(Mặt trận) - Chiều ngày 30/5, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài đã chủ trì cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới tham gia chuyến thăm Trường Sa từ ngày 17/5 đến ngày 25/5/2022.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài và Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam tại buổi gặp mặt
|
Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao, đây là chuyến đi đầu tiên được nối lại sau 2 năm đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và đang từng bước thích nghi với tình trạng bình thường mới.
Năm 2022 cũng là dịp kỷ niệm 10 năm chương trình Kiều bào về thăm Trường Sa. Lần này, chương trình đã đạt được nhiều kết quả ý nghĩa, tạo điều kiện cho bà con kiều bào được thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và quân, dân ở Trường Sa; đồng thời gửi gắm thông điệp không chỉ người dân trong nước luôn đồng hành, sát cánh với quân và dân trên quần đảo Trường Sa mà hơn 5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài cũng luôn hướng về Trường Sa bằng những tình cảm thân thương, thiết thực nhất.
|
Quang cảnh buổi gặp mặt
|
Đại sứ Ngô Hướng Nam chia sẻ, sau chuyến thăm, mỗi kiều bào sẽ là một sứ giả để lan tỏa ngọn lửa yêu Trường Sa, tinh thần yêu Trường Sa tới kiều bào trên khắp thế giới. Cùng với đó, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được kết nối bằng cảm nhận thiêng liêng của mỗi người khi đặt chân đến huyện đảo Trường Sa về sự gắn kết giữa quân với dân, giữa đất liền và biển đảo, giữa cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước là một.
“Có những đại biểu chia sẻ khi lần đầu tiên được mặc chiếc áo cờ đỏ sao vàng bước lên tàu khởi hành đến Trường Sa, cảm xúc thiêng liêng và đáng quý vô cùng. Mong rằng từ thành công của chuyến đi, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng hoạt động ý nghĩa này để kết nối tấm lòng kiều bào hướng về quê hương”, ông Ngô Hướng Nam nói.
|
Đại biểu tham dự buổi gặp mặt
|
Sống và làm việc hơn 30 năm ở Châu Âu, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba lan chia sẻ, trước đây, ông từng đi qua rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng chưa chuyến đi nào làm cho ông cảm thấy xúc động như thế.
“Giữa biển đảo quê hương, tôi cảm nhận được sức sống mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ và người dân tại Trường Sa. Những chiến sĩ tuổi đời rất trẻ nhưng đã sẵn sàng cống hiến sức mình để bảo vệ chủ quyền của quê hương, đất nước. Đặc biệt được lắng nghe những câu chuyện của những chiến sĩ tại Trường Sa đang bảo vệ những đảo chìm mới thấy rõ được sự đồng lòng, chung sức của những chiến sĩ để cùng với Đảng, Nhà nước bảo vệ biển đảo quê hương”, ông Trần Anh Tuấn bày tỏ.
|
Đại biểu tham dự buổi gặp mặt |
Đồng quan điểm với ông Tuấn, bà Vũ Thị Vân Anh, kiều bào tại Hà Lan xúc động khi nhìn lại bức ảnh về trường học tại Trường Sa. Bản thân là giáo viên nên bà Vân Anh cảm nhận được sự nhiệt tình, tâm huyết của các thầy, cô giáo tại Trường Sa khi truyền tải kiến thức cho mỗi em học sinh, luôn nêu cao khẩu hiệu “Vào lớp hiểu bài, ra lớp thuộc bài” một cách thân thương, thiết thực.
