(Mặt trận) - Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
|
Chủ tịch Lê Quang Đạo trò chuyện với các cháu thiếu nhi |
Tạo bước đột phá cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc lên tầm cao mới.
Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921 tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã sớm giác ngộ và đến với cách mạng từ khi còn rất trẻ. Trên cơ sở tiếp thu truyền thống đạo đức của dân tộc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Quang Đạo đã thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong kháng chiến gian khổ, khốc liệt cũng như trong thời bình, đồng chí vẫn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, trung thực, liêm khiết, gắn bó với nhân dân.
Đồng chí là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân ta, nguyên là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là một trong những vị Chủ tịch Mặt trận tạo bước đột phá cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc lên tầm cao mới. Với 17 năm tham gia công tác Mặt trận, đồng chí đã có những đóng góp to lớn với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Đặc biệt là với trọng trách được phân công, đồng chí có những đóng góp quan trọng trong việc giúp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng Chỉ thị số 17 ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”; Nghị quyết 07, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị “Về Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới”; Xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được thông qua tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa X.
Ngay từ khi còn ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Lê Quang Đạo đã nhiều lần trao đổi về sự cần thiết phải có một nghị quyết chuyên đề của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm cụ thể hóa Cương lĩnh năm 1991 của Đảng và Hiến pháp năm 1992, trong đó thể hiện cho được tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới của cách mạng. Theo đồng chí, trong cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” hiện nay, muốn đổi mới công tác Mặt trận nhất thiết phải đổi mới nhận thức và sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác Mặt trận. Vì đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là xuất phát điểm, là yếu tố quyết định để sự đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận đạt hiệu quả cao.
Đầu năm 1993, khi chuyển sang chuyên trách công tác Mặt trận với cương vị Bí thư Đảng đoàn và Ủy viên Đoàn Chủ tịch, với nhận thức trên, đồng chí đã dành nhiều công sức, tâm huyết và trí tuệ cho công tác Mặt trận và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí đã cùng Đảng đoàn Mặt trận giúp Trung ương Đảng xây dựng và ban hành Nghị quyết số 07, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới”.
Nội dung chủ yếu của Nghị quyết là: phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đại đoàn kết chủ yếu lấy mục tiêu chung đó làm điểm tương đồng, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng tới tương lai, hòa hợp thành một khối thống nhất để xây dựng và bảo vệ đất nước, tất cả vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Nghị quyết đã nêu bật quan điểm: Đảng là người lãnh đạo Mặt trận, vừa là thành viên của Mặt trận; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc thực chất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đồng chí Lê Quang Đạo là người chủ trì và đóng góp rất nhiều công sức, trí tuệ vào việc xây dựng và trình ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo bước ngoặt cho tăng cường đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước. Đây là nghị quyết rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, thể hiện tư duy đổi mới rất sâu sắc của Đảng về công tác Mặt trận trong thời kỳ mới, đã được đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đồng tình hưởng ứng. Đồng thời, Nghị quyết cũng mang tính định hướng cho Quốc hội trong việc xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này.
|
Từ ngày 17 - 19/8/1994, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IV gồm 206 người. Chủ tịch danh dự là ông Nguyễn Hữu Thọ; Chủ tịch khóa IV là ông Lê Quang Đạo. Ảnh: Minh Điền/TTXVN |
Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 8/1994), đồng chí Lê Quang Đạo được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cũng tại Đại hội này, Mặt trận đã kế thừa, mở rộng và phát huy việc xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư lên thành một nội dung quan trọng trong đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận. Nghị quyết đầu tiên của Ủy ban Trung ương Mặt trận khóa IV là phát động một cuộc vận động nhằm thực hiện chủ trương này.
