9 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm 2022

(Mặt trận) - Ngày 8/8, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba, Khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đã nhấn mạnh về 9 nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trân trong 6 tháng cuối năm 2022.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo Kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2022, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2022, bối cảnh, tình hình đất nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là những khó khăn chung toàn cầu do các hệ lụy và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, giá cả nguyên liệu đầu vào và lạm phát tăng cao. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, tình hình hình kinh tế - xã hội đất nước có nhiều khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Hệ thống Mặt trận đã chủ động tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2022 đề ra.

Theo đó, cấp trung ương đã triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp để thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ theo hướng trọng tâm, trọng điểm, coi trọng thực chất, hiệu quả, sáng tạo, linh hoạt và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Các hoạt động, hội thảo, hội nghị, khảo sát và hoạt động giám sát được triển khai tới nhiều địa phương. Chú trọng quan tâm, thúc đẩy các nội dung công tác liên quan đến vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trong tình hình mới.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Tham gia đề xuất những giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại, bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa, đầu tư công; kế hoạch, lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế, nhất là trong thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách ưu đãi với người có công, … góp phần tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị, được các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Đại biểu tham dự Hội nghị 

Về nhiệm vụ công tác MTTQ các cấp trong 6 tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, đất nước ta tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng hành của người dân. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2022 và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, cụ thể như sau.

Thứ nhất: Hệ thống MTTQ Việt Nam tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII. Cấp Trung ương, tập trung triển khai xây dựng các nội dung, đề án thuộc thẩm quyền và theo sự phân công, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ hai: Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước và MTTQ Việt Nam. Tổng kết và tổ chức Lễ trao Giải báo chí "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc" lần thứ XV, năm 2021-2022. Xây dựng kế hoạch và tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11).

Thứ ba: Chủ động và nâng cao chất lượng nắm bắt, tổng hợp tình hình nhân dân, ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước. Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong nhân dân. Tập hợp, tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để trình bày tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV.

Thứ tư: Triển khai công tác giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các Nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức Đoàn Chủ tịch tiếp xúc, vận động các tầng lớp nhân dân vùng dân tộc thiểu số; tiếp xúc đối thoại với lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Hội thánh Cao Đài.

 Quang cảnh Hội nghị

Thứ năm: Đổi mới hình thức vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. Tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”. Tập trung tổ chức tốt các hoạt động Tháng cao điểm Vì người nghèo; cấp Trung ương tổ chức chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”.

Thứ sáu: Tập trung hoàn thành các nội dung giám sát và phản biện xã hội theo kế hoạch năm 2022 ở mỗi cấp; cấp Trung ương tiếp tục phối hợp trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ bảy: Tổ chức tốt hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong điều kiện, bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát. Ban hành và triển khai Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại Nhân dân trong tình hình mới; ban hành Kết luận về công tác người Việt Nam ở nước ngoài của Mặt trận trong tình hình mới.

Thứ tám: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, điều kiện bảo đảm đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam. Cấp Trung ương, hoàn thiện Đề án về “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy Cơ quan UBTW MTTQ Việt Nam” trình Bộ Chính trị trong tháng 11/2022; trình Chính phủ, Đoàn Chủ tịch ký ban hành Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam. Tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận cấp xã, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư giai đoạn 2017 - 2022.

Thứ chín: Xây dựng nội dung để chuẩn bị tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Cấp Trung ương, xây dựng Đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X; trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.