Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 11, khóa IX

(Mặt trận) - Sáng 27/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 11 (khóa IX). Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBTƯ MTTQ Việt Nam tới 10 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố có Ủy viên Đoàn Chủ tịch cư trú.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bắt tay đại biểu tham dự Hội nghị 

Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.

Chủ trì Hội nghị 

Tham dự Hội nghị có bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam (dự tại điểm cầu Tuyên Quang); bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện chương trình công tác năm 2021, hôm nay Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 11 (khóa IX). Hội nghị nhằm thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung chuẩn bị trình Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6 dự kiến tổ chức vào ngày 30/12; đồng thời cho ý kiến thống nhất ban hành kết luận của Đoàn Chủ tịch về đề án “Tăng cường công tác bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp đáp ứng yều cầu trong tình hình mới”.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, hoạt động của MTTQ Việt Nam năm 2021 có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng sâu rộng, tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19. Những kết quả đạt được của hệ thống MTTQ các cấp là rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên qua hoạt động thực tiễn, chúng ta đã bộc lộ được nhiều hạn chế, bất cập, cần được chỉ rõ nguyên nhân để khắc phục. Do đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, các cụ, các vị tham gia thảo luận với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện trình Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam xem xét quyết định theo thẩm quyền.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, căn cứ vào chương trình làm việc toàn khóa và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường trực đã chỉ đạo xây dựng thành kế hoạch cụ thể, giải pháp khả thi có kế thừa và tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu như nâng cao thực chất chất lượng giám sát, phản biện xã hội; đa dạng hóa cách thức để lắng nghe, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác hiệp thương, phối hợp hành động, tạo nên sức mạnh của hệ thống MTTQ từ Trung ương đến địa phương.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn, các cụ, các vị sẽ tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, tham gia thảo luận sâu, kết luận của Hội nghị đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Hoàn thành những nhiệm vụ phát sinh, chưa có tiền lệ

 Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2021 cho biết, năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, song về cơ bản chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam được tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Phương thức hoạt động của Mặt trận có nhiều đổi mới, chú trọng tính hiệu quả, thực chất, nhằm góp phần nâng cao tính đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Hệ thống Mặt trận không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, có những mặt công tác đạt kết quả nổi bật, tích cực, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao; được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, hưởng ứng.

Nét nổi bật năm 2021, do triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ quan trọng, có những nhiệm vụ phát sinh, mới, khó, chưa có tiền lệ, quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, song do có sự chủ động, sáng tạo, bám sát ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp; chú trọng phối hợp với Quốc hội, Chính phủ, ban, bộ, ngành, ở Trung ương, chính quyền các cấp ở địa phương; sự phối hợp thống nhất hành động với tổ chức thành viên. Do đó, về cơ bản các nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, tiến độ, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong xã hội.

Trong năm 2021, hoạt động của công tác Mặt trận đã để lại những dấu ấn nổi bật như: Tham gia tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội; Tham gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19; Vận động nhân dân triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo, trong năm qua, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện vai trò nòng cốt trong vận động, tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tính từ ngày 1/5/2021 đến nay, tổng số kinh phí và hiện vật vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 lên tới trên 21.970 tỷ đồng. Trong đó, thông qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 13.170 tỷ đồng; qua Quỹ vaccine là 8.800 tỷ đồng.

Từ số kinh phí và hiện vật vận động được đã phân bổ, hỗ trợ và chi mua vaccine phòng Covid-19 số tiền 19.365 tỷ đồng; đã phân bổ 3.998.177 phần quà đại đoàn kết và túi quà an sinh, hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch… với trị giá là 11.694 tỷ đồng; Quỹ vacine đã chi 7.671 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cũng trong năm 2021, MTTQ các cấp cũng đã vận động nhân dân triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, đặc biệt các hoạt động chăm lo cho người nghèo, các hoạt động cứu trợ, chăm lo gia đình chính sách, các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19...

Tính đến ngày 30/11/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 4.467 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được 1.146 tỷ đồng.

Từ nguồn lực tiếp nhận được, quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã phân bổ số tiền trên 48 tỷ đồng đến các địa phương để hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, thăm và tặng quà tết cho hộ nghèo.

Tại  các địa phương, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Mặt trận các tỉnh, thành phố đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa 32.654 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo về sinh kế, khám, chữa bệnh, học tập...

Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động giám sát

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2021 và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2022; Báo cáo kết quả công tác giám sát, phản biện xã hội năm 2021 và Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2022 của UBTƯ MTTQ Việt Nam; Đề án “Tăng cường công tác bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp đáp ứng yều cầu tình hình mới”.

Góp ý kiến về Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch đề nghị, trong năm 2022, không nên chỉ dừng giám sát, phản biện trên báo cáo như hiện nay mà nên làm có trọng tâm trọng điểm.