Ngay sau Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo đã dành sự ưu tiên cho việc tìm tòi, suy nghĩ để có được sự chuyển biến mới về phong trào quần chúng trong thời kỳ đổi mới. Đồng chí đã nghe nhiều ý kiến của các cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ, đã đi tìm hiểu phong trào ở nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi đã có những nhân tố mới, có cách làm mới hoặc đang manh nha những ý tưởng mới.
Trong nhiều cuộc họp của Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch, bàn về chủ trương phát động phong trào, hay một cuộc vận động, đồng chí đã gợi mở và khuyến khích những đề xuất mới, tạo không khí thảo luận sôi nổi, các ý kiến khá phong phú, đa dạng, nhiều chiều, kể cả tên phong trào hay cuộc vận động... Tất cả các ý kiến đều được đồng chí lắng nghe và tôn trọng.
Đồng chí nêu lên ý tưởng và tư tưởng chỉ đạo phát động một cuộc vận động mới đó là: trong thời kỳ đổi mới, với chức năng của mình, Mặt trận cần phát động một cuộc vận động chính trị xã hội rộng lớn phù hợp, nhằm quy tụ và thúc đẩy mọi phong trào của các tầng lớp nhân dân của cả nước. Cuộc vận động cần thể hiện tinh thần kết hợp nhuần nhuyễn giữa huy động với bồi dưỡng sức dân như Bác Hồ đã dạy “lấy sức dân mà xây dựng cuộc sống cho dân... nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Cuộc vận động phải mang tính toàn dân, phát huy truyền thống đại đoàn kết, thực hành dân chủ, coi đây là động lực của các phong trào, cũng là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới. Cuộc vận động nên lấy địa bàn khu dân cư là nơi thực hiện, nên lấy hình thức tự quản để phát huy sức dân ở mọi cộng đồng dân cư.
Ý kiến của đồng chí đã được Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch nhất trí cao và sau một thời gian chuẩn bị, các văn bản dự thảo đã được hoàn thành và được Ban Thường trực thông qua với tên gọi “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”.
|
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng (20.12.1994) |
Về phương hướng đổi mới tổ chức hoạt động của Mặt trận, đồng chí Lê Quang Đạo nêu rõ: Một là, phải làm sao cho Mặt trận thật sự tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Hiện nay, từ Trung ương đến địa phương có nhiều trường hợp Mặt trận chưa thực sự tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Ở nhiều cấp chính quyền, nhiều tổ chức đoàn thể, những vị trí chủ chốt đều là đảng viên. Đây là một mặt mạnh của sự lãnh đạo của Đảng và có nhiều đảng viên làm việc rất tốt. Nhưng có nguy cơ Đảng và Nhà nước dần dần tách khỏi nhân dân. Khi tách khỏi quần chúng thì không còn sức mạnh...
Hai là, Mặt trận phải hoạt động thực chất, thiết thực để đem lại hiệu quả ngày càng cao... Muốn hoạt động thực chất thì phải nắm vững nguyên tắc hành động: hiệp thương dân chủ, hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp thống nhất hành động. Trong đó hai nguyên tắc cơ bản nhất là hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động chung... Để thiết thực thì phải tập trung được trí tuệ và phản ánh được những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phải tạo ra được những phong trào hành động chung, phải xây dựng, bảo vệ và đặc biệt là giám sát hoạt động của các tổ chức, nhân viên nhà nước.
Ngay từ năm 1988, đồng chí Lê Quang Đạo đã chú ý đến tổ chức Hội đồng Dân chủ - Pháp luật của Mặt trận. Hội đồng này gồm các giáo sư, chuyên gia luật và một số lĩnh vực khác, những người được đào tạo rất cơ bản. Từ ngày về Mặt trận, mặc dù rất bận công việc, song đồng chí hầu như không bỏ qua một buổi họp nào của Hội đồng Dân chủ - Pháp luật, bàn về các dự luật sắp được đưa ra thông qua. Với vai trò tư vấn pháp luật cho Mặt trận, Hội đồng đã xem xét rất kỹ vấn đề tác động của văn bản luật đến quyền lợi của các tầng lớp nhân dân.
