Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân

(Mặt trận) - Sáng ngày 17/5, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ với chủ đề: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật hoạt động giám sát của nhân dân”. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

 Quang cảnh Hội nghị

Trình bày tóm tắt nội dung đề tài, TS. Nguyễn Quang Minh – Chủ nhiệm đề tài cho biết, trong thời gian qua, nhiều văn kiện của Đảng đã đề cập đến quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) đã khẳng định rõ quan điểm: “Hoạt động của Đảng và Nhà nước phải chịu sự giám sát của Nhân dân” và đề ra nhiệm vụ phải: “Xây dựng Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ” và “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể Nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”…

Với tinh thần này, các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XIII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) và gần đây là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII), Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII) đã từng bước ngày càng làm sâu sắc hơn quan điểm, chủ trương của Đảng về tôn trọng và phát huy quyền giám sát của Nhân dân.

Cùng với đó, thể chế hoá quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đều hiến định quyền giám sát của Nhân dân; đồng thời trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định quyền giám sát của Nhân dân, làm cơ sở pháp lý quan trọng để Nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

TS. Nguyễn Quang Minh – Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt nội dung tại Hội nghị 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật về hoạt động giám sát của nhân dân đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục được quan tâm xây dựng và hoàn thiện, nhất là đối với quy định về hoạt động giám sát trực tiếp của nhân dân, về việc giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên cũng như về quy trình, thủ tục giám sát, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể giám sát,...

Trên cơ sở những vấn đề lý luận, thực tiễn thực hiện của pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân đã được trình bày tại Chương 1 và Chương 2, Chương 3 của đề tài đã luận giải về sự cần thiết, quan điểm và giải pháp xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân. Theo đó, việc sớm khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật hoạt động giám sát của Nhân dân là rất cần thiết nhằm thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước Pháp quyền XHCN; kế thừa, pháp điển hoá những quy định còn phù hợp về giám sát của Nhân dân của pháp luật hiện hành và khắc phục những hạn chế trong hoạt động giám sát của Nhân dân hiện nay.

Việc xây dựng Dự án Luật cần thể hiện được các quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện như: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc các phương diện kiểm soát quyền lực nhà nước để định hướng cho việc xây dựng các dự án luật; Bảo đảm phù hợp với những đặc trưng, yêu cầu của Nhà nước Pháp quyền XHCN; Phải xuất phát từ thực tiễn và bảo đảm tính kế thừa và phát triển trong xây dựng dự án luật; Việc xây dựng dự án Luật phải xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và đề cao được trách nhiệm của từng thiết chế, chủ thể trong việc tổ chức thực hiện quyền giám sát của Nhân dân; Tăng cường vị trí, vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Việc xây dựng dự án Luật phải được coi là yếu tố cơ bản trong việc hiện thực hoá, tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Nhân dân….

Tại Hội nghị, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu cho rằng, việc nghiên cứu Đề tài "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân" là quan trọng và cần thiết. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện về hình thức và nội dung nghiên cứu của Đề tài.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Đề tài khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân" mang tính cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Việc triển khai nghiên cứu Đề tài rất đúng thời điểm, bởi quyền giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Đảng, Nhà nước, mặc dù đã được quy định trong Cương lĩnh chính trị và các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có đạo luật quy định thống nhất cho hoạt động giám sát của nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, việc xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chương trình hành động số 3 Đại hội MTTQ Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019 – 2024 đã đề ra yêu cầu về nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự án Luật về hoạt động giám sát của nhân dân. Từ đó, Đề tài đã được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá phù hợp và cần thiết để nghiên cứu.

Từ những ý kiến đóng góp của nhà khoa học trong Hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần tiếp thu các ý kiến phản biện của Đề tài, rà soát các nội dung, bổ sung đầy đủ, chính xác về từ ngữ, hoàn thiện Đề tài về hình thức và nội dung. Với kết quả nghiên cứu đề tài đã góp phần vào việc đưa ra các cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân thời gian tới.

Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã công nhận Đề tài đạt loại xuất sắc.