Giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Sáng ngày 8/9, tại Hà Nội, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá VII) ngày 17/11/1993 về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất” và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” – thực trạng và giải pháp”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị 

Thực trạng triển khai Nghị quyết số 07- NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW thời gian qua

Báo cáo kết quả thực hiện đề tài, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết, ngay từ khi mới ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong mỗi giai đoạn cách mạng. Trong đó, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò nòng cốt.

Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, ở mỗi thời kỳ, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cách mạng Đảng ta đã đề ra những chủ trương cụ thể về đại đoàn kết dân tộc thông qua 2 Nghị quyết số 07- NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW. Đây là những văn kiện quan trọng tổng kết thực tiễn và đề ra những quan điểm cơ bản của Đảng ta về đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Hội nghị

Với chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt để tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai thực hiện hai nghị quyết trên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các nghị quyết liên quan khác, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu cho mục tiêu chung là xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Qua đó, các cấp đã tích cực chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi Chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.

“Kết quả đạt được thời gian qua có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Bá Trình phản biện một số nội dung mà nội dung Đề tài đề cập tới 

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu nêu trên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW còn những hạn chế nhất định. Trong đó phải kể đến công tác tuyên truyền phổ biến các mục tiêu, quan điểm, những chủ trương và giải pháp thực hiện Nghị quyết ở một số địa phương, nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở có lúc, có nơi còn hạn chế; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuy đã có nhiều cố gắng thực hiện đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nhưng vẫn chưa triển khai được hình thức tập hợp mới, có tính đột phá mà 2 Nghị quyết đã chỉ ra; Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi còn hạn chế; Việc phát huy vai trò phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức thành viên chưa rõ nét, chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Do đó, việc nghiên cứu đề tài là hết sức cần thiết với ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần tổng kết quá trình thực hiện đường lối về đại đoàn kết toàn dân tộc, đề xuất phương hướng, kiến nghị giải pháp hoàn thiện chủ trương, đường lối về đại đoàn kết cho giai đoạn tiếp theo”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ.

Nhóm giải pháp nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới

PGS.TS Trần Hậu phản biện một số nội dung mà Đề tài đề cập 

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW, nhóm nghiên cứu đề tài đã đề ra nhóm giải pháp về nhận thức; Giải pháp về cơ chế chính sách; Nhóm giải pháp về công tác chỉ đạo; Nhóm giải pháp về sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy Ủy ban Mặt trận các cấp; Giải pháp về cơ chế đầu tư cơ sở vật chất, tài chính phục vụ công tác Mặt trận; Nhóm giải pháp về tổ chức và phương thức thực hiện nhằm phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, để thực hiện thắng lợi đường lối đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình cụ thể của từng giai tầng xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng; Phát huy vai trò của Mặt trận trong giám sát và phản biện xã hội.

Cùng với đó cần tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc bằng các hình thức tập hợp đa dạng; Tổ chức và phát triển các phong trào quần chúng từ thấp đến cao, sáng tạo thêm nhiều hình thức hoạt động phù hợp với từng thành phần xã hội; Phát huy vai trò tích cực của những người tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo; Hướng hoạt động tới địa bàn dân cư xã phường và hộ gia đình; Củng cố liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, thực sự làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đóng góp ý kiến phản biện đối với nội dung nghiên cứu của Đề tài. Đa số đại biểu đánh giá cao các sản phẩm khoa học của đề tài, nhóm Đề tài khi làm rõ được 5 chương trình hành động và những ưu, nhược điểm thông qua kết quả thực hiện của MTTQ Việt Nam các cấp thời gian qua; đồng thời ghi nhận những giải pháp nhằm tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới. Từ đó khẳng định đây là một đề tài nghiên cứu cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, góp phần tham mưu cho Đảng đoàn, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoạch định chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu kết luận Hội nghị 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao nhóm nghiên cứu đã làm rõ được tính cấp thiết, cung cấp hệ thống thông tin và đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra; đồng thời khẳng định, đây là một đề tài quan trọng, mang tính đặc thù và phục vụ cho công tác chiến lược của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

“Sản phẩm của đề tài sẽ là cơ sở để MTTQ Việt Nam tiến hành tổng kết Nghị quyết 23 và cũng là tài liệu quan trọng phục vụ cho việc hoàn thiện Báo cáo chính trị trình Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, Đề tài đã luận giải được những quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời phân tích, đánh giá được kết quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong triển khai 5 chương trình hành động trong thời gian qua và đề ra những giải pháp, đề xuất kiến nghị về công tác Mặt trận, về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.

Nhấn mạnh Hội đồng nghiệm thu đồng ý đánh giá đây là một đề tài được xếp loại xuất sắc, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu, chính sửa để sau khi đề tài được hoàn thiện sẽ tiến hành phổ biến tới đội ngũ cán bộ Mặt trận và là tài liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy trong hệ thống chính trị về đại đoàn kết toàn dân tộc.