Hội nghị trực tuyến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ sáu, khóa IX

(Mặt trận) - Thực hiện điều lệ MTTQ Việt Nam và chương trình hoạt động toàn khóa của UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, sáng ngày 30/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ sáu, khóa IX.

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ trì Hội nghị 

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam (dự tại điểm cầu Tuyên Quang); ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (dự tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh); Các Ủy viên Trung ương Đảng: ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ (dự tại điểm cầu Cần Thơ); ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang (dự tại điểm cầu Tuyên Quang); đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và đại biểu là Ủy viên Ủy ban tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ đề ra

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiện toàn nhân sự mới. Song, với tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, công tác Mặt trận từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, nhất là ở khu dân cư, thôn, tổ dân phố đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện; cơ bản hoàn thành chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Trong đó phải kể đến 5 kết quả nổi bật, trước tiên phải kể đến việc MTTQ Việt Nam tham gia công tác chuẩn bị góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Tham gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025.

MTTQ Việt Nam các cấp cũng chủ động, tích cực tham gia cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phòng, chống, vượt qua đại dịch Covid-19. Trong đó, công tác vận động xã hội, quyên góp ủng hộ các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng do dịch bệnh và tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Cùng với đó đã phối hợp, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, tổ chức rất thành công Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo và có bài phát biểu rất quan trọng, nâng tầm vị thế MTTQ, tạo xung lực mới cho công tác Mặt trận, là yếu tố nền tảng để MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đánh giá, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, MTTQ các cấp đã kế thừa và nâng tầm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với kỷ niệm Ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11), tổ chức theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều dành thời gian về dự với các khu dân cư, tạo được sức lan tỏa lớn trong xã hội, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với Ngày hội của toàn dân, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Cùng với 5 kết quả nổi bật nêu trên, chúng ta đã vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành 114 việc trong tổng số 134 việc theo kế hoạch năm 2021, đạt 85% với chất lượng được nâng lên một bước. Số lượng công việc chưa hoàn thành do phải điều chỉnh phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022

Quang cảnh Hội nghị 

Từ những kết quả đạt được, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, trong năm 2022, MTTQ Việt Nam cần bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nội dung chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, thực hiện chương trình toàn khóa đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông qua tại Kỳ họp thứ 2.

Khẳng định, năm 2022, MTTQ các cấp sẽ triển khai toàn diện các nhiệm vụ đã xác định, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Hội nghị phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm thảo luận, thống nhất triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Trong năm tới, MTTQ các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh phong trào thi đua phục hồi phát triển kinh tế.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo xây dựng 3 Đề án và 1 Chỉ thị trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định: Trình Bộ Chính trị cho ý kiến ban hành Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của cơ quan MTTQ Việt Nam; Trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến Đề án để ban hành Chỉ thị lãnh đạo Đại hội MTTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X MTTQ Việt Nam; Trình Ban Bí thư cho ý kiến về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và ban hành Đề án Kết luận của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam; Trình Ban Bí thư cho ý kiến, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đại biểu tham dự Hội nghị 

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, MTTQ các cấp cần nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị TW 4 khóa XIII số 21-KL/TW; Các quy định, quyết định của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đa dạng hóa cách thức lắng nghe được nhiều ý kiến của các tổ chức thành viên; kịp thời tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh tới Đảng và Nhà nước; Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, để tạo thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở.

Cùng với triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng nêu rõ, MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình phối hợp, phòng trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phát động; Tập trung chuẩn bị tốt nội dung cho Hội nghị Đoàn Chủ tịch, Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các Hội nghị khác trong năm 2022.

Nhấn mạnh tới ý nghĩa quan trọng của Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, đóng góp thật nhiều ý kiến xác đáng để Hội nghị đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Đổi mới hoạt động, chú trọng hiệu quả, thực chất

 Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu trình bày Tờ trình của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Trình bày tờ trình của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, năm 2021, chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam được tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Phương thức hoạt động của Mặt trận có nhiều đổi mới, chú trọng hiệu quả, thực chất, nhằm góp phần nâng cao tính đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Hệ thống Mặt trận không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, có những mặt công tác đạt kết quả nổi bật, tích cực, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, hưởng ứng.

Trong đó, hệ thống MTTQ Việt Nam đã nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tích cực tham gia và góp phần quan trọng vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021- 2026. Thông qua cuộc bầu cử đã thể hiện vai trò của MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, sự đồng lòng, chung sức và sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, của hệ thống chính trị. Ngày bầu cử thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân, với số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất từ trước tới nay, được dư luận trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đồng thời, thông qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong vận động, tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy mạnh mẽ truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh người lãnh đạo, cán bộ Mặt trận trực tiếp nơi tuyến đầu, trách nhiệm, tận tuỵ, không ngại khó, luôn sẵn sàng, nhiệt huyết, gần dân, sát dân, vì dân, đã trở nên thân thuộc, thiện cảm, tin yêu trong xã hội, cộng đồng dân cư; nhiều cán bộ Mặt trận đã hy sinh cả tính mạng của mình để chăm lo cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, có được những thành công trên, MTTQ Việt Nam đã xác định, lựa chọn, kịp thời điều chỉnh và triển khai đúng hướng, linh hoạt những nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hướng mạnh đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và an sinh xã hội. Cùng với đó là sự quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của toàn hệ thống luôn được chú trọng, đề cao, nổi bật là sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kế thừa những kết quả, kinh nghiệm trong những nhiệm kỳ qua và trong năm 2020; khơi dậy, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên.

