Góp ý một số quy định trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

(Mặt trận) - Ngày 15/7, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý kiến vào 2 dự thảo: Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị 

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo gồm 4 chương, 51 điều. Trong đó, Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo... Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam có quy định khác.

Đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 6 Chương, 33 Điều, tăng 8 Điều so với Nghị định 162. Trong đó, các điều giữ nguyên gồm 10 Điều; các Điều sửa đổi gồm 9 Điều; các Điều bổ sung gồm 12 Điều; bổ sung 1 khoản; bài bỏ Khoản 4, Điều 22 của Nghị định số 162.

Dự thảo Nghị định thay thế cơ bản giữ phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP gồm quy định chi tiết thi hành 8 nội dung được Luật giao và một số biện pháp thi hành quy định của Luật thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, trong từng điều khoản cụ thể, dự thảo Nghị định đã tập trung sửa đổi một số quy định chi tiết thi hành theo hướng cụ thể hơn, phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, một số quy định của Nghị quyết số 162/2017/NĐ-CP như giải thích về công trình tôn giáo; quy định về việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cho người dân cũng như gây ra lúng túng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện. Bên cạnh đó, một số quy định tại Luật chưa có biện pháp cụ thể dẫn tới quá trình thực hiện còn thiếu thống nhất, chưa có hiệu quả thực tiễn.

Vì vậy, việc tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định chưa đầy đủ hoặc còn tồn tại các Nghị định số 162/2017/NĐ-CP cũng như trong Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là rất cần thiết.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, sâu sắc, có trách nhiệm với các hoạt động Mặt trận, hoạt động tôn giáo. Những ý kiến này sẽ được UBTƯ MTTQ Việt Nam tập hợp để gửi đến Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban soạn thảo rà soát lại trước khi ban hành.