Thực hành dân chủ trong hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

(Mặt trận) - Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn xác định việc thực hành dân chủ ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể; gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Từ đó, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong đời sống xã hội, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên

Bình Phước: Đại hội điểm MTTQ Việt Nam huyện Phú Riềng, nhiệm kỳ 2024-2029

Tuyên Quang: Gặp mặt Chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm công nhân, người lao động đang sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang_Ảnh: TTXVN 

Dân chủ ở cơ sở là hình thức dân chủ trực tiếp, cùng với dân chủ đại diện hợp thành tổng thể nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của nước ta. Thực hiện dân chủ ở cơ sở bao hàm rất nhiều nội dung và bằng nhiều hình thức, trong đó thể hiện tập trung nhất ở việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực chất của việc thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là phát huy vai trò chủ thể của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đạt được những kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực; diện mạo từ nông thôn đến đô thị có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 đạt 19,3%, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô GRDP lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 13 cả nước và đứng đầu trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.400 USD. Tiềm lực kinh tế được tăng cường; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững. Thu hút đầu tư, thu ngân sách, kim ngạch xuất, nhập khẩu đều tăng cao. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng; đời sống của nhân dân nhiều mặt được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực. Đảng bộ tỉnh Bắc Giang luôn đoàn kết, thống nhất, có sự quyết tâm và khát vọng đổi mới, phát triển. Các phong trào thi đua yêu nước được phát động và tổ chức thực hiện rộng khắp, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, lòng tin của nhân dân, mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc... Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành quả đó chính là kết quả thực hành dân chủ trong hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Xác định thực hành dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Trên tinh thần “phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân” mà Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10-8-2021, “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và chính quyền nhiều cấp ban hành nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định(1)... để tổ chức thực hiện. Các văn bản này đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là chìa khóa vạn năng trong giải quyết các vướng mắc, thách thức đặt ra; xác định rõ vị trí chủ thể, trung tâm của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phát triển của địa phương.

Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái gặp gỡ, trò chuyện với người cao tuổi thôn Bẩy, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang_Nguồn: baobacgiang.com.vn 

Hiện nay, toàn tỉnh có 209 đơn vị hành chính cấp xã (182 xã, 10 phường và 17 thị trấn); 2.128 thôn, tổ dân phố. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các xã, phường, thị trấn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Nhằm phát huy hiệu quả và tính thống nhất về tổ chức và hoạt động các ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong toàn tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức, hoạt động và triển khai các nghiệp vụ chuyên môn về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở(2). Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thành lập 3 tiểu ban chuyên môn, giúp việc; phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng thời là trưởng các tiểu ban chuyên môn.

Cùng với đó, Tiểu ban chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn tham mưu ban hành Bộ Quy chế mẫu trong hoạt động của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo thành lập đồng bộ ban chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cấp xã trong toàn tỉnh, trong đó, trưởng ban chỉ đạo là đồng chí bí thư đảng ủy, phó trưởng ban chỉ đạo là phó bí thư thường trực đảng ủy và phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn... Tỉnh chỉ đạo đưa hoạt động của chuyên trang Quy chế dân chủ tỉnh dần đi vào nền nếp. Bước đầu triển khai Hệ thống quản lý thông tin Quy chế dân chủ có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; biên soạn, cấp phát miễn phí cuốn Sổ tay Quy chế dân chủ ở cơ sở và phát hành cuốn Sổ tay hòa giải ở cơ sở.

