Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật hoạt động giám sát của nhân dân

(Mặt trận) - Chiều ngày 24/3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật hoạt động giám sát của nhân dân”. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Ngọc Đường; TS. Nguyễn Quang Minh, Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo 

Triển khai thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu đề xuất xây dựng Dự án Luật về hoạt động giám sát của Nhân dân" đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra trong Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp bộ đặc biệt nghiên cứu về “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng để đề nghị và tham gia với Nhà nước xây dựng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp về phát huy và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, về vai trò chủ thể của Nhân dân trong Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. 

Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân” có ý nghĩa quan trọng, nhằm mục đích làm rõ, làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn, những vấn đề cốt lõi làm cơ sở cho việc đề nghị, xây dựng Dự án Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.

Nêu cao trách nhiệm giám sát thực thi quyền lực nhà nước của nhân dân

GS.TS Nguyễn Minh Đoan, nguyên Trưởng khoa Pháp luật Hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội thảo 

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về những vấn đề lý luận về vai trò và hoạt động giám sát của nhân dân, pháp luật về hoạt động giám sát của nhân dân; tình hình, kết quả và những ưu điểm, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động giám sát của nhân dân, từ đó đề xuất những quan điểm, yêu cầu, giải pháp mới và những nội dung, chế định cơ bản, quan trọng nhất của Dự án Luật Hoạt động giám sát của nhân dân.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Minh Đoan, nguyên Trưởng khoa Pháp luật Hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam thì một trong những giải pháp không thể thiếu và vô cùng quan trọng mang tính quy luật là tăng cường và nâng cao vai trò giám sát nhân dân. Việc này xuất phát từ yêu cầu đề cao chủ quyền Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, năng lực giám sát của Nhân dân ngày càng được củng cố, vấn đề tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước ngày càng phức tạp, hoạt động kiểm soát quyền lực đòi hỏi phải hiệu quả hơn.

"Không chỉ mang tính quy luật nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân ở nước ta hiện nay mà còn mang tính cấp thiết bởi hiệu lực và hiệu quả giám sát của Nhân dân nói riêng, của cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung chưa cao, hiện tượng vi phạm còn xảy ra khá nhiều ở nhiều lĩnh vực khác nhau", ông Đoan nêu ý kiến và cho rằng, để nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thực sự có hiệu quả bằng cả dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp; không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, pháp luật, quản lý cho nhân dân, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cung cấp thông tin đầy đủ, tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra các hoạt động của Nhà nước.

PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 
Nhắc tới nội dung điều chỉnh của Luật Giám sát nhân dân, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam đề cập tới việc nhân dân trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND các cấp) và các đại biểu. Bởi thực thế, triển khai hoạt động giám sát này chính là một bước nhằm đảm bảo để những người đại diện cho nhân dân thực hiện các uỷ nhiệm được giao phó và cử tri có thể yêu cầu thay thế nếu những đại biểu dân cử không còn xứng đáng với sự tín nhiệm.

"Pháp luật cũng đã quy định: đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri. Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có thể bị cử tri bãi nhiệm", PGS.TS Bùi Xuân Đức đề cập và cho rằng bằng những hình thức đó, Nhân dân, cử tri có thể xem xét, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của đại biểu theo quy định của pháp luật. Trường hợp đại biểu có hành vi vi phạm pháp luật, không còn được Nhân dân tín nhiệm thì cử tri có thể thông qua các cơ chế đề nghị miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm.

Đề cập đến hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban thanh tra nhân dân, PGS.TS Bùi Xuân Đức khẳng định, hoạt động giám sát của các ban này ở cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Qua giám sát việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở đã giúp chính quyền địa phương khắc phục những thiếu sót trong công việc quản lý, chấn chỉnh những vấn đề tiêu cực của cán bộ, góp phần xây dựng chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Do đó, Luật Hoạt động giám sát của nhân dân cần pháp điển hóa quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng và chuyển quy định về Ban thanh tra nhân dân từ Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở về Luật này.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, MTTQ Việt Nam có nhiệm vụ giới thiệu các đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đây là nơi Mặt trận thực hiện chức năng giám sát của mình đối với cơ quan dân cử.

“Thông qua UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch và các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam có nhiệm vụ giám sát và phản biện các chủ trương, các dự án luật, các dự thảo nghị quyết của HĐND các địa phương. Việc phát huy tốt chức năng này của MTTQ Việt Nam có cơ sở cho việc hạn chế với tính nhất nguyên trong cơ chế một Đảng lãnh đạo ở Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Đăng Dung kiến nghị.

TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo 

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, Dự án Luật Hoạt động giám sát của nhân dân cần có sự rà soát các luật như Luật Dân sự, Luật MTTQ Việt Nam, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở,... để tránh sự trùng lặp, chồng chéo tại các nội dung về giám sát của nhân dân. Đồng thời, Dự án Luật cần tăng cường sự phối hợp giám sát của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam; chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cấp, các ngành có liên quan đến giám sát của nhân dân để hoạt động có chất lượng và hiệu quả.

“Khi có dự thảo về Luật Hoạt động giám sát của nhân dân, cần tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện luật trước khi trình Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng văn bản pháp luật và tính khả thi của luật được ban hành”, TS. Nguyễn Văn Hùng đề xuất.

Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội thảo

Bàn giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn hoạt động giám sát của nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, trước tiên cần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với sự tham gia ngày càng rộng rãi của nhân dân. Để thực hiện điều này cần xem xét việc sửa đổi, bổ sung những quy định về quyền và trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015. Thực tế Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện phản biện xã hội đói với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Điều 6), tuy nhiên, việc áp dụng luật còn phát sinh nhiều vấn đề, vì thế phải sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong mối quan hệ với các chủ thể khác có tham gia xây dựng quy trình xây dựng pháp luật.

Ông Ngô Sách Thực cũng đề cập tới giải pháp hoàn thiện các qui định để người dân giám sát trực tiếp. Theo đó, cần tập trung vào việc phát huy sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền. Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng công dân kiểm tra, giám sát có thể trực tiếp thực hiện thông qua hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với công dân cùng sinh sống trên địa bàn. Cùng với đó, công dân còn thực hiện giám sát thông qua Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện như đại biểu Quốc hội , đại biểu HĐND, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở. Cùng với đó cần tăng cường điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương, cơ sở.

"Cần nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó thực hiện các cuộc giám sát theo chuyên đề sát với tình hình thực tế địa phương; thực hiện trách nhiệm giải trình của Chủ tịch UBND đối với hoạt động quản lý, điều hành", ông Ngô Sách Thực kiến nghị.

Cần sự đồng bộ trong xây dựng cơ chế pháp lý về hoạt động giám sát của Nhân dân

 Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân ở nước ta ngày càng được hoàn thiện, từng bước mở ra nhiều phương thức, cách thức để Nhân dân thực hiện quyền giám sát, phát huy tính tích cực chính trị, quyền làm chủ của Nhân dân. Đồng thời với hoạt động giám sát của Nhân dân được thực hiện thông qua các đại biểu dân cử tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, thì giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên Mặt trận; giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và giám sát trực tiếp của cá nhân công dân... cũng đã đạt được những kết quả nhất định và ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng, các quy định về hoạt động giám sát của Nhân dân, nhất là về giám sát trực tiếp của cá nhân, cộng đồng, tập thể hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội của Nhân dân còn chung chung, ít khả thi, tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Một số quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận liên quan đến quyền giám sát mới chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật như pháp lệnh, nghị định, chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát của nhân dân chỉ mang tính kiến nghị, không có tính bắt buộc, trong khi thiếu quy định về các biện pháp để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Cơ chế pháp lý về hoạt động giám sát của Nhân dân còn chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa giám sát của Nhân dân với thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng.

Đối với giám sát trực tiếp của công dân, còn thiếu những quy định về thẩm quyền, thủ tục, trình tự thực hiện. Nhất là, đến nay vẫn chưa có một văn bản luật quy định riêng, tập trung về hoạt động giám sát của nhân dân, về các chủ thể, hình thức giám sát, phương pháp giám sát, hiệu quả pháp lý của hoạt động giám sát...

“Do vậy, việc kiểm soát quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị  của phía Nhân dân vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mang tính hình thức và hiệu quả thấp. Những điều này cho thấy rất cần thiết phải sớm khẩn trương, nghiên cứu xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về hoạt động giám sát của Nhân dân, đó là Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo và với tinh thần khách quan, khoa học, trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng tin tưởng những ý kiến của đại biểu sẽ giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện sáng kiến pháp luật, đề nghị xây dựng đạo Luật và làm cơ sở để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền việc xây dựng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.