Đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

(Mặt trận) - Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11). Qua 20 năm tổ chức thực hiện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã trở thành một nội dung, một phương thức hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, là “Ngày hội” của toàn dân với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu dân cư.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.   
Những thành tựu đạt được của Ngày hội cho thấy vai trò, ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về lịch sử vẻ vang và vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thông qua thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có tính chất toàn dân, toàn diện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương cũng như trên cả nước.

Kết quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023

Ngày hội góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước

Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là định hướng xuyên suốt và là động lực cho việc tổ chức Ngày hội tại cộng động dân cư. Qua tổ chức Ngày hội, tinh thần đại đoàn kết toàn dân được thể hiện sinh động với những nội dung thiết thực, tác động trực tiếp nếp ăn, lối sống, suy nghĩ và hành động của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng cuộc sống ấm no, lành mạnh, hạnh phúc, góp phần đem lại những diện mạo mới trong mỗi cộng đồng.

Thông qua nội dung của Ngày hội các cá nhân, hộ gia đình đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong xây dựng cộng đồng; kết quả của Ngày hội đã góp phần quan trọng giúp Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống vệ sinh; lên án với các hành vi mê tín, dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục.

Đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo. Đoàn kết giúp đỡ người gặp hoạn nạn khó khăn, người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa; huy động sức đóng góp của cộng đồng hỗ trợ làm nhà "Đại đoàn kết", "Nhà tình thương" tặng cho hộ nghèo. Đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, động viên các hộ gia đình cho trẻ đi học đúng độ tuổi, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Đoàn kết chăm lo sức khỏe cộng đồng; phòng, chống dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm; duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; phụng dưỡng người cao tuổi, động viên các gia đình chính sách, chăm sóc người có công với cách mạng.

Đoàn kết giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành nội quy, quy định của địa phương và hương ước, quy ước của cộng đồng; xóa bỏ mặc cảm, hàn gắn mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng. Đoàn kết tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, hành vi lôi kéo, kích động của các thế lực cơ hội, thù địch...

Trong từng giai đoạn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã có những giải pháp trong lựa chọn hình thức tổ chức Ngày hội phù hợp với từng địa bàn, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và nghi thức tôn giáo.

Phát huy hiệu quả vai trò chủ động của hệ thống Mặt trận cơ sở, sáng tạo của Ban Công tác Mặt trận; sự tham gia của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, chức sắc các tôn giáo và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã góp phần động viên, quy tụ và tập hợp Nhân dân đến với Ngày hội. Từ những kinh nghiệm, sự sáng tạo trong quá trình tổ chức của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã góp phần đưa nội dung Ngày hội không những mang giá trị về tinh thần còn mang đậm những sắc màu văn hóa, ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương.

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền ý nghĩa của Ngày hội, lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và truyền thống cách mạng của quê hương, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, đề cao ý thức cộng đồng luôn được chú trọng. Nhân dân tại mỗi cộng đồng nhận thức sâu sắc hơn về thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, về nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

Qua đó, giúp Ngày hội từng bước trở thành đợt sinh hoạt chính trị, dịp bồi đắp truyền thống cách mạng, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào tự tôn dân tộc của mỗi người dân, hộ gia đình và mỗi cộng đồng cùng nhau góp công, góp sức, góp trí tuệ, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước.

Ngày hội góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng

Sự hòa quyện giữa tinh thần đại đoàn kết với các giá trị văn hóa đã tạo nên những sắc màu riêng của mỗi địa phương trong tổ chức Ngày hội. Có thể khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống như: trọng đạo hiếu, trọng nghĩa tình, tương thân tương ái, “Nhường cơm sẻ áo”, “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính trên nhường dưới”, “Tôn sư trọng đạo”... luôn được tôn vinh, phát huy và trở thành nền tảng tinh thần, động lực nội sinh giúp khơi dậy niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng quê hương và phát triển đất nước.

