Không để hiện tượng “doanh nghiệp phá sản rồi mới hỗ trợ”

(Mặt trận) - Tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2020, được tổ chức sáng nay (8/7), Mặt trận các địa phương đều bày tỏ sự đồng tình với Nghị quyết về triển khai vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đặc biệt là việc cần phải gỡ khó cho doanh nghiệp, không để hiện tượng “doanh nghiệp phá sản rồi mới hỗ trợ”.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Đại biểu trao đổi tại Hội nghị 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ phòng, chống đại dịch COVID-19 được hệ thống Mặt trận Thủ đô đặt lên hàng đầu. Với sự cố gắng, nỗ lực đội ngũ cán bộ Mặt trận thành phố đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra của công tác Mặt trận, từ đó tạo niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Cùng với việc tuyên truyền vận động người dân tham gia phòng chống dịch COVID-19, vận động nhân dân ủng hộ khắc phục hậu quả ảnh hưởng do đại dịch, Mặt trận các cấp trên địa bàn đã triển khai hiệu quả việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong chi trả hỗ trợ đến người dân.

Bà Nguyễn Lan Hương cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm Mặt trận các cấp trên địa bàn đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề bức xúc tại cơ sở mà điển hình là điểm nóng tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức. Mặt trận thành phố đã hỗ trợ tặng 64 suất quà cho người nghèo và xây 9 nhà đại đoàn kết cho người dân tại xã Đồng Tâm.

Đề cập đến mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ cấp huyện, bà Nguyễn Lan Hương cho biết, cho đến thời đểm đại hội, hầu hết các quận, huyện tại thành phố Hà Nội không tiếp tục thực hiện mô hình đồng thời nữa mà sẽ tách Trưởng ban Dân vận và Chủ tịch MTTQ.

“Chỉ còn 11 đồng chí cấp ủy viên có thể duy trì mô hình đồng thời. Đó cũng là sự khẳng định sự cần thiết, xác định rõ nhiệm vụ của đồng chí Trưởng ban Dân vận, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho đồng chí Chủ tịch MTTQ”, bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Bày tỏ sự đồng tình với Nghị quyết về triển khai cuộc vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị trong 6 tháng cuối năm, cùng với việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Mặt  trận trong phòng chống dịch cần đẩy mạnh hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh Hội nghị 

Chia sẻ về vai trò của Mặt trận tham gia giám sát việc chi trả cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã thành lập 18 đoàn giám sát và 425 đoàn giám sát ở cấp huyện để đảm bảo việc triển khai gói 62.000 tỷ đến đúng đối tượng và không xảy ra sai sót.

Từ thực tế giám sát, bà Tô Thị Bích Châu cho rằng, việc triển khai hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hiện chưa rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà, chính bởi vậy cần phải gỡ khó và có cơ chế mở cứu doanh nghiệp, không để hiện tượng “doanh nghiệp phá sản xong mới hỗ trợ”. Bên cạnh đó, quy định hỗ trợ đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ có doanh thu dưới 100 triệu/năm không phù hợp với thành phố Hồ Chí Minh bởi thực tế doanh thu của các hộ kinh doanh lớn hơn con số này, chính bởi vậy việc triển khai gói hỗ trợ cho các đối tượng này gặp khó.

Nêu một số bất cập trong triển khai Nghị định 64 của Chính phủ, bà Tô Thị Bích Châu đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam cần kiến nghị với Chính phủ sửa lại một số nội dung trong Nghị định cho phù hợp với thực tế, trong đó liên quan tới việc miễn thuế cho các doanh nghiệp ủng hộ cho các cơ sở y tế. Lấy ví dụ từ việc doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ các bệnh viện trên địa bàn xe cấp cứu và xe cứu thương nhập khẩu từ nước ngoài, những doanh nghiệp này vẫn phải đóng thuế nhập khẩu trực tiếp và không nhận được chính sách ưu đãi từ Chính phủ.

Cũng theo bà Tô Thị Bích Châu, Trung ương cần có những chính sách hỗ trợ vay vốn cho nông dân, đặc biệt là đối với nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng Cao Xuân Liên phát biểu tại Hội nghị

Còn theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng Cao Xuân Liên, điểm nhấn trong công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm đến từ sự vào cuộc kịp thời của MTTQ các cấp khi đoàn kết, tập hợp toàn dân để kề vai sát cánh cùng Đảng, Chính phủ để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống đại dịch Covid-19.

Về nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm, ông Cao Xuân Liên cũng cho rằng, MTTQ các cấp cần đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, thực hiện Nghị quyết về vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid 19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước được nhanh chóng hơn, toàn diện hơn đến với nhân dân cả nước.

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cũng chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm, nét nổi bật trong công tác Mặt trận trên toàn tỉnh phải kể đến vai trò Mặt trận trong huy động tổng lực vào xây dựng nông thôn mới thông qua nguồn lực xã hội hóa từ địa phương. Từ đó, an sinh xã hội được đảm bảo, một bộ phận lớn người nghèo đã được hỗ trợ, toàn tỉnh đã huy động được 115 tỷ quỹ vì người nghèo các cấp, xây được 315 căn nhà đại đoàn kết.

“Song song với việc phòng, chống COVID-19, Mặt trận các cấp cũng đã tích cực, chủ động tham gia quá trình giám sát nhân sự tham gia Đại hội Đảng bộ các cấp. Theo Nghị định 124, Mặt trận đã giám sát và tổng hợp ý kiến của nhân dân đối với các đồng chí Ủy viên tái cử ở khóa mới”, ông Hà Văn Hùng thông tin.

Từ việc vận động doanh nghiệp, người dân chung sức, đồng lòng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Hùng cho rằng việc huy động quỹ “Vì người nghèo” từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, chính bởi vậy UBTƯ MTTQ Việt Nam cần có giải pháp trong triển khai vận động quỹ này.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay ở một số địa phương, việc triển khai mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận, có nơi thành công nhưng có những nơi còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiệm vụ kiêm nhiệm, chính bởi vậy cần có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai mô hình này.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trung ương GHPG Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Với vai trò là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trung ương GHPG Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, một trong những điểm nhấn thể hiện vai trò MTTQ Việt Nam trong công tác đoàn kết quần chúng, đoàn kết các tôn giáo. Qua đại dịch COVID-19 đã khẳng định được tinh thần đại đoàn kết và sự đồng thuận của toàn xã hội khi cùng chung sức hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam huy động “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”.

“Từ Lời kêu gọi này, các tổ chức tôn giáo trong đó có GHPG Việt Nam đã kêu gọi tăng ni, Phật tử ủng hộ phòng áp lực âm, ủng hộ khẩu trang, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện và khu cách ly. Cùng với đó, GHPG Việt Nam đã phát hàng trăm tấn gạo cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Nhiều hoạt động của tăng ni, Phật tử đã góp phần vào thành công chung của MTTQ Việt Nam”, Thượng tọa Thích Đức Thiện thông tin.

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh và tập trung nguồn lực phát triển, phục hồi nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2020, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc quảng bá hàng Việt tại các cơ sở thờ tự. GHPG Việt Nam cũng kêu gọi các chùa, di tích lịch sử tân trang, đón tiếp bà con nhân dân đến du lich, đảm bảo sinh hoạt tâm linh, kêu gọi Người Việt Nam đi du lịch ở Việt Nam.

“Trong 6 tháng cuối năm, với tinh thần yêu nước, tăng ni, Phật tử GHPG Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng MTTQ Việt Nam, tiếp tục sinh hoạt Phật sự, hoàn thành nhiệm vụ MTTQ Việt Nam”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.