Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 17, khoá IX

(Mặt trận) - Ngày 9/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 17, khoá IX. Hội nghị nhằm cho ý kiến vào nội dung đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029; cho ý kiến vào nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV; đồng thời cho ý kiến vào việc triển khai Đề án vận động, hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

 Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đại biểu tham dự Hội nghị

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Dũng, Hoàng Công Thuỷ chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, văn phòng Quốc hội cùng các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Chủ trì Hội nghị 

Nét mới trong tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh tới 4 nội dung chính thảo luận tại Hội nghị.

Đối với nội dung mà Đoàn Chủ tịch sẽ thảo luận, cho ý kiến thống nhất để ban hành Đề án tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị lãnh đạo Đại hội.

 Đại biểu tham dự Hội nghị

“Ngày 5/5/2023, Ban Bí thư đã họp, thảo luận thống nhất ban hành Chỉ thị lãnh đạo Đại hội. Ban Thường trực đang phối hợp với Văn phòng Trung ương tiếp thu ý kiến của Ban Bí thư hoàn thiện Chỉ thị để trình ký ban hành.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin và nhấn mạnh, tinh thần chung là Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp lần này tiếp tục làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò, tầm quan trọng của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị; đánh giá đúng đắn kết quả đã đạt được, chỉ rõ hạn chế nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được trong nhiệm kỳ tới. Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam; hiệp thương thống nhất cử Ủy ban, Ban Thường trực, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch theo hướng nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý, mở rộng  được các Ủy viên đại diện cho các giai cấp, giai tầng trong xã hội có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết, có uy tín cao, đủ sức tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đề cập Dự thảo Đề án trình Đoàn Chủ tịch đã đề cập toàn diện các nội dung về: Mục đích, yêu cầu; Các nhiệm vụ của Đại hội; Thời gian và đại biểu dự Đại hội; Công tác chuẩn bị Đại hội; Tổ chức thực hiện, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện Đề án, ban hành để tổ chức thực hiện.

“Các ý kiến góp ý sẽ giúp Đại hội lần này thành công hơn lần trước, mỗi lần Đại hội MTTQ Việt Nam là một lần khích lệ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi kết luận cuộc họp bàn về Chỉ thị lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 – 2029”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ.

 Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị 

Nhắc tới nội dung báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực đã chỉ đạo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước. Bởi vậy, từ nội dung báo cáo, các cụ, các vị, các đồng chí tham dự Hội nghị cùng thảo luận, trao đổi, góp ý thêm những nội dung cần thiết với Đảng và Nhà nước để bản tổng hợp, tập hợp của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực sự mang hơi thở cuộc sống, phải phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Chất lượng bản báo cáo sẽ góp phần nâng cao vị thế, uy tín của MTTQ Việt Nam.

Thông tin về Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ làm 7.000 - 8.000 ngôi nhà cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, đây là một Đề án có ý nghĩa chính trị, xã hội và tinh thần nhân văn sâu sắc do Đoàn Chủ tịch kêu gọi các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo của tỉnh Điện Biên.

“Tại Hội nghị hôm nay, trân trọng đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí thảo luận, cho ý kiến thêm về cách thức tổ chức thực hiện, làm sao Đề án của chúng ta thành công, thiết thực giúp đỡ được hộ nghèo, cận nghèo, góp phần thiết thực củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ tươi đẹp của chúng ta”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhắc tới nét mới trong tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam 

Chia sẻ về nét mới trong việc tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, tiếp tục đổi mới phương thức phối hợp công tác giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan nhà nước, thông qua ký kết chương trình phối hợp công tác, phản biện xã hội… Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến mỗi một kỳ họp Đoàn Chủ tịch, họp Ủy ban, theo tình hình thực tiễn sẽ mời 1 - 2 đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành báo cáo, trao đổi cụ thể một số nội dung để rõ thêm thông tin, tăng cường đồng thuận, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân.