Báo cáo kết quả thực hiện giám sát và phản biện xã hội năm 2021, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát đều được chính quyền và các ngành chức năng chỉ đạo xem xét, giải quyết, góp phần tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. MTTQ Việt Nam luôn phát huy vao trò của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát, phản biện.

Trong năm qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 6 nội dung giám sát chuyên đề; phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát theo chương trình, quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan. Các tổ chức chính trị-xã hội đều có các hoạt động giám sát dưới nhiều hình thức khác nhau phù hợp theo nhiệm vụ, vai trò của tổ chức. Cũng theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam 58/63 tỉnh, thành phố, Mặt trận các cấp ở đã tổ chức 21.728 cuộc giám sát, trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh: chủ trì giám sát 454 cuộc; cấp huyện giám sát 3.327 cuộc; cấp xã giám sát 17.947 cuộc. Tổng số hoạt động giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan là 29.027 cuộc. Trong đó có 3 chuyên đề giám sát tiếp công dân, giám sát cán bộ, đảng viên và giám sát Luật Đất đai được triển khai trong hệ thống MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, đã kiến nghị nhiều nội dung xác đáng.

Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ sáu, khóa IX diễn ra vào sáng ngày 30/12, đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Mặt trận trong năm 2022.

 Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Nắm bắt tình hình dư luận, quan tâm hơn nữa tới phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam khẳng định, trong năm qua, với sự cố gắng nỗ lực, sự quan tâm, phối hợp hiệp thương của MTTQ các cấp, Hội Phụ nữ các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, kết quả nổi bật nhất phải kể đến việc Hội Phụ nữ các cấp đã tham gia có trách nhiệm và hiệu quả vào công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ bầu cử và nhờ vào quá trình hiệp thương của MTTQ các cấp đã tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, nữ đại biểu HĐND các cấp đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hội LHPN Việt Nam luôn bám sát kế hoạch hành động của MTTQ Việt Nam, ngay sau lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với MTTQ các cấp để phát động nhiều chương trình, phong trào ý nghĩa, nổi bật là chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" do Hội LHPN Việt Nam phát động. Tính đến ngày 23/12/2021, chương trình đã vận động được tổng kinh phí vận động là 220,408 tỷ đồng tương đương 734.693 phần quà quyên góp, ủng hộ cho phụ nữ, trẻ em và người dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Cùng với đó, chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội phát động đã hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng 314 trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19, các em được chăm lo sức khỏe lẫn tâm sinh lý và tiếp thêm nghị lực để các em vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, Hội cũng phối hợp với MTTQ các cấp để giám sát chính sách hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, từ đó củng cố niềm tin và người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.

Đồng tình với nội dung báo cáo của MTTQ Việt Nam, bà Hà Thị Nga đề nghị, báo cáo bổ sung thêm vào nội dung nắm bắt tình hình dư luận xã hội về vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, mua bán người. Trên thực tế, hiện nay các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng lên và có diễn biến phức tạp hơn. 

"Trong năm nay, thông tin từ đường dây nóng của Ngôi nhà bình yên của Hội LHPN Việt Nam đã nhận được gấp đôi số lượng cuộc gọi kêu cứu. Các cuộc gọi liên quan đến các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, đặc biệt các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em trên mạng xã hội có chiều hướng tăng  và diễn biến phức tạp hơn. Bởi vậy cần bổ sung đánh giá tình hình chung, tâm trạng của dư luận xã hội trong báo cáo.", bà Hà Thị Nga nói.

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, Báo cáo cần nhấn mạnh thêm mong muốn của người dân và cử tri gửi tới các bộ, ngành để có cơ chế căn cơ, lâu dài hơn hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống; có giải pháp phù hợp hỗ trợ người lao động tại khu công nghiệp về quê tránh dịch an toàn nhằm động viên và khuyến khích người dân sớm quay lại các khu công nghiệp, tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

“Cần đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số để người dân nắm bắt được nguồn thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, quan tâm giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng lao động không có hợp đồng lao động và lao động tự do để đối tượng này được nhận chế độ chính sách hỗ trợ theo đúng quy định”, bà Hà Thị Nga nói.

Chăm lo đến người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Thiếu tướng Võ sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Cùng quan điểm với bà Hà Thị Nga, Thiếu tướng Võ sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho rằng, thời gian qua, vai trò của MTTQ Việt Nam được phát huy rất cao trong việc tham gia phòng, chống dịch Covid-19, từ việc chủ động trong phòng, chống dịch cho đến quan tâm, chăm lo những người mắc Covid-19.

