, hộ gia đình.

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, tặng thiết bị, vật trữ nước, trang thiết bị máy lọc nước mặn, nước sạch, vận động thiết lập các điểm cấp nước, cung cấp nước ngọt miễn phí và nhiều hoạt động hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Trước những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai lũ lụt ở miền Trung và Nam Trung Bộ (tính chung 11 tháng năm 2020, thiên tai làm 372 người chết và mất tích, 1.144 người bị thương; 4.132 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 613,3 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; 267 nghìn ha lúa và 132,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 38,4 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 31,7 nghìn tỷ đồng), Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động ủng hộ và tổ chức tiếp nhận, phân bổ kịp thời. Nguồn Cứu trợ Trung ương tiếp nhận trên 119 tỷ đồng, đã phân bổ 73,7 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 20 địa phương bị thiệt hại. Nguồn cứu trợ địa phương tiếp nhận trên 273 tỷ đồng, đã phân bổ 254 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã phát động các phong trào thi đua phù hợp với từng tổ chức thành viên, như: Đoàn Thanh niên với phong trào “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng”, “Hành trình xanh”, Hội Phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nói không với túi nilon khi đi chợ”, Hội Nông dân với phong trào thực hiện nền nông nghiệp sạch… góp phần thay đổi nhận thức và hình thành thói quen bảo vệ môi trường trong mỗi người dân.

 Các đại biểu T.Ư và TP Hà Nội chứng kiến lễ ký kết giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Sở TN&MT và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP về thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022-2026

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, thuyết phục, cổ động nhân dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường; xây dựng mới các mô hình khu dân cư phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu

Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên và ngành Tài nguyên và Môi trường xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường với các chủ đề “Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; xây dựng mới các mô hình khu dân cư phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Việc xây dựng các mô hình điểm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường của nhân dân. Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với Ngành tài nguyên môi trường để hướng dẫn, kiểm tra, tạo điều kiện hỗ trợ cho các khu dân cư xây dựng mô hình điểm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận và công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả trong xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, MTTQ chú trọng phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, có uy tín trong nhân dân: cán bộ hưu trí, trưởng tộc, chức sắc tôn giáo... góp phần gia tăng sức mạnh trong việc vận động nhân dân tích cực tham gia công tác tự quản môi trường.

Ở các khu dân cư, hoạt động bảo vệ môi trường đã đi vào nền nếp, các địa phương nhân rộng mô hình điểm nên tạo ra sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực của cán bộ và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tập trung sức giải quyết một số vấn đề cấp bách về vệ sinh môi trường: tổng vệ sinh đường làng, ngõ phố; khơi thông cống rãnh thoát nước; dọn vệ sinh khu vực công cộng vào ngày thứ bảy hằng tuần; phát động Tết trồng cây, nhắc nhỡ nhau sử dụng nước sạch, ăn chín uống sôi; xây dựng công trình vệ sinh, tổ chức cuộc sống gia đình với những hành động thân thiện, có lợi cho sự phát triển của tự nhiên và môi trường. Các phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ góp phần thay đổi nhận thức và từng bước hình thành thói quen bảo vệ môi trường trong mỗi người dân; gắn công tác bảo vệ môi trường với phát triển bền vững; góp phần nâng cao chất lượng cảnh quan môi trường khu dân cư ngày càng “Xanh- Sạch- Đẹp” và làm cho mọi người dân có ý thức, kiến thức sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Việc xây dựng các mô hình điểm đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường của người dân; phát huy trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các địa phương; năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Nhiều cấp ủy, chính quyền ở cơ sở đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể để lãnh đạo và chỉ đạo việc xây dựng mô hình điểm; các ngành chức năng, nhất là nghành Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận cùng cấp trong việc hướng dẫn, kiểm tra, tạo điều kiện hỗ trợ cho các khu dân cư xây dựng mô hình điểm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Việc xây dựng các mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa công việc của Mặt trận các cấp tham gia thực hiện bảo vệ môi trường. Từ kết quả thực hiện các mô hình điểm, Ủy ban MTTQ các cấp đã rút ra nhiều kinh nghiệm để tiến hành duy trì và triển khai nhân rộng các mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm của các loại hình khu dân cư, vùng miền trong cả nước, khắc phục được những lúng túng ban đầu về nội dung, phương thức trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở các địa bàn dân cư bảo vệ môi trường và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ này.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng các tổ chức tôn giáo ký kết Chương trình phối hợp

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, tự giác tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư hướng vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, như: Dự thảo Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; dự thảo Luật Khí tượng thủy văn… Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên tổ chức tập hợp ý kiến nhân dân trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường để phản ánh, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặt biệt là báo cáo trước các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời phối hợp, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại với nhân dân.