Theo ông Nguyễn Túc trong hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận không cần làm nhiều mà nên tập trung chọn 1-2 vụ trọng điểm và làm đến nơi đến chốn, đến tận nơi để giám sát, phản biện thực sự ra vấn đề, tạo tiếng vang, tạo sự tin cậy đối với nhân dân.

Tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Hoàng Thám cho rằng, thực tế hiện nay các vấn đề sai phạm và xử lý sai phạm chủ yếu nằm ở quản lý đất đai và quản lý sử dụng tài sản Nhà nước. Gần như, những vụ án liên quan đến thất thoát tiền của Nhà nước hàng năm đều xoay quanh vấn đề này. Do đó, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cần xác định nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến lĩnh vực này, bao gồm cả giám sát, phản biện những vấn đề cần thiết như hoạch định chính sách, có chủ trương trên lĩnh vực đất đai để chủ động khép lại dần những kẽ hở, vấn đề, ngăn chặn kịp thời những sai phạm.

“Hiện nay, Trung ương Đảng có sự đổi mới và tập trung nhiều trong cải cách tư pháp về công tác xét xử. Nên chăng hoạt động giám sát của Mặt trận cũng lưu ý đến lĩnh vực này để giúp cho các cơ quan tư pháp tổ chức xét xử công minh, khách quan hơn, vừa ngăn chặn được sai phạm trong tổ chức xét xử, thi hành án hiệu quả, từ đó việc thực hiện cải cách tư pháp xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới sẽ hiệu quả hơn”, ông Trần Hoàng Thám nói.

Về trọng tâm công tác năm 2022, ông Trần Hoàng Thám cho rằng cần nhấn mạnh hơn nữa hoạt động của Mặt trận trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bởi vấn đề này không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng mà còn là mong muốn của toàn nhân dân. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ là bước đà, cơ hội cho sự phát triển đi lên của đất nước.

Từ điểm cầu Huế, ông Lê Bá Trình cho rằng, nhân dân đã lấy được niềm tin từ việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, gần đây có nhiều vụ việc tham nhũng đã xảy ra, gây hoang mang cho nhân dân, đặc biệc các vụ việc liên quan đến công tác phòng chống dịch, có dấu hiệu vi phạm, làm nhân dân mất niềm tin. Điều nhân dân cần là nếu có vi phạm, cá nhân liên quan cần được xử lý nghiêm minh.

“Vừa qua các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực liên quan đến phòng chống Covid-19. Ví dụ như vụ tiêu cực ở công ty Việt Á thổi giá kít xét nghiệm, nhân dân đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Kh-CN, Bộ Y tế, các CDC các tỉnh thành… phải làm rõ và xử lý thật nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm.  Cần làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi tham mưu làm ra hàng chục phần mềm, app chống dịch gây lãng phí, hiệu quả sử dụng không cao”, ông Lê Bá Trình gợi mở.

Đồng quan điểm, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, vụ việc kít xét nghiệm của Công ty Việt Á là vụ việc nghiêm trọng, không chỉ dừng lại ở tiền của mà ảnh hưởng tới lòng tin của người dân. Người dân phản ứng rất dữ dội. Hay như những lùm xùm về hoạt động từ thiện, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Trong báo cáo tình hình nhân dân của Mặt trận cần nhấn mạnh đến vấn đề này và có những phản ứng để ổn định dư luận xã hội.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trả lời về những tâm tư của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch liên quan tới vụ việc của Công ty Việt Á  

Trả lời những tâm tư của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch liên quan tới vụ việc của Công ty Việt Á, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến hoan nghênh cơ quan điều tra đã sớm vào cuộc điều tra xử lý nghiêm minh; đồng thời nhấn mạnh Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã giao cho bộ phận chuyên môn tiếp tục bám sát, theo dõi vụ việc để góp phần bảo vệ quyền lợi của nhân dân và phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Đẩy nhanh tiến độ trong công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Mặt trận

Ông Đỗ Duy Thường phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, góp ý vào Đề án “Tăng cường công tác bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình mới”, ông Đỗ Duy Thường cho biết, Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ cho Mặt trận là đổi mới tổ chức bộ máy cán bộ trong thời hạn từ nay đến 2030, định hướng đến 2045. Muốn công tác bồi dưỡng đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu Đại hội XIII của Đảng đề ra, Mặt trận cần chú trọng đến một trong tiêu chuẩn quan trọng của đội ngũ cán bộ, đó là năng lực trình độ. Tư tưởng này cần phải được MTTQ Việt Nam quán triệt sâu sắc trong thời gian tới.

