Đảm bảo chính xác, công khai trong chi trả hỗ trợ

(Mặt trận) - Chiều 25/5, Đoàn giám sát liên ngành do bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu đã có buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 42/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo, triển khai rất chặt chẽ, từ đó công tác chi trả hỗ trợ cho người dân trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có sự thành công. 

Hiện nay, toàn bộ 11/11 huyện, thành phố đã ra Quyết định phê duyệt và lập danh sách chi trả tiền hỗ trợ cho tổng số 387.865 đối tượng, với tổng kinh phí hỗ trợ là 308.159.750.000 đồng. 

Tính đến hết ngày 22/5, các chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 42/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai đến 193/193 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Cụ thể, cơ quan Bưu điện đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 386.035 đối tượng, với tổng kinh phí đã thực hiện là 306.672.000.000 đồng.

 Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Số còn lại chưa được chi trả theo quyết định phê duyệt danh sách là 1.830 đối tượng. Về vấn đề này, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, nguyên nhân chưa thực hiện được việc chi trả đến những đối tượng này là do một số đối tượng hiện vắng mặt trên địa bàn nhưng không có giấy tờ ủy quyền nhận tiền hỗ trợ theo quy định và một số đối tượng đi lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc. 

Tại buổi làm việc, ông Vàng Seo Cón, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang cho biết, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang đã thành lập 3 Đoàn kiểm tra, giám sát đánh giá về kết quả giám sát của Ủy ban MTTQ cấp huyện và một số đơn vị cấp xã. Các Đoàn giám sát đang tiến hành nghiên cứu báo cáo giám sát của các huyện, thành phố và sẽ hoàn thành việc kiểm tra, giám sát trong tháng 5/2020. 

Thông qua việc giám sát chi trả hỗ trợ đối với cấp xã trên địa bàn tỉnh do Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Giang thực hiện, ông Vàng Seo Cón cho biết, hiện nay không phát hiện tiêu cực trong việc thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe những ý kiến thảo luận, góp ý, đề xuất của đại diện Ban Phong trào, Ban Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Góp ý tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Nhựt, đại diện cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, qua quá trình theo dõi, đánh giá, Hà Giang là một trong những tỉnh đi đầu của khối 6 tỉnh miền núi phía Bắc trong việc thực hiện lập danh sách, rà soát người thuộc 4 nhóm đối tượng và thực hiện chi trả hỗ trợ đến cho người dân trên địa bàn tỉnh. Điều này đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong việc triển khai Nghị quyết số 42/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục triển khai lập danh sách và rà soát 2 nhóm đối tượng còn lại trong 6 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ, tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn, vướng mắc hiện tại trong việc xác định người lao động, hộ kinh doanh thuộc 2 nhóm đối tượng này, từ đó đưa ra được giải pháp khắc phục, thực hiện chi trả hỗ trợ triệt để, không bỏ sót đối tượng. 

 

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao những kết quả bước đầu mà tỉnh Hà Giang đã đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, việc chi trả hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng gồm: Đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được thực hiện khẩn trương, kịp thời, đúng người, đúng đối tượng cần hỗ trợ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống người dân và vươn lên sau khi dịch bệnh đi qua, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. 

“Công tác giám sát việc chi trả cho 4 nhóm đối tượng nêu trên cần được MTTQ tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai chủ động, chặt chẽ, xuyên suốt, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, không gây khó khăn cho người dân được hưởng hỗ trợ”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh. 

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng bày tỏ tin tưởng, trong giai đoạn 2, Hà Giang sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng người dân, phối hợp giám sát việc chi trả hỗ trợ đến người dân, từ đó tỉnh sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm, cách làm hay để chia sẻ đến các địa phương khác, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.