Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(Mặt trận) - Chiều ngày 10/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư; ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

200 căn nhà đại đoàn kết đến với hộ nghèo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Phát biểu của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tại chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên

Chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và thành viên Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Trình bày Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở nước ta. Do đó, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, chưa có tiền lệ.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là một bước cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tập trung vào việc phân bổ các tổ chức, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường. Tại dự thảo đã đề cập đến việc phân vùng, trục tăng trưởng, hành lang kinh tế. Đây là cơ sở để làm các quy hoạch khác như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, địa phương.

“Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ lớn, phức tạp, bởi vậy cần xác định đây là cơ hội lớn để đất nước đánh giá lại thực trạng, thực chất, tổng thể nhằm phát hiện, nhận diện những khó khăn thách thức để đưa ra những định hướng mới cho cho đất nước, tạo ra động lực tăng trưởng mới góp phần đạt được mục tiêu, khát vọng của Đại hội XIII của Đảng đề ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trao đổi, phản biện để dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia khắc phục được những hạn chế, yếu kém, góp phần kiến tạo không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững”, ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ Quy hoạch, trong đó phân tích để thấy cơ sở pháp lý, thực tiễn thời kỳ quy hoạch; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế, góp ý để chỉ rõ quan điểm, mục tiêu và những tác động trong tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phân tích để góp ý làm rõ căn cứ, yêu cầu, mục tiêu phát triển các ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; định hướng sử dụng tài nguyên Quốc gia, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Cùng với đó, các ý kiến tập trung vào các giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch và các Dự án quan trọng Quốc gia; phân tích, chỉ rõ dự báo, khả năng trong thực hiện Quy hoạch, thực hiện các dự án quan trọng quốc gia; phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Quốc gia; phân tích làm rõ cơ sở, tác động của việc phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia; phương hướng phát triển đô thị xanh, phát triển bền vững…

 TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cho rằng, dự thảo Quy hoạch chưa nêu tên và trích dẫn các văn bản pháp quy liên quan đến quy hoạch từng ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch tổng thể; Bản thân hệ thống hạ tầng kỹ thuật có mối liên hệ và chia sẻ không gian phát triển, tuy nhiên dự thảo chưa nêu rõ mối quan hệ này để tận dụng không gian phát triển và đảm bảo sự đồng bộ hiệu quả phục vụ. Trong dự thảo quy hoạch chưa nêu được luận chứng để phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật mà đi sâu vào trình bày quy mô phát triển của từng ngành, thậm chí lấn sang nội dung của quy hoạch ngành quốc gia là không phù hợp…

Từ những nội dung này, TSKH. Phan Xuân Dũng đã đóng góp ý kiến vào các lĩnh vực như mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng năng lượng; hạ tầng thông tin và truyền thông; Hệ thống công trình phòng, chống thiên tai và hệ thống thuỷ lợi; Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tầu cá; Mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn và quan trắc môi trường…

“Bên cạnh 7 lĩnh vực đã nêu trong Dự thảo Quy hoạch, còn một số lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như: hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị; hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn, miền núi, hải đảo; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hạ tầng kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh, v.v.. cần được bổ sung vào Dự thảo Quy hoạch”, TSKH. Phan Xuân Dũng nói.

 PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị

PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, báo cáo minh họa cho dự thảo Quy hoạch đã chỉ ra thực trạng động thái dịch chuyển nhân lực giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, cần nối kết động thái này với việc phân tích thay đổi cơ cấu kinh tế ngành - vùng để có những nhận xét sâu hơn, thực chất hơn về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Cần có những nhận định rõ hơn về động thái cơ cấu “dân tộc”: tươngquan tỷ lệ với cả nước và từng vùng, xu thế dịch chuyển trong phân bố lại dân tộc theo vùng và những hệ quả, các hệ lụy phát triển như mất rừng, mất nguồn nước, mất văn hóa bản địa để đánh đổi tăng trưởng kinh tế chất lượng thấp, ….”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Cũng liên quan đến vấn đề dịch chuyển nguồn nhân lực, về những nội dung liên quan đến cơ cấu kinh tế vùng được nêu tại dự thảo Quy hoạch, ông Trần Đình Thiên cho rằng cần có sự khái quát cao hơn về xu thế dịch chuyển cấu trúc kinh tế vùng. Theo đó, sự suy giảm tỷ trọng cơ cấu và xu thế tương đối “tụt hậu phát triển” của Vùng Đông Nam bộ là vấn đề đáng được quan tâm làm rõ hơn ở tầm quốc gia. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng công nghiệp 10 năm qua của vùng này đạt thấp (chưa bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước) thực sự là vấn đề rất lớn nên có thêm những đánh giá, nhận xét sâu - khái quát.