“Vì lẽ đó, tại Kỳ họp lần thứ 17 hôm nay, Ban Thường trực trân trọng mời đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi một số nội dung cụ thể mà cử tri và Nhân dân quan tâm về giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng để chúng ta ngày càng chăm lo tốt hơn cho sự nghiệp trồng người, đào tạo hiền tài, nguyên khí quốc gia”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Từ những nội dung trên, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kỳ vọng đại biểu tham dự sẽ đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các nội dung, góp phần vào thành công của Hội nghị.

Thẳng thắn, trách nhiệm góp ý vào nội dung tờ trình tại Hội nghị

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày tờ trình nội dung xin ý kiến đại biểu tham dự Hội nghị 

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự cũng lắng nghe Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày tờ trình nội dung xin ý kiến đại biểu tham dự Hội nghị.

Đề cập đến dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhắc tới 2 nhóm vấn đề lớn. Trước tiên là 5 nhóm vấn đề được chắt lọc, lựa chọn từ kết quả tổng hợp các báo cáo liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và Nhân dân như: Tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri và Nhân dân; Tình hình phát triển kinh tế; Các vấn đề xã hội; Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao đổi một số nội dung cụ thể mà cử tri và Nhân dân quan tâm về giáo dục và đào tạo

Đối với kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh tới 3 nội dung kiến nghị với Đảng và Nhà nước.

Thứ nhất là chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Thứ hai là chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ và có phản hồi ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi),  dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thứ ba là chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, không dám giải quyết công việc, trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

 Quang cảnh Hội nghị

Về Đề án tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Đề án được xây dựng căn cứ tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, bám sát quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam, Luật MTTQ Việt Nam, kế thừa kết quả của nhiệm kỳ 2019 - 2024 và yêu cầu công tác Mặt trận trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị đại biểu tham dự Hội nghị cho ý kiến vào một số nội dung liên quan đến Đại hội như: Chủ đề Đại hội "Đoàn kết - Đồng thuận - Đổi mới - Phát triển"; Thời gian tổ chức Đại hội; Số lượng đại biểu dự Đại hội; Báo cáo Chính trị trình Đại hội; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam và công tác nhân sự tại Đại hội.

 Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận vào nội dung dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Đề án tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029; việc vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).

Ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Góp ý vào đề án tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, sáng tạo và phát triển; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền các cấp; phát huy được dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của các tổ chức thành viên, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo nên những chuyển biến mới trong nhận thức và hành động của hệ thống Mặt trận các cấp.

Các văn kiện trình Đại hội cần được tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi trong hệ thống Mặt trận, các tổ chức thành viên, các cấp và các tầng lớp Nhân dân; mục tiêu, chương trình hành động và giải pháp công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ mới có tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận trong tình hình mới; công tác nhân sự của Uỷ ban MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới có số lượng và cơ cấu phù hợp, đảm bảo tính đại diện, tiêu biểu về lòng yêu nước, tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, uy tín; đại biểu tham dự đại hội là người tiêu biểu, đóng góp tích cực vào kết quả Đại hội.

Về chủ đề của Đại hội: Đoàn kết - Đồng thuận - Đổi mới - Phát triển, ông Lê Bá Trình đề nghị cần tiếp tục nhấn mạnh vấn đề “Dân chủ” để nghiên cứu chủ đề Đại hội theo hướng "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cùng với đó, quá trình xây dựng Dự thảo Điều lệ bổ sung, sửa đổi phải được thực hiện một cách chu đáo, khoa học; tập trung vào những vấn đề, nội dung trọng tâm, đáp ứng yêu cầu đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động và vai trò, vị trí, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới; được thảo luận, đóng góp ý kiến kịp thời, dân chủ, khách quan ngay từ khâu chuẩn bị ban đầu đến khi hoàn chỉnh dự thảo trình ra Đại hội lần thứ X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch phát biểu tại Hội nghị

Góp ý tại Hội nghị, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội để báo cáo của Mặt trận ngày càng lan tỏa, nhận được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân, từ đó khẳng định vai trò đại diện của MTTQ Việt Nam với nhân dân.

