(Mặt trận) - Đó là yêu cầu của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khi đến thăm và làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhằm nắm bắt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn và trao ủng hộ 500 triệu đồng cho Bệnh viện tỉnh phục vụ cho việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch.
|
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc |
Cùng đi với đoàn có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.
Bác sĩ không sợ lây nhiễm COVID-19, chỉ sợ bị cách ly
Báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bà Bùi Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, là bệnh viện có quy mô 39 khoa phòng, 739 giường kế hoạch và 1.040 giường thực kê, toàn viện có 667 cán bộ viên chức gồm 171 bác sỹ, trong đó có 15 bác sỹ hồi sức cấp cứu, 4 bác sỹ truyền nhiễm. Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiến hành giám sát, phát hiện để xử lý kịp thời các ổ dịch xuất hiện tại khu dân cư; phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra những thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và ngăn chặn kịp thời các thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tránh gây hoang mang dư luận.
Bên cạnh đó cũng tiến hành theo dõi sát diễn biến tình hình, đánh giá tình hình dịch Covid-19 hàng ngày và tham mưu kịp thời với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
|
Bà Bùi Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện tỉnh báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại bệnh viện
|
Bệnh viện đã bố trí bàn đón tiếp sàng lọc 100% bệnh nhân đến khám bệnh. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm Covid-19 được hướng dẫn vào khoa truyền nhiễm để khám sàng lọc và tổ chức cách ly nếu có các triệu trứng nghi nhiễm; đồng thời huy động khu nhà cách ly điều trị với số lượng giường tối đa là 50 giường bệnh đối với đối tượng F1, lên phương án huy động nhân lực, trang thiết bị khi đối tượng cách ly phải can thiệp ngoại khoa và thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại khoa; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho cán bộ ý tế trực tiếp tiếp xúc, lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm, xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và những người liên quan khác, không để lây nhiễm bệnh cho cán bộ y tế.
Theo bà Bùi Thu Hằng, trong những ngày qua, Bệnh viện đã tiến hành khám sàng lọc cho 52 bệnh nhân, điều trị cách ly cho 28 bệnh nhân, trong đó có 23 bệnh nhân đã âm tính với Covid-19, hiện tại còn 5 bệnh nhân đang điều trị, chưa có kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện chỉ có khả năng điều trị cho 50 bệnh nhân, chính vì vậy nếu trong trường hợp số lượng bệnh nhân điều trị tăng thì bệnh viện sẽ bị quá tải.
“Bác sĩ tại bệnh viện không sợ lây nhiễm mà sợ bị cách ly, bởi khi bị cách ly thì bệnh viện sẽ bị thiếu hụt về nhân lực”, bà Bùi Thu Hằng chia sẻ.
Hơn 500 tỷ ủng hộ và đăng ký ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19
|
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi nhận sự vào cuộc kịp thời của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong việc ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 đang diễn ra trong giai đoạn hiện nay.
Nhấn mạnh Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung cao độ để phòng, chống dịch, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, gần hai tháng qua, công tác phòng, chống dịch Covid -19 đã và đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc, được toàn dân ủng hộ. Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, các cơ quan chức năng và các địa phương tập trung chỉ đạo khẩn trương chủ động, quyết liệt, ráo riết. Bên cạnh đó, bằng việc triển khai nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ, công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19 đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Đại diện WHO cho rằng Việt Nam đã phòng chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch.
“Thành tích này có được nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, trong đó có đóng góp quan trọng của đội ngũ chiến sĩ áo trắng, những người luôn tiên phong, xông pha trên mọi mặt trận phòng chống dịch”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức hai Hội nghị trực tuyến với Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố nhằm quán triệt và tăng cường triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ngay sau Hội nghị, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã đến từng địa bàn khu dân cư, đến từng hộ gia đình, gặp từng người để tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch hiệu quả.
“Đặc biệt, ngày 17/3 vừa qua, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ sau một tuần phát động, đã có rất nhiều tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của những tập đoàn, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, người nổi tiếng ủng hộ từ hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng bằng tiền mặt hoặc qua chuyển khoản và hiện vật có giá trị tương đương, có những Việt kiều xa quê nhờ người thân đến ủng hộ, cũng có những cụ già, em nhỏ gom góp số tiền dành dụm của mình để mang về Mặt trận. Đến nay số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hình thức chuyển khoản và nhắn tin qua cổng thông tin nhân đạo quốc gia lên lới trên 500 tỷ đồng”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.
|
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình phòng điều trị, cách ly áp lực âm trị giá 500 triệu đồng |
Trân trọng những đóng góp và nỗ lực hết mình của những chiến sĩ áo blue trắng trên trận chiến này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch; cần phải trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác chăm sóc bệnh nhân tại mỗi khu cách ly.
“Việc chủ động phòng chống, không lây nhiễm chéo từ bệnh viện là quan trọng”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh Hòa Bình cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch mà Bộ Y tế đề ra; không để hiện tượng tụ tập đông người; mỗi cán bộ phải đến từng nhà, rà từng đối tượng để kiểm soát tình hình và diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn, tránh hiện tượng lây nhiễm chéo diễn ra tại khu dân cư.
“Song song với đó cần có sự vào cuộc kịp thời của lực lượng quân đội và công an trong việc điều ra, khoanh vùng và xác định những trường hợp nghi lây nhiễm để tiến hành cách ly. Không thể chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ trong cuộc chiến này, phải chủ động và thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
|
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện tỉnh Đa khoa Hòa Bình |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, để tránh tình trạng quá tải trong điều trị bệnh nhân, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cần sớm báo cáo với Bộ Y tế phương án xây dựng bệnh viện dã chiến, từ đó giúp địa phương chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch và sẵn sàng là địa điểm cách ly lưu động cho Thủ đô Hà Nội.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng đội ngũ bác sỹ, y tá tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nói chung và cả nước nói riêng sẽ quyết tâm chiến thắng và đẩy lùi đại dịch để người dân yên tâm sản xuất – kinh doanh, không còn nỗi lo về dịch bệnh.
Hương Diệp