Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Ngày 20/2, tại Hà Nội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức liên hiệp

Tổng kết thực hiện Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên: 9 tháng thần tốc xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh nhân Đại lễ Phục sinh 2024

 Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào một số nội dung như: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại tại Chương VI Dự thảo; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (chương IX); Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tài chính về đất đai, giá đất; Chế độ sử dụng các loại đất; Giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Quy định rõ quyền và trách nhiệm giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam

 Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Trần Ngọc Đường phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Trần Ngọc Đường cho rằng, dự thảo Luật đất đai chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành trung ương.

Theo đó, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực bao gồm nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước,... trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là Mặt trận tổ quốc các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Mặc dù dự án luật đã chú trọng đến vai trò của Mặt trận tổ quốc các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai.

“Tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai từ khâu sử dụng của người sử dụng; điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi; phát triển quỹ đất: đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về giá đất đai... đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật đất đai mà nên quy định trong tất cả các Chương”, ông Trần Ngọc Đường kiến nghị.

Cũng theo ông Trần Ngọc Đường, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền quy định chưa đầy đủ và đủ mạnh để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả khắc phục được tình trạng tiêu cực tham nhũng về đất đai. Bởi vậy, Chương XV không nên quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra mà giám sát, thanh tra, kiểm tra đưa vào các chương trở thành một nội dung của từng chương với những quy định cụ thể quy định cơ chế kiểm soát theo nội dung của chương.

Cùng với đó cần tăng cường kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp trong quản lý nhà nước về đất đai bằng việc không những xét xử hành vi hành chính và quyết định hành chính cá biệt, vi phạm pháp luật mà tiến tới có thể xét xử đối với văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trong quản lý đất đai của Chính phủ, của bộ ngành và chính quyền địa phương mà cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân có thể khởi kiện do trái với Luật đất đai và các luật có liên quan về đất đai.

Mức bồi thường cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất

 Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật phát biểu tại Hội nghị

Trình bày ý kiến đối với trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người, do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật, hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, về sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp. Bởi vậy ông Thường cho rằng, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp.

Cùng với đó, cần bổ sung quy phạm về sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương ngay từ khâu đầu tiên của quy trình thu hồi đất để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, việc kiểm định đất đai, nhà ở, cây cối, ao chuôm.... để định giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Ông Đỗ Duy Thường cũng cho rằng, mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất; đồng thời việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.

Đối với vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, ông Đỗ Duy Thường cho rằng, tại chương X chưa có quy định về thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy cần có quy phạm quy định thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sao cho đơn giản, nhanh chóng. Nhất là lược bỏ những thủ tục giấy tờ không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh phát biểu tại Hội nghị

Đồng quan điểm với ông Đỗ Duy Thường về việc bồi thường, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho ý kiến đóng góp về nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất được nêu trong dự thảo Luật, đồng thời cho rằng “đây là một trong những vấn đề nóng nhất trong những câu chuyện của Luật Đất đai”.

Nhất trí với hầu hết các nguyên tắc ở điều 89, ông Trần Hữu Huỳnh nhận định, điều 89 của dự thảo Luật đã đề ra những nguyên tắc tiến bộ và cũng có một số điểm mới so với luật cũ, đặc biệt là trong đó nhấn mạnh nguyên tắc về việc bồi thường khi thu hồi phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Trong những nguyên tắc này, ông Huỳnh bày tỏ sự băn khoăn nhất với nguyên tắc mà ông cho rằng “được nhiều người tán dương nhất, và ở các diễn đàn xã hội, diễn đàn chính trị, diễn đàn chính trị xã hội vẫn được nhấn mạnh, đó là nguyên tắc việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ”.

Đánh giá đây là một tuyên ngôn “tuyệt vời” về chính sách, đã được người dân phấn khởi tiếp nhận, song luật sư Trần Hữu Huỳnh nêu vấn đề, đó là trừ việc nhắc đến điều kiện sống về điện, đường, trường, trạm, các cơ sở giáo dục, còn lại những điều luật cụ thể trong chương này không có quy định khác cụ thể.

