Lãnh đạo các tổ chức thành viên góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

(Mặt trận) - Ngày 11/6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Quang cảnh Hội nghị 

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Trung ương các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; thành viên Tiểu ban, Tổ giúp việc Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban nghiên cứu sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

5 điểm mới trong nội dung Báo cáo chính trị trình Đại hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ niềm vui mừng khi có sự tham dự đông đủ của 48 tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; đồng thời gửi lời cảm ơn trân thành tới các tổ chức thành viên khi đã luôn đồng hành với MTTQ Việt Nam trong triển khai 5 chương trình hành động của nhiệm kỳ 2019-2024 vừa qua.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tính đến thời điểm này, có 10.596/10.597 đơn vị cấp xã thuộc 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp xã (đạt tỷ lệ 99,99%); có 374/704 (không tính huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng) đơn vị cấp huyện của 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức Đại hội (đạt tỷ lệ 53,12%), đại hội MTTQ Việt Nam cấp quận, huyện sẽ hoàn thành trong tháng 6/2024; đã có 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029, đến cuối tháng 8/2024 sẽ hoàn thành việc tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra vào tháng 10/2024.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị 

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, đây là một Hội nghị quan trọng, những ý kiến góp ý và kinh nghiệm thực tiễn của đại biểu tham dự Hội nghị sẽ được bổ sung vào dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 (Báo cáo chính trị) và nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.

Đề cập tới 5 điểm mới của dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, điểm mới thứ nhất là nội dung Báo cáo tập trung vào những nét nổi bật trong quá trình thực hiện và bổ sung những kết quả thực hiện nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn: Kết quả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19; Kết quả triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đây cũng là nền tảng để Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025; Xây dựng, xuất bản Cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Điểm mới tiếp theo là nội dung Báo cáo đã bổ sung nhiều nhận định, đánh giá về chặng đường 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng. Trong đó, đã khái quát về quá trình đổi mới tư duy, thống nhất lý luận, nhận thức, chủ trương, quan điểm của Đảng, hoàn thiện pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; đồng thời đánh giá khái quát những thành tựu căn bản, nổi bật của công tác Mặt trận, của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước qua gần 40 năm đổi mới.

Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, nội dung phương hướng, mục tiêu của công tác MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới đã cụ thể những tư tưởng chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống Mặt trận.

Cùng với đó, Báo cáo cũng đề cập tới 3 khâu đột phá của cả nhiệm kỳ dựa trên yêu cầu công tác Mặt trận trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh tới hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tập trung triển khai hoàn thành mục tiêu Cuộc vận động Cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 cùng với việc triển khai những hoạt động an sinh, xã hội chăm lo cho nhân dân; đồng thời tập trung xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu phát biểu tại Hội nghị 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, tiếp nối thành công của 5 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ bổ sung những nội dung, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ mới và bổ sung chương trình hành động thứ 6 xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc nhằm hiện thực hóa nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TW và các văn bản liên quan. Mục tiêu xây dựng 6 chương trình hành động nhằm huy động sự vào cuộc của các tổ chức thành viên trong hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động, lấy khu dân cư làm địa bàn quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động.

“Báo cáo chính trị một lần nữa khẳng định vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó nhấn mạnh tới việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ.

Đề cập đến nội dung sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi lần này có bổ sung, cập nhật một số nội dung mới, đảm bảo phù hợp với Văn kiện và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023của Ban Bí thư; Quyết định số 120-QĐ/TW ngày 6/9/2023 của Bộ Chính trị và các chủ trương, quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước gần dây về MTTQ Việt Nam và thực tiễn hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận vào những điểm mới trong báo cáo chính trị và nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, sức mạnh đại đoàn kết của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2024-2029.

 

Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong triển khai chương trình hành động nhiệm kỳ 2024-2029

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự tập trung thảo luận vào dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam. Các ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Báo cáo chính trị cần đánh giá đúng, thực chất, khách quan tình hình các tầng lớp Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024; bổ sung thêm số liệu và đề cập tới vai trò của các tổ chức thành viên trong triển khai 5 chương trình hành động; thẳng thắn, chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Những kết quả nào nên tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ tới; những hạn chế nào cần phải khắc phục.

Trên cơ sở đó, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2024 - 2029 cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra giải pháp đột phá nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp Nhân dân; tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội; ... Từ đó phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong triển khai chương trình hành động nhiệm kỳ 2024-2029.

Các ý kiến cũng khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam cần phù hợp chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay; việc sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam sẽ tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong nhiệm kỳ mới…

Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đồng tình với những điểm mới trong dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho rằng, phương thức tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của MTTQ Việt Nam rất đa dạng, bởi vậy trong chương trình hành động của nhiệm kỳ mới, MTTQ Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, vận động, mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ được những người thực sự có uy tín, tiêu biểu trên địa bàn khu dân cư tham gia vào công tác Mặt trận. Liên quan đến các chính sách an sinh xã hội, MTTQ Việt Nam cần phát huy vai trò nòng cốt trong vận động, kêu gọi sự hưởng ứng, chung tay của toàn xã hội, xây dựng, phát huy các nhân tố tích cực trong xã hội để tập hợp người dân tham gia.

