5 điểm nhấn nổi bật trong công tác Mặt trận năm 2021

(Mặt trận) - Ngày 27/12, Hội nghị lần thứ 11, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (khoá IX) sẽ chính thức khai mạc. Hội nghị nhằm cho ý kiến góp ý vào Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2021 và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2022; cho ý kiến vào nội dung các báo cáo chuyên đề liên quan trước khi trình ra Hội nghị lần thứ 6 UBTƯ MTTQ Việt Nam tới đây. Trước thềm Hội nghị quan trọng này, Ban Biên tập trân trọng điểm lại những dấu ấn nổi bật trong công tác Mặt trận trong năm qua.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Năm 2021 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 nhưng kế thừa, phát huy các kinh nghiệm, kết quả đạt được của năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp và thống nhất hành động theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó đem lại hiệu quả thiết thực, làm nên 5 điểm nhấn nổi bật trong công tác Mặt trận năm 2021.

Triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Điểm nhấn thứ nhất phải kể đến là việc triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo đó, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã chủ động sớm ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngày 16/8/2021, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đây là Hội nghị mang tính lịch sử, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội và tiếp tục góp phần nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên. Hội nghị đã vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, tâm huyết, toàn diện; nhấn mạnh và làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sứ mệnh cao cả của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại Hội nghị 

Đến ngày 30/11/2021, 100%  Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố; 23/48 tổ chức thành viên đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, trước, trong và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức tuyên truyền; nắm tình hình nhân dân; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng thành công của Đại hội. Tại Đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày tham luận với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV 
Đại biểu biểu quyết tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam 

Điểm nhấn thứ hai là hệ thống MTTQ Việt Nam đã nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tích cực tham gia và góp phần quan trọng vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021- 2026.

Kết quả công tác bầu cử nổi bật 6 nhóm công việc đó là: Tham gia xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quan trọng, phối hợp cùng với cơ quan nhà nước các cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; Chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử; Chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri; Chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử; Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử; Giám sát bầu cử tại các địa phương: trong đó cấp tỉnh đã chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát với tổng số 480 cuộc, tham gia phối hợp 845 cuộc; cấp huyện đã chủ trì tổ chức 2.764 cuộc, tham gia phối hợp 4.269 cuộc; cấp xã đã chủ trì tổ chức 18.490 cuộc, tham gia phối hợp 23.696 cuộc.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến kiểm tra, giám sát niêm yết danh sách đại biểu tại phường Vĩnh Thanh Vân, tỉnh Kiên Giang 

Thông qua cuộc bầu cử đã thể hiện vai trò của MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, huy động sự đồng lòng, chung sức và sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh, tuy gặp rất nhiều khó khăn, thách thức phát sinh song Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tham gia tổ chức bầu cử thành công, được dư luận trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao bởi Ngày bầu cử thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân, với số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất từ trước tới nay đạt tỉ lệ 99,6% tổng số cử tri cả nước, với 499 đại biểu Quốc hội trúng cử.

 
Các đồng chí trong Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam bỏ phiếu bầu cử tại khu dân cư 

Khẳng định vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Điểm nhấn tiếp theo phải kể đến là vai trò nòng cốt của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương trong vận động, tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy mạnh mẽ truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; tích cực hưởng ứng và thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đợt thi đua đặc biệt do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động; tập trung thực hiện "mục tiêu kép", đảm bảo an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ và Nghị quyết 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 03/7/2020 của Đoàn Chủ tịch về đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục hậu quả của đại dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch   

UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kịp thời ban hành 95 văn bản hướng dẫn, quán triệt các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức Hội nghị trực tuyến, chú trọng hướng dẫn, vận động các tổ chức tôn giáo trong phòng, chống dịch... Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban Vận động và Huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ động, kịp thời, linh hoạt trong việc chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động, các chương trình có ý nghĩa thiết thực, điển hình như: Tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Phối hợp triển khai thành lập và ra mắt “Quỹ vắc -xin phòng dịch Covid-19”; Triển khai Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”; Lễ phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và triển khai Chương trình “Vắc-xin cho công nhân”; Chương trình gặp mặt cán bộ y tế các bệnh viện Trung ương tăng cường các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình "Triệu phần quà Đại Đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19"; Hội nghị trực tuyến với Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố về tiếp tục đợt vận động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19” và nhiều hoạt động có ý nghĩa.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch 
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao phân bổ số tiền 1.016 tỷ đồng tới Quỹ vắc xin phòng Covid-19 