Điều làm nên những giá trị đặc trưng của Ngày hội là sự sẻ chia, thăm hỏi, động viên luôn đầy ắp trong mỗi cộng đồng; dịp gặp mặt của những người con xa quê về với gia đình, dòng họ; sự hòa quyện giữa các sắc màu văn hóa với những niềm vui, tiếng cười và niềm tự hào về những giá trị văn hóa độc đáo, tinh tế; phản ánh đức tính sáng tạo, sự tài năng, khéo léo và óc thẩm mĩ trong đời sống của cộng đồng như: thi kéo co, múa sạp, thi nấu ăn, thi gói bánh chưng trong đồng bào các tỉnh Bắc Giang; thi ném Còn, Đẩy gậy của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn và các địa phương biên giới Tây Bắc của Tổ quốc; thi hát dân ca ví dặm, ca trù, thi kể “Truyện Kiều” của Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; Lễ hội Cầu ngư, lễ hội Trỉa lúa, lễ hội Đập trống của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Bình; Lễ hội cầu mưa, Lễ Tu su, Lễ cấp sắc, Lễ hội đua thuyền của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La; các tiết mục giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng nhau chung sống như Kinh - Mường, Thái - Mường, Thái - Hoa - Lô lô, Tày - Thái của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình...

Cùng với đó, nhiều gia đình khó khăn đã được cộng đồng hỗ trợ về kinh nghiệm, con giống, vật nuôi trong phát triển kinh tế; chung tay, giúp sức dựng nhà "Đại đoàn kết", "Nhà tình thương"; tặng sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế cho người gặp hoàn cảnh khó khăn. Cùng nhau tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; tôn tạo chỉnh trang đường làng, ngõ, xóm; tổ chức treo cờ Tổ quốc; thăm hỏi gia đình chính sách, người có công, động viên người có uy tín; tôn vinh, biểu dương gia đình tiêu biểu, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng cộng đồng... luôn là những hoạt động nổi bật trong mỗi dịp tổ chức Ngày hội.

Thông qua Ngày hội lòng nhân ái của mỗi cá nhân được nhân lên qua sự chia sẻ của từng cộng đồng với xã hội. Theo kết quả tổng hợp của các địa phương, Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp từ khi phát động năm 2000 đến nay đã vận động được trên 84.431 tỷ đồng, trong đó:

Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 20.674 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp cho các địa phương trên 63.756 tỷ đồng. Qua đó đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.706.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; trợ giúp trên 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ trên 2 triệu lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh.

Đặc biệt trong 3 năm từ năm 2020 - 2022 trước sự bùng phát của dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Nhường cơm sẻ áo”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng” đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp với hình ảnh các cây ATM gạo, ATM ô xy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “chuyến xe 0 đồng” “suất ăn miễn phí” cùng với hàng triệu “phần quà đại đoàn kết”, “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã chia sẻ khó khăn với đồng bào, đồng chí và Nhân dân các địa phương vùng dịch là những điểm sáng tô thắm thêm giá trị văn hóa dân tộc trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. 

Ngày hội góp phần phát huy vai trò tự quản, tinh thần sáng tạo của Nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước

Phát huy truyền thống cách mạng, với quyết tâm không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, Ngày hội đã trở thành diễn đàn dân chủ để mọi người dân, từng hộ gia đình trong mỗi cộng đồng dân cư cùng nhau trao đổi, bàn bạc, tìm giải pháp vượt qua mọi khó khăn, đánh thức tiềm năng, khơi dậy tinh thần sáng tạo, chung sức, đồng lòng xây dựng cộng đồng ngày càng đầy đủ, no ấm về vật chất, phong phú về tinh thần, mọi gia đình hạnh phúc, an toàn, văn hóa.

Từ những khát vọng vươn lên trong cuộc sống, với ý chí quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của mọi người dân, giá trị của các phong trào thi đua, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động đã được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực trong mỗi cộng đồng.

Nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đến Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"... đã được triển khai sâu rộng trong toàn xã hội, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân cùng với đội ngũ cán bộ, đảng viên các địa phương.

