(Mặt trận) - Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba khóa X, tại Tổ thảo luận số 3, dưới sự chủ trì của bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, hướng đến mục tiêu chung đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình.
 |
Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu chủ trì Tổ thảo luận số 3. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Gợi mở nội dung thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu cho biết, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận về Quy chế hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá X; Chương trình làm việc toàn khoá của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Triển khai thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân.
 |
Ông Phan Hòa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Phan Hòa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế (đại diện đoàn đại biểu thành phố Huế) nhất trí với quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy chế hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá X, cụ thể là Ủy viên Ủy ban Trung ương được dự các hội nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sát cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vừa lan tỏa vai trò của một Ủy viên Ủy ban Trung ương trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế những nhiệm kỳ vừa qua, nội dung này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, trừ trường hợp các vị là Ủy viên Ủy ban Trung ương, vừa là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương. Nguyên nhân là vì không có cơ chế thực hiện. Vấn đề này cần được xem xét trong thời gian tới.
Phản ánh ý kiến, tâm tư của người dân tại địa phương, ông Phan Hòa cho biết, năm 2025 là năm thực hiện phong trào thi đua Xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là việc làm rất nhân văn, đòi hỏi Mặt trận các cấp phải quyết liệt, nỗ lực để hoàn thành.
"Để đảm bảo chất lượng cho những ngôi nhà mới, thay thế cho nhà tạm, nhà dột nát, công tác huy động nguồn lực, hướng dẫn triển khai và giám sát quá trình thực hiện đảm bảo chất lượng công trình là những việc mà Mặt trận phải cố gắng hết mình, nhất là việc huy động nguồn lực của xã hội và công tác giám sát, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng tiêu cực", ông Hòa đề xuất.
 |
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Góp ý về nội dung "Triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ", ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, muốn làm được điều này, đất nước cần tập hợp được đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo ông Thân, hiện nay, người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người. Một số kiều bào hiện đang vướng mắc trong vấn đề quốc tịch, trước đây vì mưu sinh nên đã nhập quốc tịch ở nhiều nước khác mà bỏ quốc tịch Việt Nam theo yêu cầu của nước sở tại. Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của đất nước, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam, quay trở về quê hương để đóng góp cho đất nước, trong số đó có nhiều nhà khoa học mong muốn cống hiến, đồng hành cùng sự phát triển. Do đó, cần có chính sách thu hút người tài, tạo điều kiện cho kiều bào sớm được nhập quốc tịch Việt Nam.
"Đứng trước tốc độ phát triển rất nhanh của thế giới trong lĩnh vực công nghệ, chúng ta cần cập nhật được công nghệ hàng đầu của các nước, áp dụng những tiến bộ, sáng tạo của khoa học công nghệ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang áp dụng tốt việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình. Điều này cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới", ông Thân kiến nghị.
 |
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thân, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia cho rằng, trong tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có những kiến nghị tới Đảng, Nhà nước để sớm giải quyết vấn đề quốc tịch Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được cấp căn cước công dân và định danh cá nhân, để kiều bào luôn hướng về quê hương, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
 |
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-Line phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Đóng góp ý kiến tại tổ thảo luận, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-Line (đại diện đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng) cho biết, qua theo dõi hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong bối cảnh hiện nay, cách thức tiếp cận công nghệ cũng như biến động về thói quen tiêu dùng đến từ các nền tảng AI, trí tuệ nhân tạo. Do đó, Mặt trận cần có kế hoạch kỹ lưỡng hơn, triển khai từng ngày, từng giờ tại các địa phương cũng như trong và ngoài nước, làm chuyển đổi thói quen tiêu dùng cũng như trách nhiệm xã hội của mỗi người với đất nước.
Theo bà Phương, đất nước cần có chiến lược đổi mới giáo dục khi bước vào kỷ nguyên mới, thay đổi từ tư duy, nhận thức, cách tiếp cận kiến thức cũng như năng lực lao động của người Việt Nam. Hiện nay, đổi mới giáo dục vẫn chưa khẳng định được niềm tin của xã hội và sự đồng thuận của người dân. Mặt trận cần có tiếng nói nhanh, mạnh và bền vững về vấn đề giáo dục, trong bối cảnh xã hội nhiều biến động, quan tâm, đề xuất chiến lược đổi mới giáo dục hiệu quả.