Ông Đỗ Duy Thường đề xuất, MTTQ Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Mặt trận, bởi hiện nay, nhân dân quan tâm từng ngày, từng giờ đến tình hình xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, mỗi cán bộ cần được nâng cao năng lực trình độ để đáp ứng với nhu cầu đặt ra của tình hình mới.

Trong báo cáo đã đề cập đến 12 chuyên đề với sự chuẩn bị dày công, kỹ lưỡng, tuy nhiên, báo cáo cần bổ sung thêm một chuyên đề về phát huy dân chủ cơ sở. Bởi đây là trọng tâm công tác của Mặt trận là phát huy dân chủ, nói lên được tiếng nói của người dân ở cơ sở.

Ông Đỗ Duy Thường đề nghị, MTTQ Việt Nam cần tăng cường huy động lực lượng “giàu có” của MTTQ Việt Nam là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, từ đó trao đổi, tăng cường kiến thức về lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao chất lượng công tác Mặt trận, kỹ năng nghiên cứu, thực hành công tác của cán bộ Mặt trận trong triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Ông Vũ Trọng Kim phát biểu tại Hội nghị
Cùng đề cập tới vấn đề này, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam cho rằng, hiện nay, Mặt trận đang gộp 3 đơn vị là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, nghiên cứu khoa học Mặt trận và bảo tàng Mặt trận làm một. Tuy nhiên kinh phí đang được tập trung để xây dựng cơ sở đào tạo là trung tâm bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Bởi vậy, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, không nên tách ra thành nhiều đầu mối. Nếu có Học viện Mặt trận hoặc trường đào tạo cán bộ Mặt trận thì nên đảm bảo được việc nghiên cứu nằm trong cơ sở đào tạo đó để tiết kiệm nhân lực, kinh phí mà vẫn phát huy được sức mạnh của tri thức, đảm bảo được chất lượng công việc.

“Công tác nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam là rất quan trọng và cần được đề cao thực hiện. MTTQ Việt Nam cần huy động sức mạnh toàn dân, xây dựng chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới. Bởi vậy cần phải có lý luận soi đường, làm cơ sở cho thành công của chiến lược đó. Mô hình đào tạo như thế nào đi nữa thì cũng không được xem nhẹ nghiên cứu khoa học của MTTQ Việt Nam, phải coi trọng nghiên cứu chiến lược phát triển trong thời gian tới để có chủ trương, sách lược cụ thể”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Đề cập tới công tác cán bộ, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, MTTQ Việt Nam cần thực hiện hiệp thương thiết thực hơn. Hiệp thương trong công tác cán bộ là rất quan trọng; đồng thời nên tiến hành biểu quyết từng người một, không nên biểu quyết cả danh sách.

“Mặt trận nên có phân tích, đánh giá, xem xét để giúp Đảng nhìn rõ con người hơn để đưa vào bộ máy, bởi bộ máy của Mặt trận là một trong những nhân tố quyết định đảm bảo các nghị quyết, nhiệm vụ được triển khai có kết quả.”, ông Vũ Trọng Kim gợi mở.

Xác định nhiệm vụ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình đất nước

Đại biểu trao đổi tại Hội nghị 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm, kịp thời vào cuộc, đổi mới phương thức hoạt động và đạt được nhiều kết quả nổi bật, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Tiếp thu các ý kiến tâm huyết tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các báo cáo để trình ra Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6 (khóa IX) tới đây xem xét quyết định.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, là năm bản lề có tính chất quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Vì vậy, chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp năm 2022 cần xác định trọng tâm, trọng điểm thực chất, hiệu quả, bám sát tình hình đất nước và nhân dân, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, trong năm 2022, MTTQ Việt Nam sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội; đa dạng hóa phương thức nắm bắt,  tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác hiệp thương, phối hợp và hành động với các tổ chức thành viên, tạo nên sức mạnh của hệ thống MTTQ từ Trung ương đến địa phương.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng thông tin thêm, trong năm 2022, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ trình Bộ Chính trị đề án cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ quan MTTQ Việt Nam; Xây dựng đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X; xây dựng đề án đề trình Ban Bí thư ban hành kết luận chỉ đạo Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam; Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trao đổi về phương hướng, nhiệm vụ giám sát, phản biện, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, trên cơ sở ý kiến, đề xuất của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực sẽ xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện cụ thể theo hướng lựa chọn nội dung giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực tiễn đặt ra, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Cùng với đó trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có thể bổ sung nội dung mới khi phát sinh vụ việc, vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên, theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản liên quan.

Đại biểu biểu quyết tại Hội nghị 

Hội nghị đã nhất trí cao và thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (khóa IX) để tiếp tục trình xin ý kiến tại Hội nghị lần thứ 6 UBTW MTTQ Việt Nam (khóa IX) tới đây