Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 7, khóa IX

(Mặt trận) - Sáng ngày 27/12, tại Hà Nội, Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 7 khóa IX đã chính thức khai mạc. Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao đổi với đại biểu tham dự Hội nghị 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cùng các đại biểu tham dự Hội nghị 

Tham dự Hội nghị có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các vị trong UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Chủ trì Hội nghị 
Đại biểu tham dự Hội nghị 

Phát huy tinh thần dân chủ, đồng thuận

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2022, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 7 để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam. Hội nghị sẽ thảo luận thông qua báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2022, chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023 của UBTƯ MTTQ Việt Nam; cho ý kiến vào một số báo cáo như: Báo cáo kết quả công tác giám sát, phản biện xã hội năm 2022 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Báo cáo tình hình các tầng lớp Nhân dân năm 2022; Báo cáo tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và công tác vận động Kiều bào của MTTQ Việt Nam năm 2022; Báo cáo kết quả công tác thi đua, khen thưởng năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Hội nghị cũng sẽ hiệp thương cử bổ sung, thay thế Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX theo tờ trình của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị 

Nhấn mạnh đây là những nội dung quan trọng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận, đánh giá đúng đắn những kết quả đạt được của công tác Mặt trận năm 2022, rút ra những kinh nghiệm, chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm. Trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam khóa IX đã đề ra.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, tại Hội nghị, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ nghe đại diện của Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Trên cơ sở đó tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; động viên các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

“Phát huy tinh thần dân chủ, chân thành, đồng thuận, chắc chắn Hội nghị của chúng ta sẽ đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 7, khóa IX. Chúc các cụ, các vị, các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đã trình bày Tờ trình về dự thảo Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2022 và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Dự thảo Báo cáo nêu rõ, năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung, nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch giai đoạn đã xác định và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, có việc chưa từng có tiền lệ để triển khai đạt kết quả công tác. Mặt trận các cấp đã triển khai các giải pháp, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ đề ra theo hướng trọng tâm, trọng điểm, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, coi trọng thực chất, hiệu quả.

Trong đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai nhiệm vụ được thực hiện đồng bộ trong hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân được triển khai kịp thời; Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị 

Công tác tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Công tác giám sát, phản biện xã hội tiếp tục được tăng cường; đặc biệt là việc tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022. Các kiến nghị qua giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, từng bước được các bộ, ngành, Ủy ban dân các địa phương lắng nghe, quan tâm trả lời và chỉ đạo giải quyết.

Công tác phối hợp với Nhà nước ngày càng chặt chẽ, thực chất. Công tác phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm; Việc ứng dụng công nghệ thông tin bước đầu được triển khai có hiệu quả, đã khai thác hiệu quả hệ thống kênh thông tin, truyền thông của Mặt trận, mạng xã hội trực tuyến thông qua “Trang cộng đồng” (Fanpage) của MTTQ Việt Nam.

Đại biểu tham dự Hội nghị 

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, trong năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tập trung quán triệt, hướng dẫn, triển khai trong hệ thống để hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trong đó, tập trung triển khai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội theo Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư; trên cơ sở đó, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp triển khai thực hiện một số chương trình giám sát quy mô cấp toàn quốc; tổ chức phản biện xã hội đối với dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Xây dựng các đề án, văn bản trình Ban Bí thư Trung ương Đảng; Tiến hành tổng kết, sơ kết các văn bản, đề án của Ban Bí thư, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Tự kiểm tra, chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Quỹ Vì người nghèo, nguồn cứu trợ Trung ương bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” và công tác chăm lo người nghèo, công tác cứu trợ.

Tập trung triển khai hoàn thành nội dung chuẩn bị tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Đổi mới phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp; triển khai Quy định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức tư vấn của MTTQ Việt Nam các cấp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị 

Thực hiện có hiệu quả, thực chất, có trọng tâm công tác tiếp xúc, đối thoại, nắm bắt, tổng hợp, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài đến với Đảng, Nhà nước; củng cố, phát huy đoàn kết các tôn giáo tham gia xây dựng đất nước.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Mặt trận các cấp. Triển khai hoàn thành Đề tài Khoa học Công nghệ cấp quốc gia: Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ trong thời ký phát triển mới của đất nước.

Triển khai thực hiện Kết luận của Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam về thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại nhân dân, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; công tác dân tộc, tôn giáo.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của MTTQ Việt Nam; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội nghị 
Về Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, trong năm 2023, MTTQ các cấp tiếp tục triển khai 5 nội dung, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vận động nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân.

Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho người lao động phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thông báo những nét mang tính đại cương về "bức tranh" kinh tế-xã hội của đất nước, những thuận lợi, khó khăn trong năm 2023, qua đó thống nhất suy nghĩ, hành động, thực hiện thật tốt quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận để thực hiện tốt hơn các định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đi đúng hướng, đã tháo gỡ được một số nút thắt nhưng phải nhìn nhận đánh giá đúng những khó khăn, thách thức, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới những năm tới sẽ rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài,… Từ đó ảnh hưởng nặng nề đế các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải giãn việc, cho người lao động nghỉ việc do không có đơn hàng.

"Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho người lao động phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày do đơn hàng xuất khẩu giảm", Phó Thủ tướng nói.

Ở trong nước, bên cạnh giải quyết những vấn đề mới, Chính phủ cũng dành nhiều thời gian để xử lý những vấn đề còn tồn đọng từ trước liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng, thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các dự án thua lỗ nhiều năm, có nhiều vướng mắc… một cách thận trọng, linh hoạt, giữ được ổn định.

Phó Thủ tướng chia sẻ thêm 3 điểm nổi bật trong năm 2022 dù không được thể hiện qua các con số, chỉ tiêu.

Thứ nhất là nhận thức vấn đề văn hóa-xã hội đã được nâng lên một tầm mức mới.

Phó Thủ tướng cho biết đa phần các nước đang phát triển đều tập trung vào phát triển kinh tế sau đó mới chú ý đến môi trường, tuy nhiên, đối với vấn đề văn hóa-xã hội đều không dành nhiều nguồn lực. Bởi vì, văn hóa-xã hội trong ngắn hạn không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền, lại không phải là những vấn đề cấp bách, "cháy nhà, chết người" và ai cũng cảm thấy là mình biết về văn hóa-xã hội nên ít coi trọng ý kiến chuyên gia, người làm thực tiễn có kinh nghiệm.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), một hội nghị mà từ nhiều năm, không chỉ những người làm công tác quản lý về văn hóa, không chỉ giới văn nghệ sĩ, mà đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều trông đợi, vấn đề văn hóa-xã hội đã chuyển biến rõ rệt.

"Tới đây, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề văn hóa-xã hội bằng cách dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo; đầu tư nguồn lực; chú trọng đội ngũ cán bộ", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Thứ hai là sức mạnh đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát huy hiệu quả, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Các quy chế phối hợp, tham khảo ý kiến phản biện, xây dựng đối với các chủ trương, chính sách ngày càng thực chất và cần tiếp tục được đẩy mạnh, tạo đồng thuận trong thực hiện.

Thứ ba là chúng ta đã nắm bắt nhanh nhạy hơn xu thế của thế giới, đưa ra phản ứng chính sách kịp thời hơn trước những điều chỉnh chính sách của các nước. Phó Thủ tướng nêu ví dụ: tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP) 26, Việt Nam đã nắm bắt được xu thế, đi trước một bước khi cam kết đến năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nâng cao vị thế của đất nước không chỉ vể chính trị. Tại COP 27, các nước cam kết tài trợ cho Việt Nam 15,5 tỷ USD để thực hiện mô hình chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây cũng là nguồn vốn khơi thông để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhanh hơn để đuổi kịp các nước, nhưng phải bền vững, lo cho môi trường, lo cho công bằng xã hội, "giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để nước sóng ra ngoài", Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có sự quyết tâm và sáng tạo thì chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu đề ra mà lúc đầu tưởng chừng rất khó, không thể nào đạt được.

Lựa chọn đúng, trúng và khoa học các nội dung triển khai trong năm 2022

Từ nội dung Tờ trình về dự thảo Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2022 và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, góp ý nhằm tạo nên bức tranh toàn cảnh về công tác Mặt trận trong năm 2022 và phương hướng triển khai trong năm 2023.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Hội nghị 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Hồi bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với các nhiệm vụ trọng tâm của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong năm 2023, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là tập trung cao độ vào việc triển khai thiết thực, hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

“Có thể nói, đây là nội dung cốt lõi, căn cốt nhất để tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam trước yêu cầu đổi mới, đáp ứng được sự mong mỏi của các tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Văn Hồi chia sẻ.

Để làm tốt công tác này, ông Nguyễn Văn Hồi cho rằng, MTTQ Việt Nam cần lựa chọn khoa học, đúng, trúng những vấn đề từ thực tiễn; những chuyên đề giám sát phải là những vấn đề nóng mà cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt được các tầng lớp nhân dân quan tâm. Có như vậy mới dễ dàng lan tỏa, gây được sự chú ý và tạo đồng thuận của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân giúp MTTQ Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.

Cùng với đó, MTTQ Việt Nam các cấp cần linh hoạt, mời những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tham gia đoàn giám sát; đi sâu vào từng vấn đề cụ thể, có sự đánh giá khách quan từ thực tiễn chứ không chỉ nhìn vào báo cáo trên giấy; phản ánh trung thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. 

Ở góc độ kinh tế, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bước vào năm 2023 là trạng thái “ngủ đông” của kinh tế thế giới, tác động tiêu cực đến các ngành nghề đang sử dụng nhiều lao động và gia công cho nước ngoài. Vì vậy tất cả sự hỗ trợ cần tập trung vào nhóm các doanh nghiệp đang hoạt động và sử dụng các lao động ổn định, có tính thanh khoản cao, có thị trường xuất khẩu; tập trung nhiều hơn các lực lượng lao động cho các hoạt động ngoài kinh tế như các dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí. Song song với đó, cần quan tâm phát triển lực lượng lao động có hàm lượng chất xám cao, có tay nghề.

