Đừng để người dân tâm tư

(Mặt trận) - Ngày 2/6, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh chia sẻ, trong quá trình phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cùng các cơ quan liên quan giám sát việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ của Chính phủ, MTTQ đã phát hiện ra một số vấn đề thực hiện còn chưa đúng. Do vậy, cần triển khai thật nghiêm túc, tránh người dân tâm tư. Việc triển khai khoản tiền hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân cho chống dịch cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời đến với các đối tưởng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19.

Infographic: 10 hoạt động và sự kiện nổi bật của công tác Mặt trận trong năm 2024

10 hoạt động và sự kiện nổi bật của công tác Mặt trận trong năm 2024

Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, triển khai công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn trong năm 2025

Ảnh: VGP/Quang Hiếu  

Tại phiên họp, thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cả nước gửi đến Mặt trận trong thời gian qua.

Vấn đề nổi bật đầu tiên phải nhắc đến là việc MTTQ và ngành LĐTBXH cùng các bộ, ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại một số địa phương và đã phát hiện ra một số hạn chế, thiếu sót. Theo đó, có trường hợp đối tượng không đủ điều kiện vẫn đưa vào trong danh sách (từ trần trước ngày 01/4/2020, không có trong danh sách đang hưởng chính sách theo quy định); đối tượng có thông tin không đầy đủ, không chính xác; hưởng hỗ trợ theo diện đối tượng khác đã chuyển đi, đi xuất khẩu lao động, cắt khẩu, đi lấy chồng; trùng danh sách đối tượng (trùng trong cùng diện, trùng diện này với diện khác, địa phương này với địa phương khác).

Bên cạnh đó cũng có trường hợp danh sách lập không đúng theo mẫu quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg như việc không xác định được chủ hộ; một số đối tượng và hộ gia đình thuộc diện được thụ hưởng không có mặt tại địa phương, chưa kịp ủy quyền cho người khác nhận thay nên chưa chi trả được hết so với danh sách đã được phê duyệt, do vậy còn tồn đối tượng.

“Có trường hợp tính sai số tiền, nhân tiền sai, tờ trình không ghi số tiền, đối tượng không hưởng đủ 03 tháng, không ghi chú lý do, số đối tượng đề nghị được hưởng trợ cấp bị lệch so với danh sách đề nghị”, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hầu A Lềnh thông tin.

Xuất phát từ thực tế này, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hầu A Lềnh mong muốn Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quản lý việc phân bổ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ tới những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19; đồng thời ngành LĐTBXH cần phối hợp chặt chẽ hơn quá trình thực hiện chính sách, đảm bảo đúng quy định, tránh sự sai sót và gây tâm tư trong nhân dân.

Nội dung tiếp theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề cập tới chính là việc phân bổ số tiền, hiện vật mà nhân dân ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt hơn 2 tháng qua. Theo đó, tính đến ngày 28/5/2020, số tiền, hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương đã lên tới 1.968,607 tỷ đồng. Trong đó, tại UBTƯ MTTQ Việt Nam là trên 942 tỷ đồng; tại Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố là trên 1.025 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, từ số tiền, hiện vật tiếp nhận ủng hộ được, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã và đang phân bổ kịp thời tới Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để phục vụ các bệnh viện, khu cách ly trên cả nước. Đến nay, số tiền phân bổ từ Mặt trận Trung ương là 650,118 tỷ đồng (trong đó, tiền mặt là 526,7 tỷ đồng; hiện vật quy ra tiền là 123,418 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tiền ủng hộ mà các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm gửi tới Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố lại chưa phân bổ được vì chưa có cơ chế rõ ràng. Vì vậy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm để chỉ đạo, thúc đẩy quá trình giải ngân nguồn ủng hộ từ nhân dân được kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm mục đích, ý nghĩa, từ đó củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân.

“Nếu việc phân bổ không kịp thời sẽ gây tâm tư của người đóng góp, cũng như tâm tư trong dư luận xã hội”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Một vấn đề MTTQ Việt Nam cần sự tháo gỡ đó là liên quan đến việc làm nhà đại đoàn kết cho người nghèo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho biết, theo số liệu thống kê, số hộ nghèo đủ điều kiện nhận nhà đại đoàn kết hiện nay là 280 ngàn hộ, trong đó đối tượng người có công là trên 17 ngàn hộ. Chính vì vậy, để người nghèo và người có công được nhận được nhà đại đoàn kết thì cần cơ chế phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan liên quan để hoàn thành mục tiêu xây nhà đại đoàn kết.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng đánh giá cao việc Thủ tướng luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, đặc biệt là việc thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm huy động nguồn vốn từ nước ngoài về Việt Nam. Đây là việc làm mới, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ khi bắt tay khôi phục nền kinh tế sau đại dịch. Cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân rất phấn khởi trước những quyết sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương này.

“MTTQ đề nghị, song song với việc thu hút dòng vốn vào Việt Nam thì Chính phủ cần có nhiều giải pháp thúc đẩy người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất, để hàng hóa làm ra đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong nước”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Một vấn đề tiếp theo mà cử tri và Nhân dân đánh giá cao chính là nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian qua, đặc biệt, trong tháng 4/2020, Chính phủ liên tiếp ban hành hai Nghị định số 45 và 47 nhằm thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tuy nhiên, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng người dân và cộng đồng doanh nghiệp còn băn khoăn và kỳ vọng nhiều hơn trong việc khắc phục mạnh mẽ những bất cập trong cải cách thủ tục hành chính, tạo cú hích lớn trong thu hút đầu tư.