Thừa Thiên-Huế: Sơ kết công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, triển khai chương trình phối hợp và thống nhất hành động 6 tháng cuối năm 2023

(Mặt trận) -Ngày 29/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị sơ kết công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, triển khai chương trình phối hợp và thống nhất hành động 6 tháng cuối năm 2023. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị tổng kết công tác Mặt trận Cụm thi đua các tỉnh miền Tây Nam Bộ năm 2024

Điện Biên: Gần 7 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo khu vực biên giới

Tổng kết hoạt động Cụm thi đua MTTQ Việt Nam các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc năm 2024

Các đồng chí lãnh đạo Chủ trì Hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác tuyên truyền, vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được triển khai toàn diện và đa dạng, thường xuyên được đổi mới, ngoài việc đưa tin và trên Trang thông tin điện tử, Bản tin công tác Mặt trận, mạng xã hội facebook, zalo… Biên tập trên 1.000 tin, bài viết và 2.500 ảnh về hoạt động của Mặt trận các cấp, hoạt động của lãnh đạo tỉnh, các chương trình phát triển KT-XH của địa phương,.. trên Trang thông tin điện tử, Fanpage Facebook của Mặt trận tỉnh; biên tập và phát hành 02 số Bản tin công tác Mặt trận với số lượng 5.000 cuốn. Đã phối hợp với các cơ quan báo chí của địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn chuyển tải các thông tin về hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh.

Các phong trào thi đua yêu nước, Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; xây dựng tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” tiếp tục được duy trì, thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia góp phần quan trọng đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phối hợp với các tổ chức thành viên, nhân dân xây dựng mô hình xã hội hóa camera an ninh nhằm theo dõi, quản lý và hạn chế tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Đến nay toàn tỉnh có 1.034/1.104 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 93,66%. Có 278.002/314.440 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88,41%. Với những kết quả thể hiện trên các mặt hoạt động đã góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đến nay toàn tỉnh có 62/94 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

 Đại biểu tham dự Hội nghị

Công tác vận động, nắm bắt tình hình, dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng, tập hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân được triển khai đồng bộ, thu thập thông tin qua nhiều kênh và ngày càng được quan tâm, chú trọng. Việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đã được Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiến hành bảo đảm theo quy định và thực hiện ngày càng nền nếp. Công tác giám sát có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động, linh hoạt, nội dung giám sát, phản biện đã bám sát vào các nhiệm vụ chính trị trọng tâm và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai. Cụ thể: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập 02 đoàn giám sát để tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện năm 2023 (đ/c Chủ tịch UBND huyện Phú Vang) và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2023 đối với các đơn vị UBND huyện Nam Đông và UBND các xã: Hương Hữu, Thượng Long. Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến vào 23 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Tổ chức 209 hội nghị với 9.822 người tham dự là đại diện các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh với 3.762 ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã vận động Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thu hút được hầu hết các giới tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào các chủ trương xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương. Các nội dung kiến nghị sau giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành chức năng và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiên cứu, chỉ đạo khắc phục, giải quyết khá kịp thời.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được lắng nghe phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác mặt trận 6 tháng cuối năm 2023. Thông qua dự thảo kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Đồng thời, với 09 lượt phát biểu ý kiến của các đại biểu, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với dự thảo báo cáo 6 tháng.. và kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và cấp tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 -2029, góp ý việc xây dựng các mô hình tuyên truyền tại khu dân cư, phong trào phát động quá nhiều, nhiều phong trào hình thức không hiệu quả, nên xem xét chọn lựa phong trào, các mô hình thực chất, hiệu quả hơn...; một số ý kiến đề nghị quy định; xem xét lại nội dung về thành phần, cơ cấu, số lượng các Ủy viên của UBMT huyện, thị xã, thành phố Huế, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định kết thúc thời gian đại hội cơ sở sớm hơn quy định ...

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Mặt trận các cấp trong thời gian qua. Định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, mặt trận các cấp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong 6 tháng cuối năm; tập trung nhiệm vụ xuyên suốt xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54; chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quan tâm hơn, giám sát thường xuyên để phong trào ở cơ sở trở thành sức mạnh, đưa bộ 3 chân rết Bí thư chi bộ - Tổ trưởng dân phố - Trưởng Ban công tác Mặt trận trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân.

Thông qua nhiều hình thức, trong công tác xây dựng Đảng mặt trận các cấp đã làm rất tốt, cần nâng cao năng lực công tác của cán bộ mặt trận, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ  mặt trận ngày càng chuyên nghiệp, thạo việc. Thay đổi nhận thức, tư duy trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phát huy vai trò của mặt trận hệ thống chính quyền qua công tác giám sát, phổ biến văn bản pháp luật; tập trung vào phong trào lớn như Chủ nhật Xanh, xây dựng nếp sống nông thôn, văn minh đô thị; tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cho người nghèo, tạo việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo...

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã hiệp thương thống nhất bổ sung 2 Ủy viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 là Mục sư Trần Ngọc Ánh, Quản nhiệm Hội Thánh Tin lành Quảng Điền thay thế Mục sư Nguyễn Hữu Thượng Thanh đã chuyển địa bàn cư trú và Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thay ông Văn Đức Thọ đã nghỉ hưu.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến phát biểu tại Hội nghị

Kết thúc Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến đã tiếp thu và giải đáp một số ý kiến nêu tại Hội nghị, đồng thời đề nghị Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp tiếp tục phát huy trách nhiệm triển khai hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh nhà năm 2023.