Tổng hợp ý kiến của Nhân dân tại Ngày hội cho thấy hiệu quả của các cuộc vận động, phong trào thi đua đã góp phần tạo nên diện mạo mới trong cộng đồng từ thành thị đến nông thôn, từ các địa phương miền núi đến khu vực đồng bằng. Mỗi cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với những sắc thái riêng đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, đi đúng vào tâm tư, nguyện vọng và được Nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Kết quả không chỉ thể hiện trong lĩnh vực chăm lo đời sống Nhân dân, xóa đói giảm nghèo, chăm lo giáo dục, y tế cho Nhân dân tốt hơn, mà còn góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh, ổn định chính trị… góp sức cùng với Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn thách thức, đảm bảo an sinh xã hội; phát huy các giá trị văn hóa, đánh thức tiềm năng, nội lực trong Nhân dân.

Cơ sở và động lực giúp cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hệ thống chính trị các cấp triển khai các nhiệm vụ chính trị gắn với các phong trào thi đua tiêu biểu của mỗi địa phương như: Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Thi đua “Đoàn kết, kỷ cương, thích ứng linh hoạt, an toàn hiệu quả, bứt phá, phát triển” trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc. “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Hồng. “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch" trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ. "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ...

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay trên địa bàn cả nước đã có 6001 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 255 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 83,12% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 89,24% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 99% xã, phường làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; 65,43% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 67,38% xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới.

Toàn quốc hiện có 6.102/11.027 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (55,3%); 68.222/113.607 thôn, ấp, bản và tương đương có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng (60%); 87.942 khu dân cư không có trẻ em bỏ học.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ triển khai xây dựng 40.626 mô hình về bảo vệ môi trường; quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an và các ngành chức năng trên 468.000 nguồn tin có giá trị tố giác tội phạm; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã tiến hành cảm hóa giáo dục tại cộng đồng hơn 98.000 lượt người lầm lỗi, trong đó có hơn 62.000 lượt người đã tiến bộ.

Hiện cả nước có 54.852 khu dân cư không phát sinh tội phạm; 56.115 khu dân cư không phát sinh người nghiện mới; 45.216 người được cai nghiện ma túy tại cộng đồng; 72.118 khu dân cư không có người vi phạm trật tự an toàn giao thông góp phần quan trọng xây dựng 3.687 xã đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự xã hội (chiếm tỷ lệ 85,35%).

Ngày hội thể hiện sinh động kết quả đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ địa bàn cơ sở

Ngày hội là kết quả phát triển cả về lý luận và tư duy, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn trong quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong từng giai đoạn, Ngày hội đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị - xã hội ở các cộng đồng dân cư theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; là dịp vun đắp tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh nội sinh góp phần hiện thực hóa mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương và cả nước.

Từ ý nghĩa của Ngày hội cùng với sự sáng tạo, đa dạng trong hình thức tổ chức của mỗi địa phương đã tạo nên những điểm nhấn tích cực giúp nội dung công tác Mặt trận thấm sâu vào mỗi cộng đồng, phục vụ thiết thực cho cuộc sống Nhân dân.

Nhân dân trên địa bàn nông thôn đã tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, tăng giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tích cực tham gia xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn; hợp tác xã kiểu mới; mở rộng thâm canh, tăng chất lượng theo công nghệ mới...

Trên địa bàn đô thị, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp cận các chính sách vay vốn từ các nguồn quỹ giảm nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm... Tại mỗi địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số đã tập trung động viên Nhân dân thực hiện nếp sống vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; thực hiện định canh định cư; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, cảnh giác với những hành vi lôi kéo, mua chuộc của các phần tử cơ hội; thực hiện hôn nhân đúng độ tuổi... từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giá trị của Ngày hội không những tôn vinh kết quả của công tác Mặt trận tại mỗi địa phương, sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của Nhân dân trong tổ chức Ngày hội giúp hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định vị thế trong hệ thống chính trị các cấp, làm tròn vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với quần chúng Nhân dân; nơi tập hợp, lắng nghe và phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân; tăng cường niềm tin chính trị, củng cố đồng thuận xã hội trở thành động lực to lớn giúp mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương luôn kịp thời đổi mới, sáng tạo đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân.

