Đảm bảo dân chủ, công khai trong công tác cứu trợ

(Mặt trận) - “MTTQ chủ trì phối hợp cơ quan liên quan tổ chức tiếp nhận cứu trợ, phân bổ, giám sát các khâu, đến tận tay người dân, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch với cả người hỗ trợ lẫn người được nhận hỗ trợ”. Đó là đề nghị của ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Cứu trợ Trung ương khi dẫn đầu đoàn công tác về thăm hỏi và chia sẻ với bà con huyện Cẩm Xuyên - tâm lũ của Hà Tĩnh.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trao quà, động viên người dân xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. 

Sáng tạo trong công tác cứu trợ

Khi trời hửng nắng cũng là lúc người dân vùng lũ Hà Tĩnh bắt đầu tái thiết lại cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và người dân nơi đây đã và đang đồng sức đồng lòng vượt qua gian nan, thử thách.

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, 10 năm sau trận đại hồng thủy 2010, Hà Tĩnh lặp lại trận lũ lịch sử, lần này còn khốc liệt hơn. Trận lũ này, nước lên quá nhanh và cao hơn đỉnh lũ 2010 đến 1,5 m. Bởi vậy, thiệt hại đối với dân là rất lớn.

Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm từ trận lũ năm 2010 đã được Hà Tĩnh vận dụng và phát huy hết sức sáng tạo.

Ông Hà Văn Hùng cũng cho hay, ngay trong chiều 13/10, trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy tổ chức họp trực tuyến với tất cả các địa phương, cơ sở để chủ động phòng, chống mưa lũ.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng nên hạn chế được thấp nhất thiệt hại về người, đặc biệt sơ tán hơn 43.000 người dân nhưng không có bất cứ tai nạn nào trong lúc sơ tán, cứu người.

 “Trước mắt, bà con cần nỗ lực dọn dẹp và sớm lên kế hoạch gây dựng lại cuộc sống", Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nói.

Về công tác cứu trợ, theo ông Hà Văn Hùng, ngay trong đêm 18 và sáng 19/10, người dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã nấu hàng nghìn bánh chưng, hàng nghìn suất xôi… để cung ứng cho người dân vùng ngập lụt. Đây là thực phẩm thiết yếu hỗ trợ rất thiết thực cho người dân lúc này.

Bắt đầu từ ngày 20 đến 23/10, thực phẩm ăn nhanh giảm dần, lúc này, người dân cần nhất là gạo và các đồ dùng thiết yếu như nước mắm, dầu ăn, muối… vì thế các đoàn cứu trợ điều chỉnh kịp thời để phù hợp với nhu cầu của người dân.

“Chúng tôi đã thành lập đoàn tiếp nhận cứu trợ từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng đủ nhân lực để tiếp nhận, dẫn các đoàn đến trao trực tiếp cho dân. Thông qua hệ thống báo chí, truyền thông, chuyển tải đầu mối tiếp nhận của từng xã, huyện và tỉnh để các đoàn cứu trợ tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất”, ông Hà Văn Hùng nói.

Đến thời điểm này, thông qua MTTQ tỉnh đã có 47 đoàn hỗ trợ với số tiền gần 19 tỷ đồng. Còn đối với hàng hóa cứu trợ, Mặt trận tỉnh không giữ lại ở tỉnh mà điều phối tất cả về các địa phương, cấp phối, phân bổ ngay cho dân.

“Trong lúc mưa lũ dâng cao, đường giao thông nhiều nơi đang bị chia cắt, huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức thuyền, bè ở những điểm xe không thể lưu thông, tiếp nhận và đưa đến tận tay cho từng hộ dân bị nước lũ cô lập. Ngoài ra, huyện cũng chủ động cứu đói cho dân. Đây là cách làm rất năng động, sáng tạo, thiết thực”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Điều đáng lo ngại nhất sau lũ theo ông Hà Văn Hùng là tỷ lệ tái nghèo tăng lên rất nhiều. Việc cần kíp nhất giúp dân đó là hỗ trợ sinh kế, xây dựng các mô hình kinh tế để giúp dân vực dậy sau lũ.

“Vì thế, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam thông qua các nguồn lực là Ban Cứu trợ, Quỹ Vì người nghèo và nguồn ủng hộ trực tiếp hiện nay hỗ trợ sinh kế cho nhân dân bằng giống cây trồng, vật nuôi và nhà Đại đoàn kết….”, ông Hà Văn Hùng nhấn mạnh.