MTTQ Việt Nam phát động các phong trào tự quản, giám sát của nhân dân, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong sử dụng tài nguyên, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường sự đồng thuận xã hội đối với công tác quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công tác phối hợp đã đóng góp tích cực trong xây dựng tính tự quản, tự giác của người dân ở các cộng dân cư về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vai trò chủ thể của chính người dân ở khu dân cư thực hiện bảo vệmôi trường đã có chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành vi trong sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống của hộ gia đình cũng như sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Kết quả này đã góp phần rất tích cực trong việc hoàn thành các tiêu chí về môi trường của các đại phương đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác phối hợp trong giám sát, kiểm tra việc thực hiện quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức các đợt giám sát việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở các bờ sông và tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhân dân; vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống; những vấn đề môi trường mà nhân dân nêu ý kiến như: các dự án khai thác đá, tận thu khoáng sản Titan, tình trạng nhiễm mặn do sản xuất muối…. Hầu hết những ý kiến, kiến nghị của nhân dân về ô nhiễm môi trường qua phản ánh của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã được các cấp chính quyền xử lý, giải quyết.

MTTQ Việt Nam giám sát, phản biện về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Mặt trận các cấp đã tổ chức 517.307 hội nghị, hội thảo, tọa đàm nội dung về BVMT, ứng phó với BĐKH gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tham gia phản biện, góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, như: Luật BVMT năm 2020 và các dự thảo Luật, Nghị định liên quan đến công tác BVMT; thường xuyên tổ chức tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân về quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH để báo cáo trước các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong 3 năm từ 2018 - 2020, Ban Thường trực UBTWMTTQVN, Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì, tổ chức giám sát tại 10 tỉnh, thành phố; hướng dẫn UBMTTQ địa phương thực hiện rà soát tại những nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ở xã, phường, thị trấn, báo cáo lên cấp trên để tổng hợp, xem xét, giám sát. Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp đã triển khai 2.550 cuộc giám sát, thường xuyên tập hợp ý kiến của nhân dân trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường để phản ánh đến các cơ quan Đảng, chính quyền, báo cáo tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân…

Chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực UBMTTQVN với Sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2017 - 2020, lồng ghép với việc triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm của hệ thống MTTQVN các cấp.

Biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ MTTQ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu  

Hoạt động cung cấp, trao đổi và chia sẻ thông tin về các vấn đề môi trường tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giữa Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên với Tổng cục Môi trường.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam để tổ chức Hội nghị toàn quốc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế  từ ngày 02-03/12/2015.

Hội nghị được tổ chức với mục đích cung cấp cho đại biểu tham dự thông tin về những vấn đề cấp bách của tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu trên thế giới, Việt Nam hiện nay; Phổ biến các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta; Chia sẻ kinh nghiệm của các mô hình nhân dân phối hợp bảo vệ môi trường, tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa phương, nhất là các mô hình do đồng bào có đạo thực hiện. Kết quả của Hội nghị là một Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQViệt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tôn giáo về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với tinh thần, mục tiêu: Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có chức sắc và các tín đồ tôn giáo cùng với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các địa phương trong cả nước triển khai Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQvới cơ quan, tổ chức, nhất là ngành tài nguyên, môi trường với nhiều cách làm sinh động, thiết thực, cụ thể.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường để nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, biên soạn tài liệu, ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền. Hằng năm tổ chức tập huấn cho cán bộ các cấp, các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư về nội dung nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQViệt Nam; kỹ năng tổ chức, hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng ý thức chủ động, tích cực trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyên truyền, phổ biến luật đất đai …

Nhìn chung, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng các chương trình, kế hoạch tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức các hoạt động, các phong trào, các cuộc vận động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường; xây dựng và thực hiện các mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chức năng giám sát xã hội, phản biện xã hội về những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia xây dựng các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư hướng vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, tặng thiết bị, hàng hóa, đồ dùng  hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…; phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, có uy tín trong nhân dân: cán bộ hưu trí, trưởng tộc, chức sắc tôn giáo; biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ mặt trận trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng, các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời thực hiện nghiêm túc và hiệu quả việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào các phong trào, các cuộc vận động, trước hết là tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Tiếp đó, MTTQ Việt Nam các cấp chú trọng việc lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân, xây dựng các mô hình điểm, điển hình khá phong phú và sáng tạo ở các địa phương về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận, các đoàn thể các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đáp ứng được nhiệm vụ vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, MTTQ Việt Nam xây dựng và thực hiện các chương trình phối hợp có hiệu quả với Bộ Tài nguyên môi trường Về việc thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường qua các giai đoạn. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam rất coi trọng việc tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tiến hành sơ, tổng kết nhân rộng mô hình điểm, điển hình về bảo vệ môi trường ở các địa phương./.