(Mặt trận) - Ngày 22/7, tại tỉnh Kon Tum, Cụm thi đua Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự và phát biểu tại Hội nghị.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum; lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Tây Nguyên và Duyên Hải miền Trung: Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Giai Lai, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam.
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân
6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong Cụm và các tổ chức thành viên đã thực hiện tốt sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phối hợp thống nhất hành động đạt nhiều kết quả tốt.
MTTQ các cấp trong Cụm thi đua đã từng bước đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở các địa phương trong Cụm đã có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương.
|
Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum phát biểu tại Hội nghị |
Công tác tôn giáo, dân tộc và công tác đối ngoại và kiều bào được đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động. MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng chú trọng hơn công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư và hộ gia đình để tuyên truyền vận động, tập hợp đoàn kết, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân; tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân phản ảnh kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định. Trong đó phải kể đến tỉnh Kon Tum đã tổ chức trên 352 buổi tuyên tuyền, với hơn 30.000 lượt người tham dự; Khánh Hòa tổ chức các cuộc tuyên truyền với hơn 30.800 lượt người tham dự; Đắk Lắk tổ chức được 1.746 buổi truyên truyền, tập hợp trên 162.963 lượt người tham gia… Qua hoạt động này đã góp phần phát huy tinh thần yêu nước, động viên nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
MTTQ các cấp trong Cụm thi đua cũng phát huy vai trò của mình trong triển khai thực hiện chương trình an sinh xã hội, nhất là việc chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn trong cuộc sống; công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tai tệ nạn xã hội ngày càng đi vào chiều sâu; nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng, biểu dương.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ xây dựng 43 căn nhà đại đoàn kết, trao tặng 438 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng gặp khó khăn trong xã hội nhân dịp Lễ, Tết; tỉnh Bình Định vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp được trên 9,2 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tỉnh Quảng Nam đã vận động được hơn 9 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 181 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 41 nhà đại đoàn kết; các cấp trong tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận với tổng số tiền hơn 25,1 tỷ đồng, cùng với nguồn quỹ năm 2022 đã phân bổ hơn 25,7 tỷ đồng…
Đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh trong cụm thi đua đã chủ trì, hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về các nội dung giám sát và ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội năm 2023: Mặt trận các cấp tỉnh Khánh Hoà đã chủ trì tổ chức 46 cuộc giám sát trên các lĩnh vực, tham gia góp ý 438 chương trình, đề án, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các đơn vị tham gia 6 cuộc giám sát, MTTQ Việt Nam cấp huyện đã thực hiện 79 hoạt động giám sát và MTT0Q Việt Nam cấp xã đã thực hiện 617 hoạt động giám sát ở cơ sở.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm đã chú trọng việc phối hợp với chính quyền thông qua việc ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp công tác; chủ động hiệp thương phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực.
|
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm thi đua đã cùng thảo luận nhằm chia sẻ những cách làm hay, những mô hình điển hình trong triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng cuối năm 2023 như: Quan tâm, chú trọng phương pháp, cách thức nắm bắt tình hình các tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh những tâm tư nguyện vọng, bức xúc chính đáng của nhân dân; Nâng cao chất lượng việc tập hợp ý kiến, phản ánh ý kiến của nhân dân đến các cơ quan Đảng, Nhà nước…
Mỗi cán bộ Mặt trận phải sát dân, phải bám sát cơ sở
|
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị |
Từ ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm thi đua và đảm bảo định hướng của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Từng tỉnh trong Cụm đã lựa chọn những mô hình hay, cách làm phù hợp với địa phương mình nhằm giúp bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo, yên tâm lao động, sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội… Đây là cơ sở để các tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng như triển khai 5 chương trình hành động mà Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX đã đề ra.
Để tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ các cấp trong 6 tháng cuối năm 2023, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, Mặt trận các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình nhân dân và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn nhằm sớm phát hiện những điểm nóng, những vấn đề phát sinh tại khu dân cư. Từ đó, kịp thời phản ánh với cấp uỷ, chính quyền cùng cấp nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh.
“Mỗi cán bộ Mặt trận phải sát dân, phải bám sát cơ sở và tiếp tục phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư để tổ chức các Hội nghị đối thoại, hội nghị tiếp xúc nhằm phát huy hiệu quả việc nắm bắt tình hình nhân dân hơn nữa”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh gợi mở.
Đối với công tác giám sát, phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 217, 218 về hoạt động giám sát, phản biện xã hội và các Nghị quyết, cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp, bởi vậy Mặt trận các cấp cần xác định nội dung, hình thức giám sát, phản biện theo tiêu chí giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân, phải đứng về phía nhân dân để phản ánh. Từ đó theo dõi đến cùng kết quả giám sát; không để hiện tượng né tránh và tạo được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực cấp uỷ cùng cấp đối với hoạt động giám sát của Mặt trận.
“Mỗi cán bộ Mặt trận phải đứng trên lập trường, quan điểm của mình, phải bản lĩnh hơn khi tham gia giám sát; phải phát huy trách nhiệm của mình để khắc phục tồn tại, hạn chế, như vậy mới đáp ứng được niềm tin của Đảng và nhân dân gửi gắm”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh và đề nghị trong quá trình theo dõi, lắng nghe tình hình nhân dân có những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc cần kịp thời kiến nghị với cấp uỷ để đề xuất kịp thời những chương trình giám sát cụ thể.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị các địa phương cần lựa chọn những chương trình ký kết phối hợp để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh, xã hội cho nhân dân trên địa bàn. Trong đó tập trung vào triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phối hợp về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chăm lo và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ...; đồng thời cần có đánh giá hiệu quả của các chương trình phối hợp sau một năm triển khai để từ đó hai bên cùng rút kinh nghiệm và đổi mới nội dung trong những năm tiếp theo.
Hướng tới tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh cần bám sát Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và tham mưu cho cấp ủy ban hành các văn bản để triển khai Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhằm đảm bảo chặt chẽ, đúng hướng dẫn của Mặt trận Trung ương. Trong đó cần kịp thời báo cáo với Ban Thường vụ cấp uỷ về nhân sự trong nhiệm kỳ mới theo tinh thần số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo tính đại diện, tính thiết thực, tính tiêu biểu.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cấp uỷ, chính quyền cùng cấp cần quan tâm, tạo điều kiện để cử nhân sự tham gia Uỷ viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và tạo điều kiện để tổ chức thành công Đại hội MTTQ các cấp để Đại hội thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, từ đó đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế, an sinh xã hội của mỗi địa phương.
Hương Diệp