Thông qua đó, 100% đảng ủy xã, phường, thị trấn đã thành lập và thường xuyên rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; ban hành quy định cụ thể về những nội dung công khai để nhân dân biết, những nội dung nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp, những nội dung nhân dân tham gia ý kiến và những nội dung nhân dân giám sát, kiểm tra, phù hợp với tình hình của địa phương, cơ sở. Triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các phong trào, cuộc vận động, như “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”(3),... Thực hiện nghiêm việc công khai chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp đến nhân dân, thông qua hệ thống loa truyền thanh, các cuộc họp thôn, tổ dân phố, thông báo tại kỳ họp hội đồng nhân dân và niêm yết tại trụ sở. Qua đó, góp phần tạo đồng thuận và huy động được các nguồn lực của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; giải phóng mặt bằng, triển khai dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát nhiều nội dung người dân quan tâm, bức xúc, như việc quản lý thu, chi các loại quỹ đóng góp của nhân dân, vấn đề vệ sinh môi trường... Từ năm 2021 đến nay, ban thanh tra nhân dân giám sát được 4.490 cuộc, ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 1.699 dự án; qua giám sát đã phát hiện 40 vụ việc sai phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, kịp thời ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng. Qua đó, góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin trong nhân dân.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở tỉnh Bắc Giang từng bước đi vào nền nếp; các hoạt động trong cơ quan, đơn vị được thực hiện công khai, minh bạch. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cơ bản thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; lắng nghe và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định trong cơ quan, đơn vị, như quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế xét thi đua khen thưởng, kỷ luật, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ. Đồng thời, tỉnh còn quan tâm phát triển tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 651 công đoàn cơ sở doanh nghiệp với 212 nghìn đoàn viên. Cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn đã quan tâm tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp góp phần giúp cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt những thông tin, kiến nghị của công nhân lao động, đặc biệt là tình hình đời sống công nhân trong các khu công nghiệp, khu nhà trọ, thực hiện các biện pháp sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh; tạo việc làm, bảo đảm quyền lợi và tăng thu nhập cho người lao động.

Đặc biệt, việc phát huy dân chủ được thể hiện rõ nét trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thời điểm tháng 5-2021, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước, tỉnh đã vận động thành lập Tổ COVID cộng đồng tại các khu dân cư trên địa bàn; tính đến hết tháng 12-2021, toàn tỉnh thành lập 10.753 Tổ COVID cộng đồng với 37.833 thành viên. Các Tổ COVID cộng đồng đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương hoặc chủ động bàn bạc tháo gỡ giải quyết ngay từ địa bàn dân cư. Mô hình Tổ COVID cộng đồng đã đóng góp quan trọng vào kết quả phòng, chống dịch của tỉnh, được Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao và nhân rộng ra cả nước.

“Dân thụ hưởng” với mô hình “chính quyền thân thiện”

Nhằm hiện thực tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tại cấp xã, phường, thị trấn, xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, tỉnh tập trung chỉ đạo và xác định nhiệm vụ xây dựng mô hình “chính quyền thân thiện” là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai mô hình “chính quyền thân thiện” ở 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Với tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, các xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện mô hình theo trình tự các bước, bảo đảm nội dung và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương.

Theo đó, chính quyền cơ sở chú trọng hơn đến môi trường làm việc thân thiện, hướng tới cảnh quan, môi trường công sở nơi tiếp đón người dân văn minh, lịch sự; bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân khi đến làm việc với chính quyền (cây xanh, chỗ để xe, ghế ngồi chờ, bình nước uống ở bộ phận một cửa; wifi miễn phí, máy tính miễn phí để truy cập thông tin về thủ tục hành chính, máy photocopy, máy in để phục vụ người dân khi cần thiết...). Bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả khoa học, gọn gàng, bảo đảm tổ chức và công dân đến giao dịch thuận tiện, đáp ứng 4 tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”; có sự gần gũi, thân thiện hơn giữa cán bộ, công chức khi làm việc với nhân dân.

Để tăng cường sự gần gũi giữa cán bộ với người dân, giữa chính quyền với nhân dân, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các hoạt động nhằm “mềm hóa hoạt động của chính quyền” thông qua việc thực hiện các phong trào, như “Văn hóa công sở”, “Nụ cười công sở”, phương châm “4 xin, 4 luôn, 5 không”(4). Chính quyền cơ sở tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng, động viên nhân dân thông qua các hình thức, như tổ chức lễ trao thư chúc mừng, giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh tại trụ sở ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; tổ chức trao thẻ bảo hiểm y tế tại nhà; tổ chức đoàn thăm hỏi, phúng viếng hoặc gửi thư chia buồn đến gia đình công dân có người thân qua đời,... Cùng với đó, các địa phương, đơn vị còn có những mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, như “Ngày thứ 6 nhanh”, “Ngày thứ 6 không hẹn”; tổ chức khảo sát sự hài lòng của người dân đối với công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc ủy ban nhân dân các cấp; xây dựng hòm thư điện tử, địa chỉ Zalo, Facebook,... để tiếp nhận ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân; lắp đặt thiết bị điện tử tại bộ phận một cửa để người dân đánh giá trực tiếp hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính... Hằng năm, tỉnh đều tổ chức khảo sát sự hài lòng của người dân đối với công chức làm việc tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp phát hiện những bất cập trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, nhận diện những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức ở cơ sở. Chỉ sau thời gian ngắn triển khai thực hiện, mô hình “chính quyền thân thiện” đã tác động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, phục vụ nhân dân. Tại hầu hết đơn vị triển khai thực hiện, người dân đã ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền cơ sở. Kết quả khảo sát năm 2022, với hơn 20 nghìn người tham gia trả lời phiếu đánh giá, khảo sát cho thấy mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền cơ sở có sự cải thiện rõ rệt.