"Trong tiến trình xây dựng đất nước, quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với giáo dục, có lẽ đã đến lúc chúng ta quan tâm phát triển nhiều giá trị khác, vì hạnh phúc của mỗi người dân", bà Phương chia sẻ.
 |
Bà Trần Thị Bích Mai, cá nhân tiêu biểu dân tộc Sán Dìu phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Đồng quan điểm với đại biểu Lê Thị Nam Phương về phát triển giáo dục, bà Trần Thị Bích Mai, cá nhân tiêu biểu dân tộc Sán Dìu (đại diện đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, Đảng, Nhà nước sẽ chú trọng hơn vấn đề dạy và học lịch sử cho học sinh, để các thế hệ mai sau biết ơn công lao các anh hùng dân tộc, càng thêm yêu quê hương, đất nước.
Nói về những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương, bà Mai cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đến vấn đề vaccine cho trẻ sơ sinh. Bởi hiện nay giá vaccine cho trẻ em khi tiêm chủng đang rất cao, ít vaccine miễn phí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tâm lý không muốn sinh thêm con của các gia đình. Mặt khác, hiện nay tình trạng xả thải trong chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường đang gây bức xúc lớn trong nhân dân. Bà Mai mong muốn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ gửi tới Đảng, Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng này của người dân vùng núi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho bà con.
 |
Sư cô Thích Tâm Trí, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của đất nước, Sư cô Thích Tâm Trí, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đang nỗ lực từng ngày để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, chú trọng đến đời sống tinh thần của bà con. Đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được về lịch sử, văn hóa của Việt Nam, giữ gìn được tinh thần đoàn kết, lan tỏa sự sẻ chia trong cộng đồng, tạo nền tảng bền vững để đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
"Từng vị Ủy viên Ủy ban Trung ương cần nêu cao trách nhiệm trong việc giữ gìn văn hóa, lịch sử đất nước Việt Nam, phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách" và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần này sẽ luôn được duy trì, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài", Sư cô Thích Tâm Trí mong muốn.
 |
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Hiến kế đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, khoa học - công nghệ là một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc, đã được thực tiễn chứng minh. Việc cần làm là hoàn thiện thể chế, từ đó huy động mọi nguồn lực để phát triển khoa học - công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Trước đây, để phấn đấu đạt được những mục tiêu tăng trưởng là rất khó. Chỉ khi chúng ta hài hòa mối quan hệ đối ngoại, hợp tác với các nước, huy động được nguồn lực tổng hợp cho khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực tài chính của các tổ chức quốc tế, kết hợp với sức mạnh nội sinh để phát triển và bảo vệ đất nước. Tôi tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, nhất là huy động được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trên cơ sở đường lối đúng đắn và có những giải pháp chiến lược, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được", Thượng tướng Bế Xuân Trường cho hay.
 |
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Thống nhất với các nội dung của Quy chế hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá X, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Quy chế sẽ là văn bản quan trọng, làm cơ sở cẩm nang pháp lý cho việc điều hành toàn bộ hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực.
Đối với bố cục của Quy chế, bà Thủy cho biết, Điều 4 quy định về quan hệ của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức thành viên ở Trung ương; với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đây là nội dung rất quan trọng, nếu chỉ quy định tại một điều thì chưa thể hiện được sự cụ thể trong việc xây dựng Quy chế. Do đó Điều 4 cần được cụ thể hóa thành 1 chương riêng trong Quy chế. Bên cạnh đó, Điều 3 về chế độ họp cũng cần quy định cụ thể hơn trước những diễn biến khách quan gần đây; cụm từ "bản kiểm điểm" tại khoản 4 Điều 6 cần được sửa thành "báo cáo kiểm điểm" để phù hợp với tầm quan trọng của văn kiện này.
Liên quan đến quy định tại khoản 2 Điều 8 về quyền của Ủy viên Ủy ban Trung ương được dự các Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương, bà Thủy kiến nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục có sự giới thiệu đúng theo nguyện vọng của các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương.
Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Tổ thảo luận số 3, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu cho biết, những ý kiến tâm huyết của các đại biểu sẽ được tổng hợp và báo cáo tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba khóa X.
Tiến Đạt