Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp xúc cử tri huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An

(Mặt trận) - Sáng 6/5, tại xã Thanh Dương, các ĐBQH đoàn Nghệ An tiếp xúc cử tri các xã: Thanh Đồng, Thanh Ngọc, Ngọc Sơn, Xuân Tường, Thanh Dương, Thanh Lương, Thanh Yên, Thanh Khai và thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương) trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 4 ĐBQH đoàn Nghệ An gồm các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.

Quan tâm  nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Tại hội nghị, cử tri các địa phương đã có nhiều ý kiến về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, cử tri phản ánh từ khi có các thủy điện trên thượng nguồn sông Lam, mực nước thất thường, không theo quy luật từ xưa đến nay làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của nhân dân.

Biểu hiện là đến mùa mưa lụt, nước sông lên nhanh làm một số địa phương bị ngập lụt nhanh; hay khi các thủy điện không xả nước, mực nước xuống thấp làm các trạm bơm phải nối vòi, thậm chí một số trạm bơm còn không nối được vòi vì mực nước xuống quá thấp.

Do đó, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Phương Phú - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương cũng như nhiều cử tri đề nghị khảo sát lại hệ lụy do xây dựng thủy điện để có giải pháp lâu dài.

 
Cử tri phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy

Các ý kiến khác của cử tri cũng đề nghị Quốc hội có ý kiến kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng lịch hoạt động thủy điện phù hợp, hài hòa các mục đích vừa chống lụt, chống hạn và đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Cử tri Nguyễn Phương Phú đồng thời đề nghị Quốc hội vào cuộc giám sát tối cao về vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: phân bón, thức ăn chăn nuôi… để đảm bảo chất lượng, giá cả đầu vào hợp lý; cũng như có các biện pháp để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Nhiều cử tri, trong đó có ông Nguyễn Thúc Nhạc, xã Ngọc Sơn nêu thực trạng cơ sở vật chất nhiều trường, lớp học vừa thiếu, vừa xuống cấp. Tuy nhiên, ngân sách hàng năm được phân bổ ít, trong khi đó lại miễn thu tiền đóng góp xây dựng từ học sinh, đóng góp xã hội hóa cũng không được nhiều; do đó cử tri này đề nghị có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Cũng tại hội nghị, cử tri huyện Thanh Chương phản ánh, hàng năm thường xuyên xảy ra lũ lụt gây hư hỏng, thiệt hại không nhỏ cho các công trình dân sinh, đê điều (đợt lũ lụt năm 2022 thiệt hại tài sản nhân dân trên 100 tỷ đồng), để khắc phục cần nguồn lực rất lớn. Trong khi nguồn lực huy động đóng góp trong nhân dân và địa phương có hạn, cử tri đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ khắc phục các công trình dân sinh, đê điều.

Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị hỗ trợ kinh phí, khoa học kỹ thuật nghiên cứu phục tráng bộ giống để bảo tồn giống, nhân giống khôi phục sản xuất, tạo thương hiệu sản phẩm; quan tâm sản xuất, cung ứng các loại giống trồng rừng gỗ lớn phục vụ sản xuất để thay thế cây keo.

Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị một số nội dung khác như: tăng chế độ cho cán bộ khối, xóm; việc bố trí cán bộ để bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã trao đổi một số nội dung cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền của huyện; đồng thời kiến nghị với các đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng bố trí nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng xây dựng cầu thay thế cầu treo qua sông Giăng trên Quốc lộ 46C, nối xã Thanh Liên với xã Phong Thịnh hiện đã xuống cấp. Đây là cầu treo duy nhất trên Quốc lộ tại tỉnh Nghệ An.

Dự kiến sắp xếp, bố trí khoảng 1.600 cán bộ, công chức cấp xã khi sáp nhập xã giai đoạn 2

Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu, trao đổi thêm một số thông tin đến cử tri. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ĐBQH đoàn Nghệ An thông tin đến cử tri một số kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua; cũng như những điểm mới, nổi bật trong các hoạt động của Quốc hội, Chính phủ; hiệu quả công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; vị thế ngày càng cao của nước ta trên trường quốc tế...

Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: Dân chủ trong xã hội, đồng thuận của Nhân dân trước những việc khó, việc mới, những khó khăn của đất nước; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống văn hóa tốt đẹp; trí thông minh, sáng tạo của người Việt Nam được phát huy mạnh mẽ, qua đó đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ nghiên cứu để kiến nghị với Đảng, Nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh công nghiệp khó khăn, để ổn định đời sống nông dân và cư dân nông thôn, trong đó có bộ phận những người thất nghiệp ở các khu công nghiệp trở về khu vực nông thôn.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trả lời các kiến nghị của cử tri. Ảnh: Thành Duy 

Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý thông tin một số kết quả nổi bật của tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội trong thời gian qua; đồng thời trả lời các kiến nghị của cử tri.

Trong đó, về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức, bổ sung cấp ủy, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Thái Thanh Quý cho biết: Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 88 xã thuộc diện phải sáp nhập, tính thêm các xã liên quan thì dự kiến tổng số 111 xã thuộc diện sáp nhập vào giai đoạn 2. Tương ứng, có khoảng 1.600 cán bộ, công chức phải sắp xếp trong thời gian tới.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy rất mong cấp huyện, xã ủng hộ việc tạm dừng để giải quyết căn cơ bài toán sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức khi sáp nhập cấp xã giai đoạn 2 trên toàn quốc trong thời gian tới theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Đối với các kiến nghị về đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt là cầu qua sông Giăng và cầu Phuống, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, huyện nên lựa chọn để đề xuất với tỉnh, có thể trong giai đoạn đầu tư công tới đây, để tập trung nguồn lực của tỉnh, huyện thực hiện các công trình trọng điểm, đồng thời nghiên cứu cơ chế về đất đai để có thêm nguồn lực đầu tư trên địa bàn. Quan điểm là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Lãnh đạo Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trao tài trợ 5 tỷ đồng cho huyện Thanh Chương để xây dựng trường mầm non. Ảnh: Thành Duy 

Dịp này, dưới sự chứng kiến của đồng chí Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, lãnh đạo Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trao tài trợ 5 tỷ đồng cho huyện Thanh Chương để xây dựng trường mầm non.