Dồn sức giúp dân

 Dịp này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã trao số tiền 2 tỷ đồng cho Hà Tĩnh từ Ban Cứu trợ Trung ương.

Chứng kiến những khó khăn, khổ ải mà người dân Hà Tĩnh đã trải qua trong trận lũ vừa qua, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân cũng như đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đã lặn lội trong mưa lũ cứu giúp dân những ngày qua. 

Nói chuyện với người dân bị thiệt hại nặng nề ở xã Cẩm Thành, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh động viên bà con đoàn kết, chung tay cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

“Trước mắt, bà con cần nỗ lực dọn dẹp và sớm lên kế hoạch gây dựng lại cuộc sống, tổ chức tăng gia sản xuất, chú trọng chăn nuôi, trồng trọt… để sớm đưa gia đình trở lại guồng quay cuộc sống như trước đây”, ông Hầu A Lềnh căn dặn.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng vui mừng trước trước sự gắn kết, đồng thuận của bà con Nhân dân Hà Tĩnh với cấp ủy, chính quyền.

“Mặc dù khó khăn chồng chất nhưng bà con rất đồng thuận, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với chính quyền và cùng nhau nỗ lực vượt qua lũ dữ. Bão lũ đi qua nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất, của cải mất hết, người dân gần như phải làm lại từ đầu. Đây không chỉ là khó khăn đối với bà con mà còn là thách thức đối với tỉnh, huyện”, ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

...và trao tặng biểu trưng 10 nhà Đại đoàn kết trị giá 400 triệu đồng cho UBND huyện Cẩm Xuyên. 

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị MTTQ Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức thật tốt việc tiếp nhận những ân tình của đồng bào cả nước. Sau khi tiếp nhận, cần phân bổ, giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.  

“Hà Tĩnh đã nhận được rất nhiều ân tình của bà con trên mọi miền Tổ quốc nhưng  đến nay chưa có ý kiến phản ánh nào về công tác tiếp nhận, hỗ trợ cho dân, đây là tín hiệu đáng mừng, cần phải phát huy. Việc tổ chức tiếp nhận, phân bổ của Hà Tĩnh được tổ chức khoa học, đồng bộ, sáng tạo và đây sẽ là kinh nghiệm quý cho các địa phương khác”, ông Hầu A Lềnh nói.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng lưu ý, trong thời gian tới, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể Hà Tĩnh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.

Mặt trận cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động ổn định tư tưởng nhân dân, nắm chắc tư tưởng, tâm tư của nhân dân để sẵn sàng chủ động với mọi tình huống.

“Mặt trận là lực lượng của nhân dân, vì thế không phải ai khác mà chính cán bộ Mặt trận phải nắm chắc tư tưởng nhân dân. Những lúc bão lũ như thế này có nhiều kẻ cơ hội nâng giá, găm hàng, phá hoại tình đoàn kết nhân dân… Những việc này cần phát hiện sớm để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các giải pháp xử lý, đảm bảo thật tốt vấn đề an ninh”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh lưu ý.

Đối với công tác cứu trợ cần phải thực hiện liên tục, thường xuyên, Mặt trận chủ trì phối hợp cơ quan liên quan, tiếp nhận, phân bổ, giám sát các khâu từ khi tiếp nhận đến khi người dân nhận được hỗ trợ. Phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch với cả người hỗ trợ lẫn người dân, để nhân dân yên lòng.

“Mặt trận có trách nhiệm đảm bảo sự rành mạch giữa nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, tránh chồng chéo các nguồn lực. Công tác phân bổ nguồn lực cứu trợ phải phân loại đối tượng hợp lý công bằng. Công bằng ở đây là công bằng xã hội chứ không phải công bằng về sản phẩm”, ông Hầu A Lềnh nói.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị, cần tiếp tục huy động cả ngân sách cả nguồn lực bên ngoài nhưng cũng cần phát huy nội lực trong dân.

Hệ thống Mặt trận phải biết khơi dậy sức dân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vận động dân nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống. Về cơ sở hạ tầng cần có thời gian, nguồn lực, dự án, cái này có thể giải quyết từng bước, trước hết là phải giúp dân khôi phục cuộc sống.

Dịp này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã trao số tiền 2 tỷ đồng cho Hà Tĩnh từ Ban Cứu trợ Trung ương; trao tặng biểu trưng 10 nhà Đại đoàn kết trị giá 400 triệu đồng cho UBND huyện Cẩm Xuyên; trao 10 suất quà cho người dân xã Cẩm Thành.