Theo ông Ngô Sách Thực, trong nhiệm kỳ mới, công tác giám sát, phản biện xã hội cần được triểnk khai hiệu quả, thực chất, trong đó chú trọng thái độ tiếp thu kiến nghị sau giám sát của đối tượng được giám sát; đồng thời bên cạnh phương thức góp ý bằng văn bản, cần bổ sung phương thức thông qua hội nghị, với nhiều ý kiến đóng góp chuyên sâu sau hội nghị. Cùng với đó, khi xuất hiện các vấn đề nổi cộm tại khu dân cư, Mặt trận phải phối hợp với chính quyền trực tiếp khảo sát, nắm bắt tình hình nhân dân liên quan đến các đối tượng, vụ việc cụ thể, chủ động sâu sát cơ sở hơn nữa.

"Trong chương trình hành động sắp tới về vận động nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội của MTTQ Việt Nam cần bổ sung nội dung hỗ trợ học bổng, tiếp sức cho trẻ em khuyết tật đến trường", ông Ngô Sách Thực kiến nghị.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Tán thành việc xây dựng 6 Chương trình hành động cũng như sự cần thiết của việc sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục ra soát những chủ trương, quy định mới của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đúng chức năng, nhiệm vụ, đồng bộ với quá trình đổi mới cả hệ thống chính trị.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, nội dung dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X cần làm rõ hơn và thực chất hơn về tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn, cơ chế, quy trình các bước kết nạp các tổ chức thành viên; đồng thời thể hiện rõ vai trò của Ban công tác Mặt trận, nghiên cứu cơ chế để phù hợp với vai trò, vị trí là một tổ chức của Mặt trận, xem xét bổ sung, cụ thể nhiệm vụ, vai trò của các Hội đồng tư vấn cho phù hợp với chức năng là một tổ chức trong Mặt trận.

 Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị đã khẳng định được vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Một điểm quan trọng nữa cần khẳng định thêm trong dự thảo báo cáo chính trị, đó là MTTQ Việt Nam là cầu nối vững chắc nhất giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

"Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân thì phải thông qua Mặt trận. Mặt trận cũng là nơi tập hợp, phản ánh ý kiến của nhân dân một cách đầy đủ, sâu sắc nhất với Đảng, Nhà nước. Nội dung này cần được thể hiện rõ nét hơn trong báo cáo chính trị để thấy được vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam", ông Thịnh đề xuất.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu 

Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị, đề cập tới nội dung viết về “Đội ngũ trí thức”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng cần bổ sung thêm vai trò của đội ngũ tri thức hiện nay. Thực tế cho thấy, đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng, có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Nhiều trí thức có trình độ cao, năng động, sáng tạo trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng đã bắt kịp các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực có đóng góp lớn, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với phát triển khoa học và công nghệ thế giới.

“Đội ngũ trí thức mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để phát huy cao hơn nữa kết quả, khả năng sáng tạo của mình cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, ông Dũng đề cập.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng phát biểu 

Đề cập tới nội dung viết về “Giai cấp công nhân Việt Nam”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng đề nghị bổ sung thêm từ "thu nhập" vào dòng cuối: "công nhân mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định, nhà ở, đời sống văn hóa và điều kiện học hành cho con em tốt hơn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", bởi thực tế cùng với việc làm, thu nhập là vấn đề được công nhân hết sức quan tâm, mong muốn.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, ở đoạn cuối, tại câu đầu đề nghị bổ sung thành "... đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là người lao động ở khu vực công, người lao động ở một số doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn". Vì thực tế người lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước mới là đối tượng gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống, công việc không ổn định, phải tăng ca thường xuyên, điều kiện sống không đảm bảo nhất là đối với lao động nhập cư, phải thuê trọ, đi kèm với đó là nhiều hệ lụy phát sinh như việc đáp ứng các nhu cầu văn hóa tinh thần, hôn nhân, giáo dục chăm sóc con cái. Dùng từ một số để tránh trùng với từ một bộ phận ở đầu câu, còn nếu đúng thì nên dùng từ "một bộ phận".

Ông Nguyễn Xuân Hùng đề xuất bổ sung việc đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội MTTQ lần thứ IX đã đề ra, bổ sung một số số liệu tổng quát, điển hình để minh chứng cho các nhận định ở phần kết quả.

 

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, nhiều ý kiến tâm huyết đã góp phần gợi mở cho hoạt động của Mặt trận trong thời gian tới; đồng thời khẳng định tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu, cụ thể hóa thành những nội dung nhằm chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều góp ý trọng tâm vào các nội dung trong dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình; có thêm nhiều đề xuất vào nội dung của báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.