Không nên đánh thuế xăng dầu như hàng xa xỉ

(Mặt trận) - Chiều 21/3, tại TP HCM, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị. 

Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá, trong đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước đã làm tốt công tác tiêm vaccine cho nhân dân đạt tỷ lệ cao, trong đó có nhiều loại vaccine tốt hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng, vaccine không thể đi xin, hay đi mua mãi được mà trong nước phải làm được vaccine tốt. Muốn như vậy, Nhà nước cần xem đây là vấn đề quan trọng, để từ đó tăng cường hỗ trợ về nhiều mặt như: kinh tế, thủ tục, cơ sở vật chất.…

Ông Khoa phản ánh, người dân băn khoăn về giá xăng dầu tăng cao do thuế, phí quá cao (khoảng 50%). “Xăng dầu không phải là mặt hàng xa xỉ như thời kỳ bao cấp nữa, mà xem đây là mặt hàng thiết yếu, để điều chỉnh đánh thuế, phí cho phù hợp”, ông Khoa nói.

Một vấn đề nữa được ông Đặng Văn Khoa quan tâm là mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt nhưng nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn cứ xảy ra, thậm chí còn có tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi khiến dư luận hết sức bức xúc. Vì vậy, ông Khoa đề nghị cần phải đề ra cơ chế trong nội bộ thật cụ thể, minh bạch, nghiêm khắc thì mới hạn chế được vấn nạn này.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam phản ánh hiện nay người dân mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà đang được cấp nhiều loại giấy xác nhận khác nhau như: Quyết định cách ly tại nhà; Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly; Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR); Giấy xác nhận bị mắc Covid-19; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội...

Đồng thời, thời gian qua, tại các trạm y tế cơ sở phường, xã có xảy ra tình trạng nhiều người dân F0 phải xếp hàng để chờ xét nghiệm, lấy giấy chứng nhận khỏi bệnh, hoàn thành cách ly đã gây nhiều phiền hà cho người dân. Do đó, ông Hậu đề xuất, cần có quy định thống nhất về thủ tục hành chính quản lý F0 điều trị tại nhà, cùng với đó là triển khai thêm tính năng cấp giấy hoàn thành cách ly trên hệ thống quản lý F0 để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân. Người dân có thể áp dụng tính năng này mà không cần đến trạm y tế cơ sở xin giấy xác nhận như trước nữa.

Còn ông Lê Hải Châu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam xót xa chia sẻ về một bệnh nhân, cũng là người thân ông F0 bị xuất huyết não nhưng đến các bệnh viện cấp cứu thì không có bệnh viện nào tiếp nhận do bị F0. Người nhà bắt buộc phải chuyển vào trung tâm điều trị F0. Nhưng vì không được điều trị xuất huyết não nên người thân của ông Châu qua đời tại nơi điều trị F0. Ông Châu cho rằng, đây là một bất cập của ngành y tế, sự thích nghi quá thấp và cứng nhắc của ngành y. Thực tế, đã có không ít trường hợp không qua khỏi bệnh vì sự cứng nhắc này.

Ông Châu cho biết thêm, việc tuyên truyền, vận động công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở đồng bào vùng sâu, vùng xa thời gian quá ít. Thực tế ở vùng này đời sống của người dân còn nghèo nên việc tiếp cận bằng công nghệ thông tin còn rất hạn chế. Ông Châu đề nghị cần có phương thức tuyên truyền phù hợp đối với những khu vực này.

Ông Trần Việt Anh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM băn khoăn rằng, trong khi chúng ta đang xuất dầu thô, mà nhà máy lọc dầu Nghi Sơn kêu không đủ nguyên liệu, thậm chí là nhập khẩu một số nguyên liệu; và để khi xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước tăng theo, không điều tiết được. Đây là điều cần phải suy nghĩ, bởi giá xăng dầu ảnh hưởng rất nhiều đến đầu tư sản xuất của doanh nghiệp, giá cả hàng tiêu dùng và cuối cùng là ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Một vấn đề nữa được ông Trần Việt Anh phản ánh là gần đây, một số công ty, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư vào Việt Nam nhưng không được kiểm chứng, đánh giá năng lực kỹ, có những công ty đầu tư với quy mô hàng ngàn đến hàng chục ngàn lao động, trong khi đó, các KCN, KCX đang thiếu lao động trầm trọng.

Và những công ty này về công nghệ chẳng hơn gì công nghệ của công ty trong nước hiện có nên việc này đưa vào chẳng khắc gì để cạnh tranh lại với các công ty trong nước mà doanh nghiệp trong nước cũng chẳng học hỏi được gì.

Tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Minh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, cần đặt công tác giám sát, phản biện lên hàng đầu; trong đó nên giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có đúng hay “trên nói một đường, dưới làm một nẻo”; giám sát cải cách hành chính; giám sát hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức… Đồng thời, giám sát công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ông Minh đề nghị Chính phủ sử dụng vốn đầu tư cho nhà ở xã hội để xây nhà ở xã hội bán cho người nghèo và đặc biệt là người lao động nghèo để giữ chân họ ở lại KCN, KCX; không nên để vốn trong ngân hàng, người nghèo khó đáp ứng được tất cả các thủ tục để vay vốn, dẫn đến hiệu quả không cao.

Quang cảnh hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao những phản ánh, đóng góp của các đại biểu. Ông Dũng cho rằng, những ý kiến sát thực, đều có cơ sở thực tiễn, có cơ sở khoa học cao, điều đó chứng tỏ các đại biểu đã nghiên cứu, tìm hiểu thực tế và có trách nhiệm cao.

Trong đó nổi bật là những chủ đề như: Các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch; tình hình giá xăng dầu leo thang; khó khăn trong khôi phục sản xuất và sự tồn tại của doanh nghiệp; nạn tham nhũng; giám sát, phản biện; nâng cao vai trò của Hội đồng tư vấn; vấn đề về công tác kiều bào…

Trao đổi đến các đại biểu về công tác phòng, chống đại dịch, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã vào cuộc một cách quyết liệt, sát sao. Nhờ vậy mà kết quả đã đem lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số bất cập, có lúc có nơi còn lơ là công tác, có nơi còn ban hành văn bản chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với công tác giám sát, phản biện được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam rất chú trọng, do đó đã có những kế hoạch giám sát, phản biện một số vấn đề lớn, được dư luận quan tâm nhiều.

Về công tác kiều bào, ông Dũng khẳng định vai trò lớn của bà con kiều bào với đất nước. Ngay cả trong thời gian bùng phát dịch trong nước, kiều bào cũng có vai trò rất tích cực như ủng hộ kinh phí, vật tư y tế, lương thực phẩm, ngoại giao vaccine giúp đồng bào trong nước phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, những phản ánh, kiến nghị của các đại biểu sẽ được ghi nhận, tổng hợp để gửi tới cơ quan có thẩm quyền phù hợp. Đồng thời, mong muốn các đại biểu tiếp tục có những ý kiến góp ý, với mục tiêu chung để hạn chế những tiêu cực, giảm bớt những bức xúc nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, ổn định xã hội.