“Việc bổ  sung như vậy sẽ giúp có thêm cơ sở để làm phong phú, thực chất hơn, rõ hơn các đánh giá, nhận định và nguyên nhân ở tầm quy hoạch chiến lược”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

 GS.TS Đặng Kim Chi - Hội đồng tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị

Góp ý kiến đối với định hướng bảo vệ môi trường trong quy hoạch tổng thể quốc gia, GS.TS Đặng Kim Chi - Hội đồng tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, các quan điểm, mục tiêu cần bổ sung lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

GS.TS Đặng Kim Chi cũng kiến nghị, việc quản lý và tổ chức không gian phát triển phải dựa trên nền tảng phân vùng môi trường. Phát triển theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên, hài hòa giữa các vùng. Đặc biệt cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo cách tiếp cận tổng hợp, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái, liên vùng, liên ngành, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên.

“Định hướng bảo vệ môi trường trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần hướng tới mục tiêu là ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; kiểm soát được các nguồn ô nhiễm, khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp thấp từng bước cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, góp phần phát triển bền vững đất nước” GS.TS Đặng Kim Chi đặt vấn đề.

 GS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục và Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị

Góp ý vào định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia, GS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục và Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần đi sâu vào định hướng, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, có những giải pháp đảm bảo an ninh tài nguyên nước, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững.

Nhận định mặc dù mang lại nhiều lợi ích quan trọng để sản xuất năng lượng điện nhưng vấn đề thủy điện hiện nay vẫn là một nhức nhối, xảy ra nhiều hệ lụy, GS.TS Nguyễn Ngọc Minh đề nghị bổ sung và phải đưa vấn đề thủy điện vào một nội dung quản lý tài nguyên nước một cách chặt chẽ và nghiêm túc. Đặc biệt, cần xem xét về lập quy hoạch, lập dự án, khảo sát tác động đối với môi trường, không lấy đất rừng đặc dụng, không ảnh hưởng tới diện tích rừng tự nhiên, đến việc quản lý, vận hành tính toán các tác động lên môi trường sinh thái, không làm thay đổi dòng chảy của các lưu vực sông suối tự nhiên.

Cùng với khai thác sử dụng tài nguyên nước, GS.TS Nguyễn Ngọc Minh cũng đề xuất trong định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia đi sâu vào định hướng bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; quản lý, bảo vệ phát triển rừng; định hướng điều tra cơ bản địa chất về khoảng sản, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại kháng sản công nghiệp và khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Lắng nghe các ý kiến phản biện của Mặt trận

 Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định phát triển đất nước trong những năm tới đảm bảo hiệu quả và bền vững. Đây cũng là văn kiện chung để triển khai các quy hoạch trên các vùng, các ngành, xây dựng quy hoạch các địa phương của cả nước.

“Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác, và suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị

Khẳng định với tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao, Hội nghị đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, các tham luận chuyên sâu phản biện tại Hội nghị đều đánh giá cao Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, khó và không kém phần nhạy cảm, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dày công chuẩn bị về cơ bản đã đề cập khá toàn diện, sâu sắc một khối lượng đồ sộ liên quan đến chuyên môn sâu của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sẽ tiếp tục được nghiên cứu để đóng góp ý kiến.

Xung quanh việc xây dựng dự thảo, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, ngoài quan điểm định hướng lớn, giải pháp chủ yếu khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thì cần quan tâm hài hòa các mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa ổn định đổi mới và phát triển; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, giữa kinh tế và quốc phòng an ninh; giữa kinh tế với văn hóa xã hội; giữa hiện đại, hội nhập quốc tế với văn hóa dân tộc Việt Nam; mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ…

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, thông qua qua lắng nghe các ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bộ phận soạn thảo sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, tiếp thu ý kiến xác đáng để bổ sung vào báo cáo quy hoạch; đồng thời đề nghị trong quá trình thẩm định hoặc tổ chức các cuộc hội thảo với những nội dung còn có ý kiến khác nhau đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi cho MTTQ Việt Nam để tiếp tục tham gia ý kiến.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với cơ quan chủ trì soạn thảo về những khó khăn trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để đưa Quy hoạch vào thực tiễn cuộc sống.

 
Đại biểu tham luận tại Hội nghị