Như vậy tính từ ngày 1/5/2021 đến nay, tổng số kinh phí và hiện vật vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 lên tới trên 21.970,5 tỷ đồng. Trong đó, thông qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 13.170 tỷ đồng; qua Quỹ Vắc xin là 8.800,5 tỷ đồng. Từ số kinh phí và hiện vật vận động được đã phân bổ, hỗ trợ và chi mua vắc xin phòng Covid-19 số tiền 19.365,8 tỷ đồng; đã phân bổ 3.998.177 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh và hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch,… với trị giá là 11.694,3 tỷ đồng; Quỹ Vắc xin đã chi 7.671,5 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao quà cho các y, bác sỹ đại diện cho gần 3.000 nhân viên y tế chuẩn bị lên đường tăng cường lực lượng phòng, chống dịch Covid - 19 cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam 

Đặc biệt, ngày 19/11/2021, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19. Lễ tưởng niệm đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về tình nhân ái trong cộng đồng, thể hiện sự chia sẻ sâu sắc và động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân có người tử vong, hy sinh vì dịch. Từ đó tiếp tục động viên tinh thần lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch; phát huy tinh thần đại đoàn kết, ý chí của cả dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, trong đại dịch Covid-19.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến có bài phát biểu xúc động tại Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19  
 
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam dâng hương, dâng hoa, thắp nến tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.

Những kết quả đó là minh chứng sống động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cũng phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 phù hợp với tình hình ở địa phương. Qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã kịp thời nắm bắt được thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở trung ương, địa phương, cấp uỷ, chính quyền. Nhìn chung, công tác giám sát của hệ thống Mặt trận đã góp phần bảo đảm sự công khai, minh bạch, đúng đối tượng và thúc đẩy việc thực hiện chính sách kịp thời, đến được với người dân.

Sức lan tỏa của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bà con thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa bàn dân cư được tổ chức trong dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa giữ được không khí đoàn kết, vui tươi của Ngày hội. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống Mặt trận dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp của các cấp chính quyền để tiếp tục tăng cường đồng thuận xã hội, tập hợp, gắn bó các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)  
 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư Pác Bó, Nặm Lìn, Nà Lẹng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Trong Ngày hội, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cùng 15 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 29 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Trưởng, phó các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đều dành thời gian dự ngày hội tại 70 khu dân cư của 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với Ngày hội của toàn dân. Cùng với đó, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tham dự tại các khu dân cư để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và thể hiện sự quan tâm, thăm hỏi, chia sẻ, động viên nhân dân vượt qua khó khăn trong đại dịch..

Do thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 nên năm nay, tỷ lệ khu dân cư tổ chức giảm so với năm 2020, nhiều khu dân cư chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Trong đó có 73.900 khu dân cư tổ chức Ngày hội, chiếm tỷ lệ 67,2%; giảm 25,3% so với năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn xóm Quyết Tâm, xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên trong Ngày hội đại đoàn kết  

Nhiều địa phương gắn việc tổ chức Ngày hội với trao nhà Đại đoàn kết, tặng quà hộ nghèo, gia đình khó khăn do dịch bệnh Covid-19, phát triển quỹ khuyến học, vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với hơn 26.400 phần quà được trao tặng cho các gia đình tiêu biểu, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; 11.562 Nhà đại đoàn kết được khánh thành và trao tặng trong dịp Ngày hội. 

Vận động nhân dân triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động

Điểm nhấn thứ năm phải kể đến là UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị có tính chất, quy mô, ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội tạo động lực, sức lan toả mạnh mẽ; đặc biệt các hoạt động chăm lo cho người nghèo, các hoạt động cứu trợ, chăm lo gia đình chính sách, các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao hỗ trợ số tiền 2,5 tỷ đồng để xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đến ngày 30/11/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 4.467 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được 1.146 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội 3.321 tỷ đồng.

Quỹ vì người nghèo Trung ương đã phân bổ số tiền trên 48 tỷ đồng đến các địa phương để hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết, thăm và tặng quà tết cho hộ nghèo. Ở địa phương, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa 32.654 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo về sinh kế, khám, chữa bệnh, học tập...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao quà cho các gia đình chính sách, gia đình người có công, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu trao quà cho hộ gia đình khó khăn tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN  

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Đến ngày 30/11/2021, Quỹ cứu trợ tiếp nhận 47 tỷ đồng; đã phân bổ trên 02 tỷ đồng cho địa phương bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, sự cố nghiêm trọng.

Đồng thời tích cực vận động nhân dân đồng lòng, chung sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Như vậy tính đến tháng 11/2021, toàn quốc có 13 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhân đạt chuẩn NTM; có 211 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; trong đó, có 5.392 xã (65,49%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 490 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 43 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nhiều tổ chức thành viên hưởng ứng Cuộc vận động thông qua việc triển khai các Phong trào thi đua, cuộc vận động, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, từ đó góp phần quan trọng hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, khơi dậy và tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, cùng với lòng yêu nước, quyết tâm chính trị để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chung của đất nước, dân tộc.