Thấy rõ vai trò, tác dụng của Hội đồng Dân chủ - Pháp luật, sau Đại hội Mặt trận lần thứ IV (năm 1994), đồng chí Lê Quang Đạo đã thống nhất với Đoàn Chủ tịch Mặt trận cho thành lập thêm các hội đồng mới, như: Hội đồng Chính sách kinh tế, Hội đồng Khoa học - Giáo dục, Hội đồng Văn hóa - Xã hội. Ủy viên các hội đồng là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên viên cao cấp, các nhà doanh nghiệp có tên tuổi, các viên chức cao cấp đã nghỉ hưu (làm việc theo chế độ cộng tác viên).
Các hội đồng này thực sự là cơ quan tư vấn có hiệu quả cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những vấn đề có liên quan. Ngoài ra, đồng chí Lê Quang Đạo còn chú ý đến hệ thống cộng tác viên của Mặt trận (viên chức cao cấp của chính quyền cũ, trưởng bản, già làng, chức sắc tôn giáo...), nhờ vậy họ hoạt động rất hăng hái và tận tình, giúp Mặt trận giải quyết những xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương, có những đóng góp thiết thực trong việc xây dựng chính sách thông qua tiếng nói của Mặt trận.
Dành thời gian, tâm sức cho ra đời Luật MTTQ Việt Nam
Trong những năm tháng gắn bó với Mặt trận, Chủ tịch Lê Quang Đạo cũng tham gia đề xuất các ý kiến của Mặt trận đề nghị Quốc hội trong việc tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi các luật, bộ luật. Trong số đó, bộ luật mà đồng chí dành nhiều thời gian, tâm sức nhất là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo đồng chí, trước đây, Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về công tác Mặt trận đã quan trọng, nhưng chưa được cụ thể hóa thành luật, chưa đảm bảo cho vị trí của Mặt trận được khẳng định trong hệ thống chính trị, là chỗ dựa của Đảng và Nhà nước để tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân và đại diện cho tiếng nói của tất cả các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các kiều bào ta ở nước ngoài.
Vì thế, sau khi Quốc hội quyết định đưa Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào chương trình xây dựng pháp luật theo kiến nghị của Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã cùng tập thể Đảng đoàn, Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch tập trung nghiên cứu, chỉ đạo để nhanh chóng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc thành pháp luật, đó là xác định rõ tính chất, vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc với Nhà nước.
Với tư cách là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã dốc sức chỉ đạo và cùng tập thể Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực cho ý kiến để xây dựng dự thảo trong suốt ba năm rưỡi, đến dự thảo lần thứ 17 trước khi trình Quốc hội thông qua. Chính từ sự kiên quyết, kiên trì trong tư tưởng chỉ đạo của đồng chí trong Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và kiên trì thuyết minh, thuyết trình với Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, mà Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 12/6/1999, trong đó toàn bộ những vấn đề cơ bản về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được quy định trong luật.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời là mốc son, là nền tảng pháp lý mở ra một thời kỳ mới để Mặt trận chủ động đổi mới về tổ chức và hoạt động cho các đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này, nâng cao vai trò của Mặt trận trong sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết toàn dân, một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đây là công trình lớn cuối cùng của đồng chí dâng hiến cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân ta trước lúc lâm bệnh và đi xa.
Đồng chí Lê Quang Đạo là tấm gương của nhà lãnh đạo tận tụy và đầy trách nhiệm trước dân, trước Đảng, trước mọi nhiệm vụ, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; là tấm gương khiêm tốn, giản dị, liêm khiết, trung thực, chân thành, ghét thói xu nịnh, cơ hội chủ nghĩa, bè phái; tấm gương nói ít làm nhiều, luôn chí công vô tư và đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết, trước hết.
Đồng chí là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và đặt cơ sở cho việc tiếp tục mở rộng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Phùng Khánh Tài
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam