(Mặt trận) - Sáng ngày 27/6, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến về nội dung tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
|
Chủ trì cuộc làm việc |
Tham dự cuộc làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh; lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.
Phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh với các đặc trưng cơ bản và những giá trị cốt lõi riêng có của tỉnh
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động triển khai và hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024 đã đề ra và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh chưa có tiền lệ.
|
Ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại cuộc làm việc |
Trong đó phải kể đến hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân được nâng cao; tinh thần tự quản, sáng tạo của Nhân dân được phát huy. Lần đầu tiên lập và đưa vào sử dụng hiệu quả 191 Trang cộng đồng ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã; hàng năm đăng hàng nghìn tin, bài với nội dung đa dạng, phong phú từ cơ sở; tổ chức thành công Cuộc thi “Ảnh đẹp fanpage” trên Trang cộng đồng MTTQ tỉnh năm 2023 đã thu hút đông đảo cán bộ, Nhân dân tham gia. Đặc biệt trong 2 năm (2022, 2023), Ngày hội đại đoàn kết được thống nhất tổ chức đồng loạt trong một ngày Chủ nhật tại 1.452/1.452 khu dân cư, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thực sự là Ngày hội của toàn dân.
Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là các trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn… được triển khai thường xuyên, liên tục, huy động được sự chia sẻ của cộng đồng, góp phần tiếp thêm nguồn lực, động viên các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên và thoát nghèo bền vững, đến cuối năm 2023 tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương, triển khai thực hiện theo mức chuẩn nghèo của tỉnh (cao hơn 1,4 lần so với quy định của Trung ương), chất lượng sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng thực chất, hiệu quả, thể hiện rõ vai trò của Mặt trận, nhất là công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố thực hiện mô hình “dân tin, đảng cử” Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố;…
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh phát biểu tại cuộc làm việc |
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đề ra Chương trình hành động với mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, bám sát tiêu đề báo cáo chính trị: “Nâng cao vai trò nóng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam; phát huy dân chủ xã hội chủ nghía, truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Đại hội đề ra 3 mục tiêu đột phá: Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyết tâm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh với các đặc trưng cơ bản và những giá trị cốt lõi riêng có của tỉnh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành - mạnh - Văn minh - Thân thiện” là động lực chủ yếu và là mục tiêu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát huy vai trò của Nhân dân trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên theo phương châm hướng mạnh về cơ sở để tập trung xây dựng Khu dân cư “Đoàn kết, đồng thuận, an ninh, an toàn, ấm no, hạnh phúc”.
Đại hội cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: 100% cơ quan Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở xây dựng, ban hành, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức công vụ với phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; Phấn đấu giữ vững thành quả hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát phát sinh trên địa bàn tỉnh; hằng năm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh, trẻ em mồ côi và các đối tượng yếu thế có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, giúp đỡ; 100% khu dân cư tổ chức được Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với bổ sung hương ước, quy ước ở thôn, bản, khu phố, 100% khu dân cư xây dựng được từ 01 - 02 mô hình Khu dân cư: “Đoàn kết, đồng thuận, an ninh, an toàn, ấm no, hạnh phúc”; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia giữ vững địa bàn an toàn, phấn đấu trong nhiệm kỳ có từ 100 - 120 xã, phường, thị trấn; từ 3 - 4 huyện, thị xã, thành phố không có tệ nạn ma túy, không có tệ nạn xã hội…
Lựa chọn cá nhân tiêu biểu phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương
|
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu kết luận cuộc làm việc |
Ghi nhận, đánh giá cao Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã chủ động bám sát Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư; các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 18/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chuẩn bị từ sớm, từ xa các nội dung của Đại hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội được tiến hành nghiêm túc, do đó chất lượng hồ sơ Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 trình Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bảo đảm yêu cầu đề ra.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh rà soát, nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu ý kiến góp ý của các ban, đơn vị Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các ý kiến tại cuộc làm việc để hoàn thiện văn bản của Đại hội theo quy định và phù hợp với thực tiễn của địa phương.
|
Quang cảnh cuộc làm việc |
Về Báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, tỉnh cần bổ sung thêm kết quả triển khai hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn; bổ sung thêm số liệu và các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện các chương trình hành động được xác định trong Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024, nhất là vai trò, trách nhiệm đối với các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Về chỉ tiêu nhiệm kỳ 2024-2029, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, dự thảo báo cáo cần xác định chỉ tiêu có thể định lượng, khả thi và phấn đầu thực hiện được. Trong đó, phần phương hướng cần bổ sung, cập nhật những chỉ đạo, định hướng mới than của Đảng theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về đại đoàn kết toàn dân tộc; Tổng kết 10 thực hiện Luật MTTQ Việt Nam năm 2015; triển khai phong trào thi đua Cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025…
Cơ bản thống nhất với Đề án nhân sự của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, tỉnh cần tiếp tục rà soát, lựa chọn cá nhân tiêu biểu phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo tỷ lệ theo nội dung hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong phần thực trạng tình hình Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024, nên bổ sung phương hướng và quy trình xây dựng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029.
“MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh cần phát huy thế mạnh trong triển khai công tác tuyên truyền thông qua việc phối hợp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu, ... tuyên truyền về kết quả công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2019 - 2024, các công trình, phần việc trên các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau Đại hội.”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.
Hương Diệp - ảnh Thế Quảng