Vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình

(Mặt trận) - Thái Bình là tỉnh nông nghiệp với gần 90% dân số và hơn 70% số lao động ở nông thôn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; có 285 xã, phường, thị trấn, 322 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 106 hợp tác xã dịch vụ điện năng, 2.889 trang trại.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Thái Bình đã tích cực huy động các nguồn lực và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: “Tính đến cuối năm 2015, Thái Bình có 135 xã (51,1%) đạt chuẩn nông thôn mới; 129 xã đạt từ 13 - 18 tiêu chí. Mục tiêu của Thái Bình đang đặt ra là phấn đấu đến năm 2020, Thái Bình cơ bản trở thành tỉnh có nền nông nghiệp, công nghiệp hiện đại”1.

  Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình trao quà Tết cho người nghèo. (Ảnh: Lương Thể Lộc)

Để đạt được những thành tựu đáng ghi nhận đó, hệ thống chính trị cơ sở ở Thái Bình, trong đó có Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở đã phát huy được vai trò của mình trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thứ nhất, tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Thái Bình, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... đã tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều hình thức tuyên truyền đã được vận dụng linh hoạt và sáng tạo như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hội họp. Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, các tổ chức Mặt trận cơ sở ở Thái Bình đều thành lập các Ban Công tác Mặt trận tại các thôn xóm; kết hợp vói Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cơ sở tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên của mình trực tiếp hoặc qua các tờ rơi nhằm giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc các xã đã phối hợp với cán bộ cấp ủy Đảng, chính quyền hướng dẫn việc thành lập Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân ở các xã; đào tạo, tập huấn cho nhân dân về xây dựng nông thôn mới; tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở xã thấy được tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong việc chung tay cùng xây dựng quê hương đổi mới. Nhờ đó, nhân dân đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của thôn như điện thắp sáng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trạm điện..., tạo ra khí thế thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2016), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động trên quy mô toàn quốc Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Để thực hiện Cuộc vận động này, tại khu vực nông thôn, trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã căn cứ tình hình thực tế của địa phương, lựa chọn các tiêu chí phù hợp, cụ thể hóa thành các nội dung để vận động nhân dân tham gia thực hiện. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, vận động nhân dân tiếp tục phát huy kết quả, tích cực tham gia các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã chưa đạt chuẩn, Mặt trận Tổ quốc hiệp thương vói các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát huy tính sáng tạo, tích cực đóng góp sức người, sức của góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở ở Thái Bình tích cực vận động quần chúng nhân dân đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với tinh thần “Cả tỉnh chung tay xây dựng nông thôn mới”. Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ nhiều xã đã nêu gương những hội viên, đoàn viên làm kinh tế giỏi; tổ chức tham quan để học tập kinh nghiệm; vận động các hội viên, đoàn viên dạy nghề, tiếp nhận những người không có việc làm, hoàn cảnh khó khăn.