Ông Huỳnh cũng nhấn mạnh, việc xem xét khía cạnh về chỗ ở, điều kiện sống thì tương đối trực quan, song khó nhất là việc xác định vấn đề thu nhập liệu có bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ hay không. Đây là điểm rất dễ xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, và khó xét xử.

“Hơn nơi ở cũ là hơn thế nào, thu nhập là bao gồm những thu nhập gì? Tôi nghĩ những vấn đề khác dễ đo đếm, riêng vấn đề này tôi băn khoăn không biết có nên để nguyên tắc này vào không? Hiện nay cách tiếp cận của Luật Đất đai đối với việc thu hồi chỉ chú ý đến khía cạnh vật chất, không chú ý đến khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của những gia đình bị thu hồi”, ông Huỳnh đặt vấn đề và đề nghị Đề nghị cân nhắc nguyên tắc số 2 trong số 5 nguyên tắc của điều 89 để tránh xảy ra các khiếu nại, khiếu kiện sau này.

Tháo gỡ ách tắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo

PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, quy định tại Điều 39 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai công nhận quyền sử dụng đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng sẽ góp phần tháo gỡ một số ách tắc trong việc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên còn một số vấn đề chưa có được phương án giải quyết, như đối với diện tích tổ chức tôn giáo sử dụng vào các mục đích khác thì phải trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của Luật này (Điều 57, Điều 181).

“Cụm từ “mục đích khác” ở đây cần được làm rõ. Bên cạnh đó trong trường hợp trên cùng một vị trí đất, tổ chức tôn giáo vừa sủ dụng để xây chùa, nhà thờ,... của tổ chức tôn giáo, vừa xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng để kinh doanh thì giải quyết như thế nào? Vấn đề này cần được làm rõ hơn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).”, PGS.TS Phạm Hữu Nghị nêu rõ.

Cũng theo PGS.TS Phạm Hữu Nghị, quy định về rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cần thiết. Tuy nhiên cần quy định rõ hơn về cơ quan chịu trách nhiệm rà soát, tiêu chí, căn cứ của việc rà soát. Để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trở thành phổ biến, từ đó làm mất tính ổn định của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

PGS.TS Phạm Hữu Nghị đề xuất cần quy định về các nguyên tắc và việc lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có các nguyên tắc thì việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải có nguyên tắc. Có thể áp dụng các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như các nguyên tắc của việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ chế ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì lợi ích riêng, trục lợi của mình.

Quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn

TS.Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật phát biểu tại Hội nghị

Đề cập đến vấn đề quy hoạch đất đai, TS.Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, Luật đất đai là luật chuyên biệt/chuyên ngành, có chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều liên quan đến đất đai, ngay cả con người khi qua đời vẫn liên quan đến sử dụng đất đai. Vì vậy quy hoạch sử dụng đất là vô cùng quan trọng.

“Thực trạng quy hoạch sử dụng đất cho thấy, mặc dù những năm qua Nhà nước đã có nhiều biện pháp quản lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả của bộ máy chuyên ngành quản lý đất đai, siết chặt kỷ cương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý sai phạm, phòng chống tham nhũng – tiêu cực về đất đai… Nhưng bức tranh sử dụng đất đai vẫn chưa thực sự sáng sủa”, ông Lưu Bình Nhưỡng trăn trở và thông tin thêm, theo báo cáo của Đoàn giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ đơn thư liên quan đến đất đai là khoảng 70% trên tổng lượng đơn thư hàng năm. Các khiếu kiện và tố cáo, tố giác sai phạm về đất đai có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là do công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính, quy hoạch sau đó tìm cách điều chỉnh nhằm phục vụ mục đích cá nhân, lợi ích nhóm…

Xuất phát từ thực tế nêu trên, TS.Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Luật đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, có thể hàng trăm năm mà không nên hạn chế thời hạn quy hoạch dưới 50 năm; đồng thời phải dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tác động toàn diện về không gian phát triển cũng như bảo đảm đời sống của người dân, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Bên cạnh đó, TS.Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Luật đất đai (sửa đổi) cần đề ra giải pháp xử lý có hiệu quả những trường hợp đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm khiếu kiện kéo dài gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và xã hội để đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, đây là những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, tập trung vào những nội dung nổi bật của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đồng thời khẳng định, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế.