Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam là người dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Sáng ngày 2/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp là người dân tộc thiểu số (DTTS). Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. 

Hội nghị có sự tham dự của bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng gần 5.000 đại biểu tại 68 điểm cầu trực tuyến các tỉnh, thành phố, quận, huyện trên cả nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe phổ biến các chuyên đề gồm những điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về công tác dân tộc, phổ biến, quán triệt Chương trình hành động số 06/CTr-MTTW-UB ngày 30/6/2021; một số nội dung công tác dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới và phổ biến, quán triệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Quang cảnh Hội nghị 

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào

Trình bày một số nội dung công tác dân tộc của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, ông Vũ Đăng Minh, Trưởng ban Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi phải tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hoá, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Theo ông Vũ Đăng Minh, để thực hiện tốt công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, cán bộ Mặt trận cần nói phải đi đôi với làm; phải tạo được mô hình tiên tiến ở từng vùng, từng dân tộc để đồng bào tin và làm theo; khi giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số phải thể hiện đầy đủ sự bình đẳng và quý trọng đối với đồng bào.

Ông Vũ Đăng Minh, Trưởng ban Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày nội dung chuyên đề tại Hội nghị

Cùng với đó, cán bộ, đảng viên làm công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải nêu cao đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; Chú ý tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để kịp thời giải quyết những vấn đề đồng bào đặt ra hoặc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đồng thời cụ thể hoá chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thành các chương trình, dự án, nhất là các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cơ sở. Trên một địa bàn cần phối hợp, lồng ghép hợp lý các chương trình, dự án, kế hoạch để có thể sử dụng và phát huy tốt các nguồn lực, nhất là nguồn vốn dành để xoá đói, giảm nghèo…

Nhắc tới một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân tộc từ nay đến hết năm 2021 và năm 2022 là tham gia phòng, chống dịch Covid-19, theo ông Vũ Đăng Minh, để làm tốt nhiệm vụ đề ra, MTTQ Việt Nam các cấp cần phát huy đúng chức năng, vai trò trong tăng cường công tác giám sát đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi kinh tế, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các người dân, người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền vận động thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX về “Đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống khắc phục tác động của đại dịch Covid-19” góp phần thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với Mặt trận các tỉnh có đường biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia cần tiếp tục phối hợp với Bộ đội Biên phòng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, gắn với việc bảo vệ chủ quyền biên giới và an ninh quốc gia, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Tham gia vào công tác đối ngoại nhân dân góp phần tạo ra cuộc sống bình yên, phát triển trong các khu dân cư trên dọc tuyến biên giới Việt - Lào, Việt - Trung, Việt – Campuchia, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, vì sự phát triển của mỗi quốc gia…

Mục tiêu cụ thể và 10 dự án trọng tâm để nâng cao đời sống của bà con

 Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang

Phổ biến, quán triệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030, ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG, Ủy ban Dân tộc cho biết, mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước…

Theo ông Hà Việt Quân, Chương trình đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch;…

Để đạt được những mục tiêu này, ông Hà Việt Quân cho biết, Chương trình đưa ra một số mục tiêu cụ thể và 10 dự án trọng tâm với dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 137.664,959 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 104.954,011 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 10.016,721 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách 19.727,020 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 2.967,207 tỷ đồng.

 Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang

Tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng đã chủ trương chú trọng đến tính đặc thù của từng vùng có đông đồng bào DTTS trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Đây được xem là điểm mới có ý nghĩa hết sức quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng nhằm đảm bảo phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng cũng như từng dân tộc.

Điểm mới này không chỉ giúp cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS mà còn khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, bởi từng vùng hay mỗi dân tộc đều có những đặc điểm khác nhau, nhất là các đặc điểm về bản sắc văn hoá truyền thống, góp phần giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung.

Để thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc trong văn kiện Đại hội XIII, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần quyết tâm thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc; tiến hành triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu hẹp dần khoảng cách về mức sống của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước.

Cùng với đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá và tập quán của các dân tộc; kiên quyết xoá bỏ các hủ tục lạc hậu và sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt cần chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người DTTS, kết hợp đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ người DTTS trong thời kỳ mới theo quy định; đồng thời có chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS, nhất là nhóm DTTS rất ít người, nhóm DTTS còn nhiều khó khăn; Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ người DTTS, có cơ chế, chính sách biểu dương, tôn vinh những người có uy tín, già làng, trưởng bản có nhiều đóng góp cho công tác dân tộc.

“Cần đẩy mạnh công tác phối hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở vùng dân tộc và miền núi vững chắc, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời, không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các địa bàn chiến lược xung yếu như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây duyên hải miền Trung”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Từ những nội dung được đề cập tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị đại biểu tham dự cần tiếp thu và cập nhật đầy đủ thông tin để từ đó phát huy hiệu quả vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam là người dân tộc thiểu số trong tuyên truyền, vận động bà con nhằm góp phần chăm lo tốt hơn nữa đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.