“Đây là thắng lợi lớn của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, do đó thành công này cần được phát huy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông Võ Sở nhấn mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thiếu tướng Võ Sở cho rằng, một vấn đề cần được MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên lưu tâm là sản xuất, phát triển kinh tế và quan tâm chăm lo người lao động bởi hiện nay, các khu công nghiệp, nhà máy, công xưởng là những nơi tập trung nhiều người lao động, nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, vai trò của MTTQ Việt Nam cần được thể hiện mạnh mẽ hơn để phối hợp với các sở, ngành tại địa phương đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân; đồng thời cần tổ chức rà soát những người lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh để có chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người lao động vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Công tác đối ngoại, kiều bào cần cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả

Ông Nguyễn Tài Phương, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đề xuất các giải pháp trong công tác đối ngoại nhân dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Tài Phương, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, để tiếp tục đưa nghị quyết 36 và kết luận 12 của Bộ chính trị vào sâu rộng hơn, cụ thể hơn trong công tác đối ngoại nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài, Mặt trận Tổ quốc cùng toàn bộ hệ thống chính trị cần có những cách tiếp cận linh hoạt phù hợp và hiệu quả hơn.

Cùng với đó, MTTQ Việt Nam kết hợp với các cơ quan đối ngoại, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường thông tin về chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường kết nối người Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng trong nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời hỗ trợ kiều bào sinh sống ổn định, hòa nhập với cộng đồng nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam ở nước ngoài...

“Mặt trận cần tổ chức các đoàn chuyên trách đến thăm tiếp cận cụ thể đời sống của các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, trí thức, lãnh đạo hội đoàn. Đặc biệt là gắn kết được trong 500 ngàn trí thức và khoảng 200 ngàn doanh nhân hoạt động ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội trên toàn cầu”, ông Nguyễn Tài Phương nói.

Ông Nguyễn Tài Phương cũng cho rằng, Mặt trận cần quan tâm để thể hiện vai trò thông qua việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của kiều bào khi về sống hoặc đầu tư ở trong nước. Bởi thực tế Kiều bào về đầu tư trong nước, do khác nhau về luật pháp, kể cả “lệ làng” nên đôi khi gặp rất nhiều khó khăn. Bà con vướng mắc chẳng biết kêu ai, do vậy, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương cần chủ động quan tâm, hỗ trợ, gặp gỡ doanh nghiệp kiều bào.

“Khi hỗ trợ kiều bào đầu tư trong nước thành công chính là thể hiện hiệu quả, thiết thực vai trò của Mặt trận tổ quốc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, “một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam””, ông Nguyễn Tài Phương bày tỏ.

Mặt trận cần đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM phát biểu tại Hội nghị

Nêu quan điểm tại Hội nghị, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, năm 2021 là năm chưa có tiền lệ với các doanh nghiệp, doanh nhân. Trong giai đoạn cao điểm dịch, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp rất nổi bật và quan trọng. Thời điểm đó, thành Hồ Chí Minh gần như tê liệt, tuy nhiên đi vào những điểm nóng nhất tại nơi tâm dịch luôn là hình ảnh những người lãnh đạo, cán bộ Mặt trận tận tâm, tận lực. Đó là điều mà cộng đồng doanh nghiệp vô cùng cảm kích.

Trong thời gian tới, ông Trần Việt Anh mong muốn, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động giám sát việc thực thi các chính sách để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Đề cập đến việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, lấy thực tế từ việc nông sản Việt Nam được mùa nhưng mất giá, ông Trần Việt Anh cho rằng, việc triển khai nội dung cuộc vận động cần được triển khai rộng rãi, tập trung hơn nữa vào những sản phẩm của nông dân, nông nghiệp Việt Nam. Các sản phẩm có tính truyền thống hàng trăm năm đặc thù của người lao động Việt Nam, có tính thu hoạch lớn, cung cấp dinh dưỡng tốt cho người Việt Nam, 90% xuất xứ từ Việt Nam cần được đưa đến tận tay người tiêu dùng Việt. Để làm được điều này rất cần sự tham gia của cán bộ Mặt trận các cấp trong tuyên truyền, vận động và phổ biến cho người tiêu dùng hiểu được giá trị cốt lõi của từng sản phẩm.

“Trên các đường phố Hà Nội đang tràn ngập trái cây mang nhãn mác xuất khẩu nhưng chỉ người dân Hà Nội thì không thể tiêu thụ hết số hàng hóa tồn đọng đó mà cần sự lan tỏa, sẻ chia của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Tại một số tỉnh, người dân không biết trái thanh long là gì, từ đó cho thấy vai trò của việc tuyên truyền, vận động đóng vai trò rất quan trọng”, ông Trần Việt Anh nói.

Cũng theo ông Trần Việt Anh, đại dịch đi qua, rất nhiều trẻ em, nhiều gia đình đã mất đi người thân yêu của mình, để hỗ trợ những đối tượng yếu thế này rất cần có sự đồng hành của Mặt trận với doanh nghiệp bởi đây không phải việc làm 1 năm, 2 năm mà là việc làm kéo dài đến khi các em trưởng thành. Từ đó giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ xã hội của mình.