(Mặt trận) - Ngày 21/11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ “Phát huy nguồn lực các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh, xã hội”.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Trình bày báo cáo tóm tắt nội dung đề tài, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài nêu rõ, đồng bào các tôn giáo là một lực lượng xã hội đông đảo, là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là nguồn lực vật chất, tinh thần và nguồn nhân lực rất quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhìn nhận nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo là quan điểm mới rất quan trọng của Đảng ta về tôn giáo và công tác tôn giáo. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta tiếp tục khẳng định: Phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Việc phát huy tốt nguồn lực tôn giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội sẽ góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chăm lo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
Để triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì các cơ quan cần tạo điệu kiện, hướng dẫn, vận dụng và vận động để các tôn giáo được tham gia hoạt động an sinh xã hội một cách phù hợp nhất theo quy định của pháp luật, theo khả năng và với tinh thần trách nhiệm cao, với tinh thần dấn thân phục vụ một cách vô vị lợi, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, việc nghiên cứu, đề xuất các luận cứ khoa học, đánh giá, kiến nghị nhằm phát huy nguồn lực của tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội, qua đó góp phần ổn định xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một trong những vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay. Bởi vậy, đề tài: “Phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh xã hội" là đề tài có tính cấp thiết cả về phương diện lý luận và phương diện thực tiễn, nhằm tìm kiến các giải pháp và các đề xuất, kiến nghị để phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.
Đề tài nhằm đánh giá thực trạng nguồn lực tôn giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực các tôn giáo Việt Nam trong các hoạt động này, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhóm đề tài đã đưa ra giải pháp nhằm phát huy vai trò, nguồn lực các tôn giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó có đề cập đến giải pháp về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; giải pháp đối với hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp và giải pháp đối với các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Đối với giải pháp đối với hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, nhóm đề tài cho rằng, Mặt trận cần tích cực và chủ động tập hợp tâm tư nguyện vọng của các tôn giáo, tích cực tham gia rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động an sinh, từ thiện xã hội... ; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án "Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay" của Bộ Chính trị và Thông báo của Ban Bí thư về xây dựng và phát huy người tiêu biểu trong tôn giáo.
Cùng với đó, MTTQ các cấp cần tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và với các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để thống nhất sự hướng dẫn, hỗ trợ đối với các tổ chức và cơ sở tôn giáo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, giúp các cơ sở tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động ASXH theo đúng các quy định của pháp luật; Định kỳ Mặt trận chủ trì phối hợp tổ chức tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các cơ sở an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo thuộc các tôn giáo theo các chủ đề mà tôn giáo có thế mạnh, có sở trường…
Tại hội nghị, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là đề tài có tính cấp thiết cả về phương diện lý luận và phương diện thực tiễn, nhằm tìm kiến các giải pháp và các đề xuất, kiến nghị để phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. Với ý nghĩa thiết thực đó, đề tài sẽ phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, cho công tác quản lý của Nhà nước, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ Việt Nam trong phát huy nguồn lực của các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Từ ý kiến của nhà khoa học trong Hội đồng, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện Đề tài nhằm đảo bảo chất lượng và yêu cầu đề ra
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng lưu ý, nhóm nghiên cứu cần rà soát, chắt lọc các ý kiến phản biện của các nhà khoa học để bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng hợp. Đối với các nhóm kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách phải đảm bảo chặt chẽ, logic, có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia đảm bảo an sinh xã hội, củng cố, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
Sau khi bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã công nhận đề tài khoa học cấp bộ “Phát huy nguồn lực các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh xã hội” đạt loại xuất sắc.
Hương Diệp