(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình làm việc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, chiều 17/10, đại biểu tham dự Đại hội đã đóng góp ý kiến của mình tại các trung tâm thảo luận nhằm góp phần hoàn thiện Văn kiện Đại hội để Mặt trận tiếp tục làm tròn sứ mệnh của một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương thống nhất phối hợp hành động; không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong nhiệm kỳ mới.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Trung tâm thảo luận số 2 |
Tại Trung tâm thảo luận số 2 do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì, các đại biểu đã tập trung tham gia thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội, trong đó tập trung vào Dự thảo Báo cáo chính trị.
Nêu ý kiến, ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện quy định về khuyến khích xã hội hóa, để tổ chức cá nhân tiếp cận được chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng trong công tác chăm sóc người cao tuổi, nhóm đối tượng yếu thế, bảo trợ xã hội. Cùng với đó cần giám sát đánh giá việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chăm sóc toàn diện cho trẻ em khuyết tật, các dịch vụ xã hội cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật, trên cơ sở đó hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng nguồn lực xã hội giúp trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên đạt hiệu quả, chất lượng hơn, ông Võ Thanh An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên.
|
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phát biểu. |
Đại diện khối doanh nghiệp, doanh nhân, bà Nguyễn Nam Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lan Anh kiến nghị việc khảo sát đơn giá đất theo phương pháp thặng dư. Hiện nay, nhà đầu tư mua đất, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án nhà ở thương mại có kết hợp nhà ở xã hội khi thực hiện dự án thì trong Luật Đất đai có quy định rõ là cho phép nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, khi chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhà đầu tư phải được khấu trừ giá trị tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do vậy, ở địa phương áp dụng gộp chung các hình thức góp vốn vào một và không khấu trừ giá trị đất mà doanh nghiệp mua giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án của gia đình, cá nhân.
“Đề nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam có kiến nghị trình Quốc hội và Chính phủ đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Thực tế, góp vốn có nhiều hình thức, Nhà nước nên xem xét và tách riêng những hình thức góp vốn không được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính khi thực hiện dự án.” bà Nguyễn Nam Phương đề xuất.
|
Bà Nguyễn Nam Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lan Anh đại diện khối doanh nghiệp, doanh nhân phát biểu tại diễn đàn. |
Bên cạnh đó, bà Nam Phương kiến nghị về hình thức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đối với dự án nhà đầu tư mua đất giải phóng mặt bằng bằng hình thức nhận góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tự thỏa thuận với gia đình, cá nhân cho trả chậm có thời gian quy định về thời hạn thanh toán không phát sinh lãi, không phân chia lợi nhuận từ dự án thì nên xem xét được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính chuyển mục đích sử dụng đất.
“Về hình thức nhận góp vốn vào tài sản cố định và vốn Điều lệ chủ sở hữu thì không được khấu trừ là phù hợp. Luật Đê điều đang bị chồng chéo với Luật đất đai nên Chính phủ cần đưa ra các giải pháp tháo gỡ mà hiện nay đang vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư. Về việc hoàn tiền hoặc khấu trừ tiền doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong Luật Đất đai có chuyển tiếp nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên địa phương chưa thực hiện được”, bà Nam Phương kiến nghị.
|
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong Việt Nam phát biểu tại tổ thảo luận. |
Chia sẻ về tinh thần đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển dân tộc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh tại Đại hội, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong cho rằng, đất nước ta đã có một quá trình đấu tranh anh dũng, mỗi người chúng ta đều chất chứa một tinh thần dân tộc. Để đưa đất nước bước lên cùng thế giới hơn lúc nào cần nâng tầm đức, trí, dũng. Đức là lòng yêu nước, trí là trí tuệ trong một thời kỳ mới, dũng là bản lĩnh, tinh thần dân tộc, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng vươn lên để sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ đã nói.
Góp ý về chương trình hành động của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới, ông Vũ Trọng Kim cho rằng hiện đã có Luật, Hiến pháp chế định về nhiệm vụ giám sát phản biện xã hội. Bởi vậy đề nghị trong Nghị quyết Đại hội bổ sung thêm nhiệm vụ tư vấn, giám sát, phản biện xã hội để MTTQ Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng tư vấn cho Nhà nước, Chính phủ.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì trung tâm thảo luận số 3 |
Tại Trung tâm thảo luận số 3 do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì, các đại biểu đã tiến hành trao đổi về công tác nhân sự, công tác dân tộc, tôn giáo, hỗ trợ người nghèo trong nhiệm kỳ mới.
Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang đã nêu bật những kết quả và kinh nghiệm trong triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đinh Đức Cảnh, Bắc Giang đang phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc; có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; giữ vững vị trí về quy mô kinh tế. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Bắc Giang luôn chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang Đinh Đức Cảnh phát biểu |
Đến nay, các cấp Mặt trận tỉnh Bắc Giang đã huy động kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu, đồ dùng sinh hoạt trị giá gần 78 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã triển khai khởi công, hoàn thành và bàn giao 1.351/1.393 nhà, đạt 97% kế hoạch. Tuy nhiên, số nhà tạm, dột nát vẫn còn khá lớn, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì chưa đủ các điều kiện về đất đai…
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát cần phải huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ với phương châm “03 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung); “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn) và “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả); MTTQ các cấp luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai. Phong phú, đa dạng trong vận động; cách thức hỗ trợ chi tiết, cụ thể đến từng đối tượng, trường hợp. Rà soát, phân loại đối tượng để giao trách nhiệm cho từng ngành, đoàn thể; kết nối giữa đơn vị tài trợ với hộ gia đình, nhất là đối với những hộ thực sự khó khăn không có khả năng đối ứng để hỗ trợ theo hình thức “Chìa khoá trao tay”; giúp đỡ khâu tổ chức, triển khai xây dựng.
“Triển khai thi công tốt, đảm bảo ngay từ khâu rà soát đối tượng tới quá trình thi công đều dân chủ, minh bạch, khách quan; quá trình thi công thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời tháo gỡ những khó khăn ngay từ cơ sở, hộ gia đình”, ông Đinh Đức Cảnh chia sẻ.
|
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam phát biểu |
Lấy ví dụ từ kinh nghiệm thực tiễn của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đệ đưa ra 2 vấn đề có thể xem là bài học kinh nghiệm bước đầu của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam trong quá trình tham gia giám sát, phản biện xã hội: Một là, nội dung phản biện, góp ý xây dựng chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn để ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn; Hai là, đề cao trách nhiệm và tính xây dựng trong xây dựng chính sách và phản biện xã hội, kiên trì, bền bỉ, theo dõi, lắng nghe, tập hợp ý kiến của hội viên, nhất là trong việc lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên. Theo đó, phản biện chính sách dễ gây xung đột quyền lợi giữa các bên nên cần phải có phương pháp phù hợp. Không phải phát biểu để “gây bão” dư luận hay “dậy sóng” hội nghị mà phải nói có căn cứ khoa học và thực tiễn, trên tinh thần xây dựng.
Bên cạnh đó, phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình tham gia góp ý xây dựng chính sách, luôn có lập trường, bản lĩnh vững vàng, dám nói sự thật, luôn vì sự phát triển, không né tránh, thỏa hiệp, không ngại va chạm, đụng chạm đến dấu hiệu “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách”. Đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí, phải đặt lợi ích của tập thể lên trên hết và trước hết.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Đệ, các tổ chức hội cần phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết trong nội bộ tổ chức hội cũng như giữa các hội với nhau nhằm phát huy tối đa hiệu quả của “tính hội” để tạo khí thế cho sự phát triển…
|
Bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu |
Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, với vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Măt trận Tổ quốc càng thấy rõ sứ mệnh tiên phong của mình trong công cuộc chuyển đổi số.
Từ thực tiễn từ kết quả thực hiện của Nghệ An cho thấy đây là minh chứng sống động về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về niềm tin của Nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc; là tiền đề từng bước xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số - năng động, sáng tạo, sẵn sàng thích ứng với thời đại công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tinh Nghệ An đề nghị Mặt trận Trung ương sớm ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác Mặt trận trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.
Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư Xây dựng hệ sinh thái số cho Mặt trận: Cần xây dựng và phát triển các nền tảng, ứng dụng số chuyên biệt, dùng chung cho toàn hệ thống Mặt trận, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ và hiệu quả; nhất là ứng dụng di động Mặt trận Tổ quốc; nâng cao năng lực số cho cán bộ Mặt trận và Nhân dân, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho mọi người, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường tận dụng sức mạnh của Đề án 06, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, giám sát, phản biện xã hội và tương tác với Nhân dân; Phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia vào các hoạt động của Mặt trận, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng xã hội số, công dân số...
Hương Diệp