Các hội viên của Hội Cựu chiến binh đã tận dụng uy tín, kinh nghiệm của mình trong việc vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa văn minh; Đoàn Thanh niên vận động các thanh thiếu niên tích cực học tập, lao động sản xuất, có lối sống lành mạnh, tích cực; Hội Phụ nữ phát động phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, sinh đẻ có kế hoạch. Nhờ đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về đời sống văn hóa mới ngày càng được nâng lên rõ rệt, đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện. Điều đó góp phần từng bước thực hiện những tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế… trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở ở Thái Bình tích cực giám sát quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Mặt trận Tổ quốc các xã đã phối hợp với cấp ủy Đảng hướng dẫn việc thành lập Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân ở các xã; đào tạo, tập huấn cho cán bộ Mặt trận cấp cơ sở về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở ở nhiều địa phương của Thái Bình đã kịp thời phát hiện ra những sai phạm, thiếu sót trong quá trình huy động vốn, sử dụng vốn và quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Một trong những bài học kinh nghiệm mà tỉnh Thái Bình rút ra sau 3 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới là: “Sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Thái Bình đã phát huy được vai trò của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá cho những thành công bước đầu của tỉnh”2. Để phát huy tối đa sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, mỗi tổ chức thành viên đều được giao những nhiệm vụ cụ thể, phụ trách từng lĩnh vực để thực hiện các tiêu chí đề ra như: Hội Phụ nữ tập trung vận động thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, vấn đề môi trường; Đoàn Thanh niên vận động thực hiện phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, đời sống, việc làm; Hội Cựu chiến binh vận động thực hiện trồng cây xanh, an ninh trật tự, an toàn xã hội; Hội Nông dân vận động phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cơ cấu lao động của địa phương. Các hội cũng đồng thời thực hiện giám sát những nhiệm vụ mà mình được phân công. Nhờ đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Thái Bình đã phát huy khá tốt vai trò của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình, trong thời gian tới, cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội về vai trò của tổ chức mình trong xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình, mỗi cán bộ cần nhận biết rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội về vai trò của tổ chức mình trong xây dựng nông thôn mới cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống, để nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ. Giáo dục cán bộ Mặt trận và cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới; phát hiện, bồi dưỡng những cán bộ cấp cơ sở có kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhiệt tình, có trách nhiệm với quê hương để nhân điển hình, nêu gương cho quần chúng noi theo. Tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ với những nội dung tập huấn chú trọng về tổng quan Chương trình xây dựng nông thôn mới; các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nông thôn mới; kỹ năng chuyển tải bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với đặc điểm của mỗi địa phương; cách lồng ghép nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Chương trình...

Hai là, cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới cho các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ Mặt trận và cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở cần ý thức rõ về vai trò của công tác tuyên truyền trong việc vận động quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên. Hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng. Thông qua hoạt động tuyên truyền kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như những vấn đề nhân dân chưa thông suốt trong việc thực hiện chủ trương này. Mục đích cuối cùng của công tác tuyên truyền là tạo sự đồng thuận trong nhân dân về nhận thức để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần căn cứ vào tình hình, đặc điểm của dân cư ở địa phương, tùy từng lứa tuổi, giới tính, trình độ của nhân dân để có các hình thức tuyên truyền cho phù hợp. Nội dung tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới cần hết sức cụ thể, chi tiết để nhân dân dễ nắm bắt. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần chủ động, tích cực liên kết với nhau để công tác tuyên truyền có hiệu quả hơn.

Ba là, chú trọng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở trong xây dựng nông thôn mới.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng, vấn đề thu chi tài chính, đền bù giải phóng mặt bằng, sự đóng góp của nhân dân, bảo đảm công khai minh bạch. Coi trọng việc giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, phát hiện những sai sót để chấn chỉnh kịp thời. Kiện toàn lại Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo hướng chú trọng năng lực của các thành viên.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tích cực phối hợp thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới các cấp và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tích cực vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo hướng thực chất, cụ thể như xây dựng các danh hiệu nông thôn, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, chăm lo gia đình chính sách. Cần được xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài nhằm phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Kết hợp hài hòa giữa xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế với xã hội, phát triển sản xuất với việc chăm lo đòi sống văn hóa tinh thần, thực hiện tốt các chính sách xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, khai thác và phát huy những truyền thống văn hóa, phong tục tốt đẹp của nhân dân trên địa bàn.

Năm là, thường xuyên sơ kết, tổng kết, kịp thời điều chỉnh các vấn đề liên quan nhằm phát huy cao nhất vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở trong xây dựng nông thôn mới.

Vào dịp sơ kết 6 tháng, tổng kết năm, cùng với sơ kết, tổng kết công tác Mặt trận nói chung, cần sơ kết, tổng kết việc Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới, rút kinh nghiệm các xã làm điểm, làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc phối hợp với chính quyền, đoàn thể chỉ đạo thực hiện những vấn đề trọng tâm, như xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề huy động và sử dụng vốn xây dựng... Mỗi vấn đề đều đánh giá làm rõ kết quả, rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch thực hiện các bước tiếp theo. Đây là một trong những hoạt động cần thiết nhằm tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

ThS. Đào Thu Huyền

Trường Đại học Công đoàn

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1), (2) Nguyễn Hồng Chương (2016), “Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình”, Tạp chí Tuyên giáo, số 7, tr. 21, 23.