"Trong bản báo cáo kiến nghị cử tri và nhân dân cần có nội dung nêu lại những ý kiến, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch ở kỳ họp trước đến kỳ họp này đã làm được việc gì, và chưa làm được gì. Có như vậy mới tăng được trách nhiệm của Mặt trận đối với Quốc hội", ông Lê Truyền kiến nghị.

Góp ý vào nội dung Đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, ông Lê Truyền cho rằng cần đưa vấn đề dân chủ vào chủ đề Đại hội. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng, Luật MTTQ Việt Nam bao giờ cũng nói “Đoàn kết, dân chủ, đồng thuận xã hội”. Bác Hồ cũng đã nói không có dân chủ thực sự thì không có đoàn kết thực sự. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhấn mạnh Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, trong đó MTTQ Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt chính trị để bảo đảm cho nhân dân làm chủ. Nhân dân làm chủ chính là vấn đề dân chủ.

“Quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đều nhắc đến vấn đề dân chủ. Trong giai đoạn hiện nay, MTTQ phải đề cao vai trò của Mặt trận trong phát huy dân chủ, gắn với đoàn kết, đổi mới, có như vậy sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan đến đổi mới tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.” ông Lê Truyền nói.

Đề cập đến vấn đề nhân sự, ông Lê Truyền cho rằng, việc lựa chọn nhân sự cho phải đảm bảo tính đại diện, tiêu biểu, thiết thực; đồng thời cần đảm bảo thời gian tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp sát với tình hình thực tế để Mặt trận các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả nội dung chương trình hành động của MTTQ Việt Nam.

 

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long phát biểu tại Hội nghị

Đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long cho rằng, trước tình hình khó khăn hiện nay nhiều doanh nghiệp rất khó để đáp ứng được mức đóng bảo hiểm xã hội đang được quy định. Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội giữa doanh nghiệp và người lao động của nước ta hiện nay đang cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan,... Vì vậy, ông Lý Ngọc Minh đề xuất cần giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm theo mức thu nhập thực tế của người lao động chứ không phải mức 25% như hiện nay, điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19 và trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay.

Cũng theo ông Lý Ngọc Minh, các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành đưa ra những điều kiện mà doanh nghiệp khó đáp ứng được, kể cả doanh nghiệp nước ngoài bởi những chỉ tiêu quá cao, nguyên vật liệu giá thành rất đắt đỏ, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức phát triển còn thấp so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Trong khi đó phòng cháy và chữa cháy vẫn còn nguy cơ cháy, vậy tại sao không làm cho hỏa hoạn đừng xảy ra bằng nhiều biện pháp khác nhau như tăng cường giáo dục về ý thức vệ sinh, ngăn nắp, không hút thuốc, sử dụng chất dễ cháy nổ trong nhà xưởng, giảm nguy cơ cháy nổ cho doanh nghiệp cũng như giảm gánh nặng về đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Lý Ngọc Minh trăn trở.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đồng tình với các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân cần tăng tính giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận. Những kiến nghị nêu trong báo cáo cần phải đề cập đến những vấn đề được nhân dân và MTTQ các cấp quan tâm, trong đó nên có một số kiến nghị riêng liên quan đến đời sống văn hóa, giáo dục của nhân dân, bởi phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng duy trì văn hóa và nòi giống dân tộc Việt Nam là việc làm rất quan trọng.

Đề cập đến Đề án tổ chức Đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mỗi từ ngữ được nêu trong chủ đề của Đại hội MTTQ Việt Nam đều mang những ý nghĩa riêng, vì vậy nên có giải thích cụ thể để MTTQ các cấp nắm vững. Trong đó, "đoàn kết" là truyền thống của dân tộc, là trách nhiệm của Mặt trận. Tuy nhiên vế còn lại nên để thành "dân chủ" thay vì "đồng thuận", bởi dân chủ thể hiện tiếng nói của nhân dân, đại diện cho các tầng lớp nhân dân.

