Đề cao tính hiệu quả, sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Chiều 18/7, tại Cà Mau, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện chủ trì buổi toạ đàm về “Giải pháp nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM – Đô thị văn minh và phong trào đoàn kết sáng tạo”.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết tại Thừa Thiên Huế

Trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Ninh Bình

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện chủ trì Tọa đàm. 

Dự toạ đàm có hàng chục đại biểu đến từ các đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh khu vực Nam Sông Hậu gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang.

Tại buổi toạ đàm nhiều đại biểu của các đơn vị Ủy ban MTTQ Việt Nam Cụm Nam Sông Hậu đã có những phát biểu, tham luận có ý nghĩa thiết thực, đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng NTM tại vùng ĐBSCL nói chung, Cụm Nam Sông Hậu nói riêng.

Bà Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau cho rằng: Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” đã được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương như phong trào, Cuộc vận động “Toàn dân đàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Công tác giảm nghèo bền vững”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” và các phong trào thi đua khác. Trong đó, có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

“Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Tân đã đăng ký thực hiện 86 mô hình trên các lĩnh vực. Tập trung đẩy mạnh phát huy vai trò của MTTQ trong công tác thi đua “Đoàn kết sáng tạo”, nâng cao năng suất lao động ở doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức thành lập và duy trì hoạt động hợp tác xã kiểu mới, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hoá đặc trưng của địa phương”, bà Hân chia sẻ.

Theo bà Hân, tính đến cuối tháng 6/2022, toàn huyện Phú Tân có 25 hợp tác xã và 127 tổ hợp tác với tổng số 1.404 thành viên. Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Có nhiều mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Trần Văn Vũ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cho biết: Xây dựng NTM là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là cơ hội làm thay đổi diện mạo, tạo nên sức sống mới cho nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Ông Vũ cho biết thêm: Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện Giồng Riềng xác định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về xây dựng NTM. Giúp nhân dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó chủ động tham gia, không “trông chờ, ỷ lại” trong xây dựng NTM.

Cũng theo ông Vũ, từ năm 2013 đến năm 2020, huyện Giồng riềng thực hiện các chương trình mục Quốc gia về xây dựng NTM, trên cơ sở đó UBMTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã tham gia vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được trên 56,8 tỉ đồng; triển khai, bình xét xây dựng mới được 2.941 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 231 căn với, tổng trị giá 60,7 tỉ đồng. Thực hiện theo Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cất được 390 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở góp phần thực hiện đạt tiêu chí về nhà ở. Đến năm 2020, toàn huyện có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Thị trấn Giồng Riềng đạt chuẩn văn minh đô thị, huyện Giồng Riềng được công nhận đạt chuẩn huyện NTM.

"Từ khi đạt chuẩn huyện NTM đến nay, huyện Giồng Riềng tiếp tục thực hiện xây dựng huyện NTM nâng cao. Qua đó UBMTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã tham gia vận động Quỹ “Vì người nghèo được hơn 14,8 tỉ đồng; bắt 30 cây cầu, trị giá gần 7 tỉ đồng; cất 590 căn nhà đại đoàn kết trị giá hơn 17,1 tỉ đồng.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là tham gia vận động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trị giá 4,7 tỉ đồng. Các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn luôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm triển khai, thực hiện và trở thành một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, có sức lan tỏa lớn, được các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp… đồng tình ủng hộ.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng NTM, cho biết: “Sẽ tiếp tục tăng cường công tác triển khai sâu rộng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” để lan toả rộng rãi và mang lại hiệu quả thiết thực ở từng địa phương. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và nhân dân từng địa phương cần thường xuyên nắm chặt các tiêu chí về xây dựng NTM, NTM nâng cao để có hướng chỉ đạo uốn nắn kịp thời.

Cùng với đó, tranh thủ sự đồng thuận của người dân, nhất là tuyên truyền vận động người dân hiểu và tự giác thực hiện các công trình phần việc thuộc về trách nhiệm người dân tham gia với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Đồng thời, tổ chức việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM tại các xã bảo đảm tính trung thực, phản ánh được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi toạ đàm 

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu tại buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: “Vai trò của MTTQ trong xây dựng NTM là rất quan trọng. Nhất là, công tác tuyên truyền vận động như thế nào để người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích và trách nhiệm của mình trong thực hiện các giải pháp xây dựng NTM; công tác giám sát phản biện xã hội gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh. Gắn với phong trào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả để khơi dậy tính sáng tạo, đổi mới sản xuất của người dân trong nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả kinh tế”.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam với ngành NN&PTNT tỉnh Cà Mau là rất thiết thực, ý nghĩa. Nhất là trong công tác triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến mục tiêu xây dựng NTM. “Với trách nhiệm là thành viên BCĐ Chương trình mục tiêu về xây dựng NTM và nhiệm vụ cụ thể từng ngành chúng ta đã có sự phối hợp chặt chẽ, đề cao tính hiệu quả, chất lượng về sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhìn nhận.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề cao vai trò, tính hiệu quả của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự gắn kết, góp phần phát triển, hoàn thiện trong xây dựng NTM. Bà yêu cầu đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp sáng kiến mang tính mô hình, kinh nghiệm để chúng ta nhân rộng những cách làm hay trong triển khai trách nhiệm của MTTQ trong xây dựng NTM gắn với cuộc vận động các phong trào thi đua yêu nước.

“Với những cách làm hay từ những bài phát biểu của các đơn vị đem đến toạ đàm hôm nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tích hợp lại thành cẩm nang, tài liệu để phổ biến, nhân rộng. Rất mong, MTTQ các cấp tiếp tục nghiên cứu, tham khảo để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo. Để làm sao nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng xây dựng NTM của MTTQ trong giai đoạn 2021 – 2025”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.