Theo ông Trần Việt Anh, một trong những yếu tố ưu tiên các doanh nghiệp FDI chọn khi đến Việt Nam là giá điện rẻ. Giá điện của Việt Nam là độc quyền của Nhà nước, tuy nhiên do giá quá rẻ nên chịu lỗ. Do đó, cần điều chỉnh giá điện phù hợp, có thể ngang bằng so với giá điện thế giới, để doanh nghiệp FDI đến với Việt Nam không phải vì giá điện rẻ, nhân công giá rẻ mà vì một thị trường, vì những lao động có tay nghề cao.

Sư cô Thích Tâm Trí phát biểu tại Hội nghị. 

Theo Sư cô Thích Tâm Trí, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Người Việt Nam khi sang Nhật Bản luôn được ưu ái bởi đức tính siêng năng, chăm chỉ. Những thực tập sinh, sinh viên khi theo học tại Nhật Bản luôn bày tỏ sự chân thành, tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu nên được sự đón nhận từ nước bạn.

Trong quá trình sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, bà con kiều bào đều đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, gìn giữ và phát huy, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, cùng xây dựng cộng đồng lớn mạnh, văn minh.

Với cương vị Trụ trì chùa Đại Ân (Nhật Bản), Sư cô Thích Tâm Trí đã tổ chức nhiều lớp dạy tiếng Việt cuối tuần, duy trì việc học ngôn ngữ cho thế hệ trẻ, đồng thời khuyến khích, hướng dẫn các gia đình theo đạo Phật thờ cúng tổ tiên, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của Việt Nam cho kiều bào ta tại Nhật Bản.

Nhấn mạnh tới vai trò quan trọng trong việc duy trì sinh hoạt tôn giáo cho bà con kiều bào tại Nhật Bản, Sư cô Thích Tâm Trí chia sẻ, mình cùng với các Phật tử tham gia vận động nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở thờ tự mới, những nơi sinh hoạt tâm linh cho bà con. Đây cũng là nơi để mọi người tìm đến, gắn kết với nhau trong hoàn cảnh xa quê hương.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của nhân dân là sức mạnh giúp thành phố vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển bền vững.

Theo bà Trần Kim Yến, trong 2 năm 2020 và 2021, Thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Năm 2021, mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh ở mức thấp, tuy nhiên với những giải pháp đồng bộ cùng sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từng bước quý I, quý II, kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh thoát khỏi con số âm và bắt đầu tăng trưởng trở lại.

“Thành quả này thuộc về nhân dân bằng sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, với sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành, tổ chức thực hiện quyết tâm cao của chính quyền các cấp thành phố. Ý chí kiên cường, đoàn kết một lòng đã giúp thành phố vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển”, bà Trần Kim Yến khẳng định.

Đồng tình, nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, bà Trần Kim Yến đề nghị, theo chương trình sẽ tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Chỉ thị Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, khi tham mưu để ban hành Chỉ thị này, MTTQ Việt Nam sẽ đề xuất để một đồng chí Phó Chủ tịch MTTQ các cấp sẽ tham gia cùng cấp ủy cùng cấp, từ đó việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như vai trò, vị thế của Mặt trận sẽ được nâng cao hơn.

Hiệp thương cử bổ sung 9 vị tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

 
 Hội nghị hiệp thương cử bổ sung Ủy viên Ủy ban và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tại Hội nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 7, khóa IX đã hiệp thương cử bổ sung 20 vị tham gia UBTƯ MTTTQ Việt Nam; bổ sung 9 vị tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam.

9 vị được hiệp thương cử bổ sung tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gồm: Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

 
 Chủ tịch Đỗ Văn Chiến và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu tặng hoa chúc mừng 20 vị Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Căn cứ cơ cấu thành phần tham gia Phó Chủ tịch không chuyên trách đã được Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 thông qua, bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh được hiệp thương cử bổ sung là Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024.

 
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương trao Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho ông Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa III,IV,V,VI,VII,VIII,IX 

Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho ông Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa III,IV,V,VI,VII,VIII,IX.

Để ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận năm 2022, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tặng thưởng Cờ xuất sắc toàn diện cho 10 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố; tặng thưởng Cờ xuất sắc cho 15 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố; tặng thưởng Cờ xuất sắc cho 6 tổ chức thành viên.

Nhân dịp này, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng tặng thưởng Bằng khen cho 38 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố; tặng Bằng khen cho 19 tổ chức thành viên; tặng Bằng khen cho 7 cá nhân thuộc các Hội đồng Tư vấn. Tặng Bằng khen cho 1.020 tập thể và 831 cá nhân thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu tặng cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận năm 2022 
 
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tặng cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong năm 2022 
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài tặng cờ thi đua cho các tổ chức thành viên đạt thành tích xuất sắc trong năm 2022