Theo kết quả tổng hợp, các cấp ủy, chính quyền đã biểu dương khen thưởng cho 314.459 tập thể khu dân cư, tặng Bằng khen, Giấy khen cho 1.126.061 cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tôn vinh, khen thưởng cho 487.478 tập thể, Ban Công tác Mặt trận và 670.690 cá nhân tiêu biểu, Trưởng ban Công tác Mặt trận, trưởng các chi hội, chi đoàn có nhiều đóng góp thiết thực trong thực hiện công tác Mặt trận tại các địa phương.

Ngày hội góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh

Hòa chung không khí Ngày hội cùng các tầng lớp nhân dân, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp đã luôn quan tâm và dành thời gian tham dự với Nhân dân nơi cư trú. Hằng năm bám sát yêu cầu nội dung tổ chức, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã sớm xây dựng kế hoạch, thống nhất nội dung phối hợp với các tổ chức thành viên, chủ động chú trọng tham mưu, đề xuất mời các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tổ chức đảng các cấp tham dự Ngày hội.

Tại mỗi địa phương, trước sự tham dự của đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp và sự điều hành sáng tạo của các Ban công tác Mặt trận, không khi dân chủ luôn được duy trì trong suốt quá trình tổ chức Ngày hội. Nội dung và kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền và hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động được Nhân dân thẳng thắn trao đổi, thảo luận và đánh giá.

Nhân dân quan tâm và trực tiếp tham gia nhiều ý kiến với cấp ủy, chính quyền các cấp về chất lượng hoạt động công vụ, tham gia nhận xét đảng viên nơi cư trú. Kiến nghị và đề xuất giải pháp đảm bảo công tác an sinh xã hội; chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế, giảm nghèo bền vững; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng ngừa thiên tai, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống; thị trường nông nghiệp, giá cả và chất lượng sản phẩm; phòng chống các loại tội phạm và đảm bảo an toàn giao thông; Tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Theo số liệu tổng hợp trên địa bàn cả nước đã có 1.012.473 lượt ý kiến Nhân dân tham gia xây dựng tổ chức đảng các cấp; 1.294.505 lượt ý kiến tham gia xây dựng hệ thống chính quyền; 1.742.004 lượt đóng góp ý kiến tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nơi cư trú; 1.616.437 lượt ý kiến tham gia góp ý thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng đời sống văn hóa; 2.205.585 lượt ý kiến thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và bảo vệ quyền, lợi ích của công dân.

Với những kết quả đó, Ngày hội không chỉ giúp mỗi cấp ủy, chính quyền rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành vì mục tiêu chung của toàn xã hội và lợi ích thiết thực của Nhân dân, Ngày hội còn là dịp sinh hoạt dân chủ để đội ngũ cán bộ gắn bó mật thiết với Nhân dân; dịp quan trọng để tiếp xúc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nêu cao trách nhiệm trước Nhân dân trong mọi cán bộ, đảng viên.

Kết quả của Ngày hội đã đánh dấu một bước chuyển tiếp quan trọng cả về nhận thức và tư duy đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân. Ý nghĩa và giá trị thực tiễn của Ngày hội là dịp để mỗi cá nhân thể hiện trách nhiệm với cộng đồng; nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tin vào sự nghiệp đổi mới; xây dựng ý thức công dân cả về đạo đức, lối sống, nếp nghĩ, xóa bỏ mặc cảm, hàn gắn yêu thương, hình thành lối sống đẹp phù hợp với các giá trị của nền văn hóa Việt Nam.

Qua Ngày hội giúp nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cầu nối để đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết với Nhân dân; dịp quan trọng để tiếp xúc và nắm bắt tâm tư nguyện vọng và trao đổi giải đáp những vấn đề mà Nhân dân quan tâm.

Qua đó, từng đồng chí cán bộ, đảng viên tự xác định trách nhiệm, tham mưu, đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đáp ứng với nhu cầu của Nhân dân. Ngày hội là giải pháp quan trọng giúp hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò liên minh chính trị, từng bước khẳng định vị trí trung tâm, cầu nối mật thiết giữa hệ thống chính trị với các tầng lớp nhân dân. Qua tổ chức Ngày hội, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp từng bước được trưởng thành, đáp ứng với yêu cầu công tác Mặt trận được rèn luyện trong thực tiễn, gần dân, sát dân và có uy tín với Nhân dân.