Xây dựng mô hình “chính quyền thân thiện”, vì nhân dân phục vụ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm chính trị của tỉnh Bắc Giang trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các lĩnh vực đời sống hướng đến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Hơn hết là thể hiện quyết tâm chuyển đổi từ tư duy hành chính, cho phép, cấp phép sang tư duy phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 của tỉnh đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Qua kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn góp phần xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương.

Một số bài học kinh nghiệm

Việc thực hành dân chủ trong hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quyền làm chủ của người dân được phát huy trong mọi lĩnh vực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội, người nghèo, người có công được quan tâm; các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân được xem xét thấu đáo và giải quyết kịp thời. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tăng cường. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hành dân chủ trong hoạt động của hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cần nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hành dân chủ ở cơ sở. Cần xây dựng, ban hành và tổ chức và thực hiện cơ chế để thực thi dân chủ và bảo đảm dân chủ cho người dân, khắc phục tính hình thức trong quy định và tổ chức thực hiện.

Thứ hai, thực hiện tốt cơ chế dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, chú trọng dân chủ ở cơ sở. Quyền làm chủ của nhân dân chỉ có thể được hiện thực hóa khi chính nhân dân được tạo điều kiện, bảo đảm để thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thứ ba, phát huy dân chủ gắn với nâng cao dân trí. Dân chủ không tách rời dân trí và dân sinh, bởi dân trí và dân sinh là nền tảng để thực hành dân chủ ở cấp độ tương ứng. Quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm để người dân hiểu, thực hiện đúng quyền, trách nhiệm công dân và tránh lạm dụng quyền dân chủ. Đem lại những ứng xử văn minh và lợi ích chính đáng cho người dân là cách tốt nhất để các cơ quan, đơn vị, tổ chức làm cho dân chủ ở cơ sở có sức sống và mang lại những giá trị thiết thực.

Thứ tư, phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những sai phạm ngay từ cơ sở. Bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

Thứ năm, cần gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân được tốt nhất.

Để tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả việc thực hành dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo việc nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp trong thực hành dân chủ ở cơ sở, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm bảo đảm các quy định về thực hành dân chủ ở cơ sở được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả./.

DƯƠNG VĂN THÁI
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

-------------------------

(1) Như: Kế hoạch số 30-KH/BCSĐUBND-BDVTU, ngày 18-8-2021, của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, về “Xây dựng mô hình điểm “chính quyền thân thiện” xã, phường, thị trấn”; Kế hoạch số 496/KH-UBND, ngày 11-10-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Kế hoạch số 693/KH-UBND, ngày 27-12-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Quyết định số 411/QĐ-UBND, ngày 21-3-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về “Ban hành quy tắc ứng xử của người làm việc tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh”; Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 14-5-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về “Tăng cường công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”;...
(2) Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành một số văn bản, như Quyết định số 57-QĐ/BCĐ, ngày 7-6-2021, về “Ban hành quy trình kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Hướng dẫn số 04-HD/BCĐ, ngày  2-3-2022, “Về việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy”; Công văn số 534-CV/BCĐ, ngày 14-3-2022, về việc “Ban hành Quy chế mẫu về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”; Công văn số 1024-CV/BCĐ, ngày 15-3-2022, về việc “Ban hành Quy chế mẫu về thực hiện dân chủ trong hoạt động của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 và trong công tác thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Quy chế thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn”; Công văn số 1007-CV/BCĐ, ngày 17-3-2022, về việc “Ban hành Quy chế mẫu về thực hiện dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp”; Kế hoạch số 127-KH/BCĐ, ngày 19-9-2022, về “Tập huấn nghiệp vụ về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”;...
(3) Trong công tác xây dựng nông thôn mới, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã vận động hơn 8 nghìn hộ dân hiến gần 50ha đất các loại, tháo dỡ trên 23 nghìn mét tường rào, huy động 120 nghìn ngày công để xây dựng  kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cấp, bê tông hóa trên 500km đường giao thông nông thôn,... Đến nay, toàn tỉnh đã có 6/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; 145/182 xã nông thôn mới, 40/182 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu
(4) 4 xin: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; 4 luôn: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; 5 không: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