Về "đổi mới", nên có giải thích cụ thể rằng Mặt trận đổi mới hay đất nước đổi mới? Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nên giải thích theo hướng công tác Mặt trận cần phải đổi mới, nhưng Mặt trận phải cho thấy sự đổi mới đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công cuộc đổi mới của đất nước. Về "phát triển", Đại hội MTTQ Việt Nam được tổ chức trong bối cảnh cả nước hướng vào khát vọng phát triển đến năm 2045, "phát triển" trong chủ đề của Mặt trận cần được nhấn mạnh là công tác Mặt trận đóng góp cho sự phát triển của đất nước để thực hiện mục tiêu phát triển trong tương lai. Hoặc có thể sửa chủ đề Đại hội theo hướng "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân".

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng đánh giá cao Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ làm 7.000 - 8.000 ngôi nhà cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên là một Đề án có ý nghĩa chính trị, xã hội và tinh thần nhân văn sâu sắc. Việc tổ chức thành công Đề án sẽ thiết thực giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ…

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu kết luận Hội nghị 

Sau một buổi sáng làm việc trách nhiệm, dân chủ, đồng thuận cao, Hội nghị lần thứ 17, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các cụ, các vị, các đồng chí tại Hội nghị đồng thời đề nghị bộ phận chuyên môn tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện các nội dung trong Tờ trình xin ý kiến Đoàn Chủ tịch.

Về Đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, các cụ, các vị, các đồng chí đều đánh giá cao trách nhiệm chuẩn bị của Ban Thường trực và góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu hoàn thiện Đề án để triển khai tổ chức thực hiện.

Từ các ý kiến góp ý về chủ đề Đại hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X có thể đưa ra chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển đất nước vì hạnh phúc của nhân dân”.

Về nhân sự Đại hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng nên cơ cấu theo hướng thiết thực, lựa chọn được những người có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với công tác Mặt trận, có uy tín cao, đủ sức tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về thời gian tổ chức Đại hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức các hội nghị lắng nghe ý kiến góp ý của các vị nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam, lắng nghe ý kiến của nhân sĩ trí thức tiêu biểu trong các giai tầng xã hội, hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố để góp ý vào việc triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư và Thông tri hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam về tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

“Với tinh thần dân chủ, đồng thuận, cầu thị, việc tổ chức Đại hội phải thực sự có ý nghĩa chính trị, xã hội, tạo được sức lan tỏa và nâng tầm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Đối với nội dung dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, từ nội dung báo cáo của các đoàn Đại biểu Quốc hội, báo cáo của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố và các tổ chức thành viên, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo tập hợp, tổng hợp những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Nhất trí với việc bổ sung, làm rõ thêm nội dung tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với không gian mạng; làm rõ thêm những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay và bổ sung thêm nội dung báo cáo về các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ kỳ họp trước đến kỳ họp này đã được giải quyết những nội dung nào, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, những góp ý này đã làm sâu sắc hơn nữa nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.

Tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu đối với đề án vận động, hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh tới sự đồng tình, nhất trí cao của các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch khi khẳng định đây là một đề án giàu tính nhân văn và việc triển khai thành công đề án sẽ góp phần nâng cao uy tín, vị thế của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

Trăn trở việc triển khai đề án đúng vào thời điểm tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp để vận động Hội viên, đoàn viên, thanh niên đồng lòng, chung sức, người góp của, người góp công, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít và mỗi người, mỗi tổ chức cùng cố gắng đóng góp sức mình để tạo nên thành công của Đề án và cùng lan toả thông điệp: Triệu tấm lòng yêu thương – Nghìn mái nhà hạnh phúc”.

Nhắc tới những thông tin liên quan đến nhiệm vụ của ngành Giáo dục – Đào tạo mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cung cấp tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn, từ sự đồng cảm, chia sẻ của các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, tạo điều kiện để ngành Giáo dục – Đào tạo hoàn thành sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp “trồng người”, đào tạo, bồi dưỡng hiền tài cho đất nước.

“Đổi mới chương trình sách giáo khoa là một việc hệ trọng, không thể không làm. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực lắng nghe với tinh thần cầu thị để đến năm 2025 tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện nội dung, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chương trình Giáo dục – Đào tạo”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ và đoàn kết, đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 17, khoá IX.