Một số giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội

Trong giai đoạn tiếp theo, việc tổ chức hiệu quả Ngày hội được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa - xã hội sâu rộng trong toàn xã hội; động lực khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí cách mạng; củng cố, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục; tôn vinh lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tinh thần tương thân, tương ái hướng tới xây dựng từng cá nhân có nhân cách, lối sống tốt đẹp; mọi gia đình ấm no, hạnh phúc; cộng đồng văn minh tạo nền tảng thiết thực hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Trên cơ sở đó, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, nhất là phối hợp của cấp chính quyền và các tổ chức thành viên trong tổ chức Ngày hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động tham mưu giúp các cấp ủy, tổ chức đảng ban hành các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Ngày hội tại địa phương.

Tổ chức các hoạt động quán triệt, phổ biến nội dung công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn Đảng bộ. Nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện làm cơ sở đánh giá kết quả công tác Đảng hằng năm.

Kịp thời tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; rút ra những kinh nghiệm, bài học và đề xuất các giải pháp giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo động lực góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội.

Hai là, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức Ngày hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt để đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp nhận thức rõ trách nhiệm trong tham gia các hoạt động của Ngày hội; dịp để mỗi cá nhân được rèn luyện trong phong trào của quần chúng, được gắn bó với Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, học hỏi từ Nhân dân… qua đó nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ, thi hành công vụ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới. Nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và mục đích, nội dung và ý nghĩa của Ngày hội.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội. Chú trọng nâng cao chất lượng Ngày hội theo hướng phần Lễ tổ chức ngắn gọn, nội dung phần Hội phong phú, sinh động, tôn vinh truyền thống cách mạng của mỗi địa phương, hướng đến xây dựng cuộc sống lành mạnh có nếp sống văn hóa, cư xử và ứng xử văn minh trong mỗi cộng đồng, từng cá nhân và các hộ gia đình; phần Hội chú trọng ưu tiên các hoạt động nhằm phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống của mỗi địa phương.

Tổ chức hiệu quả các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn với biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở… tạo khí thế sôi nổi trong Ngày hội. Tiếp tục gắn kết chặt chẽ việc tổ chức Ngày hội với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện; tham gia bảo vệ môi trường; phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong thực hiện công trình, phần việc, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội từ mỗi cộng đồng.

Khuyến khích các khu dân cư trong tổ chức Ngày hội theo hình thức liên khu dân cư, cấp xã hoặc liên xã hướng tới tổ chức theo quy mô cấp huyện, cấp tỉnh với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa tạo sự gắn kết trong cộng đồng và phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương.

Bốn là, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, tính sáng tạo của mỗi địa phương trong tổ chức Ngày hội. Tăng cường phát huy dân chủ trong Nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, phát huy thế mạnh của từng địa phương để bàn bạc thống nhất và phát huy tính sáng tạo của Nhân dân và địa phương để tổ chức Ngày hội được sinh động, thiết thực.

Phát huy sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư, đảm bảo phần Lễ được tổ chức trang trọng, nghiêm túc, phần Hội được tổ chức trong không khí đầm ấm, vui tươi. Chú trọng phát huy vai trò của người tiêu biểu, người có uy tín tại mỗi cộng đồng cùng tham dự Ngày hội nhằm tạo động lực huy động sự tham gia của mỗi người dân trong quá trình tổ chức.

Năm là, đảm bảo và huy động nguồn lực trong tổ chức Ngày hội. Phối hợp các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí các hoạt động tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở.

Tăng cường vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân sinh sống ở địa bàn và con em quê hương hướng về Ngày hội với những đóng góp thiết thực tham gia xây dựng cộng đồng. Phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa - xã hội, du lịch, làng nghề tại mỗi cộng đồng, góp phần tạo nguồn lực xã hội hóa thực hiện các nhiệm vụ chung của cộng đồng.