“Những cảm xúc này sẽ đồng hành cùng tôi khi truyền tải những thông điệp ý nghĩa tới mỗi sinh viên tại Hà Lan, để từ đó mỗi người trên thế giới hiểu được cuộc sống của quân và dân trên đảo Trường Sa. Khi về Hà Lan, tôi sẽ xây dựng một Câu lạc bộ Trường Sa tại Hà Lan để có thêm nhiều người đóng góp sáng kiến, góp sức mình vào việc nghiên cứu cải tạo nguồn nước ngọt, năng lượng gió,… để tiếp sức cho Trường Sa thân yêu”, bà Vũ Thị Vân Anh nói.
|
Ông Nguyễn Trọng Đức, Kiều bào tại Hoa Kỳ sẻ chia hình ảnh lá cờ Tổ quốc in hình chữ ký của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa
|
Trở về nước từ Hoa Kỳ, ông Nguyễn Trọng Đức bày tỏ, những tháng ngày đến với Trường Sa đã mang đến cho mỗi người trên chuyến hải trình nhiều cảm xúc dâng trào. Chuyến đi Trường Sa đã cho ông Đức cơ hội được mặc chiếc áo cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, điều mà ông chưa làm được trong suốt 50 qua.
“Khi trở về từ chuyến tàu Trường Sa, tôi đã khóc, bởi những người xa quê hương như chúng tôi luôn mong muốn được đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi đã xin chữ ký của từng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa lên lá cờ Việt Nam tôi mang theo, đây là lá cờ tôi sẽ khoác lên vai khi trở về Hoa Kỳ. Mong Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho kiều bào xa xứ được đến với Trường Sa, đặc biệt là đối với hơn 2 triệu kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ được một lần đến với Trường Sa”, ông Đức xúc động chia sẻ.
|
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài sẻ chia cảm nhận của mình trước những tình cảm, những xúc cảm, những khát khao hướng về Trường Sa của bà con kiều bào
|
Chào mừng đoàn đến với ngôi nhà chung đại đoàn kết toàn dân tộc, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, là người đã từng đi Trường Sa và hiểu được cảm giác thiêng liêng, những cảm xúc dâng trào khi đặt chân lên tàu để đến với từng hòn đảo trong chuyến hải trình Trường Sa, khi được gặp những chiến sĩ, bà con đang sinh sống tại Trường Sa. Cảm xúc đó cũng giống như những người đang làm việc trong ngôi nhà đại đoàn kết MTTQ Việt Nam được gặp bà con kiều bào trên khắp thế giới.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đánh giá cao Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chương trình Đoàn kiều bào thăm quần đảo Trường Sa hàng năm. Đây là hoạt động ý nghĩa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Đây cũng là dịp để kiều bào từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với quân và dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ đảo, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc, nơi hội tụ hòa hợp, hòa giải dân tộc, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại buổi gặp mặt
|
Lắng nghe ý kiến của đại biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài sẻ chia cảm nhận của mình trước những tình cảm, những xúc cảm, những khát khao hướng về Trường Sa của bà con kiều bào thông qua nhiều hành động ý nghĩa, và quan trọng hơn là những đóng góp bền bỉ trong nhiều năm qua của bà con kiều bào cả về tinh thần, vật chất cho Trường Sa, vì Trường Sa luôn là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với nhân dân trong nước.
“Mỗi hải trình về với Trường Sa và Nhà giàn DK1 luôn là động lực để bà con kiều bào tiếp tục đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau, về cả vật chất và tinh thần cho Tổ quốc. Các đại biểu đã chia sẻ với nhau về cuộc sống của mình tại nước ở tại, đoàn kết, gắn kết kiều bào các vùng, địa bàn trên thế giới, hóa giải những khác biệt, chính kiến, hòa hợp cùng nhau để nói đúng sự thật, chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử, nhất là về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài bày tỏ.
Nhấn mạnh người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết, Đảng, Nhà nước đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12 và nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách cụ thể trong những năm vừa qua; đồng thời khẳng định Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ luôn nỗ lực để góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành, cổ vũ và tích cực tham gia đóng góp trí tuệ, công sức của NVNONN trên thế giới, biến những khát vọng sớm trở thành hiện thực.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự buổi gặp mặt
|
Hương Diệp - ảnh Minh Đức