Thoát nghèo về tư tưởng

(Mặt trận) - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ về mặt tinh thần, khuyến khích, động viên, đào tạo nghề để người nghèo tự lực cánh sinh. Vì thế, người nghèo ở Hà Tĩnh không chỉ thoát nghèo về kinh tế mà còn thoát nghèo về tư tưởng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà cho hộ nghèo, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bình Định

Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Quỹ “Vì người nghèo”

Khi người dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh trao dê giống hỗ trợ người nghèo ở huyện Hương Sơn phát triển sản xuất, chăn nuôi. 

Để khích lệ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, ngoài hỗ trợ về vật chất như hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo… Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh còn hỗ trợ về mặt tinh thần, khuyến khích, động viên, đào tạo nghề để người nghèo tự lực cánh sinh. Vì thế, người nghèo ở Hà Tĩnh không chỉ thoát nghèo về kinh tế mà còn thoát nghèo về tư tưởng.

Từng là hộ nghèo nhiều năm liền của xã, giờ đây, gia đình anh Phạm Văn Quyết (32 tuổi, thôn Hưng Yên, xã Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh) đã sở hữu một trang trại rộng 2 ha với bạt ngàn cây ăn quả có giá trị và đàn gia súc, gia cầm ngày càng sinh sôi.

Trong lúc khó khăn nhất, anh Quyết đã nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể. Đến giờ nhớ lại, anh Quyết vẫn còn xúc động: Mình cùng 9 gia đình nghèo khác của 2 xã Lộc Yên và Phúc Đồng được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hương Khê hỗ trợ mỗi hộ 1 máy cày trị giá gần 20 triệu đồng.

Có chiếc máy cày như vớ được “cần câu”, cùng với sự động viên, khích lệ của cán bộ Mặt trận và đoàn thanh niên, anh mạnh dạn nhận 2 ha đất của xã để khai hoang làm trang trại.

“Giờ vợ chồng tôi đã xây dựng được trang trại có 300 cây bưởi, 150 cây cam, hàng trăm con trâu bò, lợn, gà và dê...Tôi còn tích góp mua được chiếc xe tải nhỏ phục vụ việc làm ăn buôn bán. Thu nhập bình quân mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng. Giờ thì thoát nghèo thật rồi…!”, anh Quyết vui mừng chia sẻ.

Anh Phạm Văn Quyết là một trong hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo ở Hà Tĩnh nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể các cấp ở Hà Tĩnh trong việc phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đặc thù trong công tác giảm nghèo ở Hà Tĩnh không phải huy động nguồn lực, sau đó trao “con cá” cho người nghèo rồi phó mặc họ mà Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai nhiều giải pháp để công tác giảm nghèo thực sự đạt hiệu quả cao, bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phân loại hộ nghèo theo độ tuổi, hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở, công cụ, con giống để phát triển sản xuất. Từ đó, xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng. Đối với hộ chỉ có người cao tuổi thì vận động về chung sống với con cháu hoặc vận động dòng họ, bà con lối xóm đỡ đầu giúp đỡ.

Những hộ còn sức lao động ở nông thôn thì vận động làm vườn, chăn nuôi; các hộ ở đô thị hỗ trợ phương tiện để kinh doanh, nâng cao thu nhập. Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp các tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, tham quan học hỏi mô hình kinh tế. Đồng thời, phân công cán bộ xã, thôn phụ trách, theo dõi, hướng dẫn để họ tự tin sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo.

Một thực tế đó là tâm lý ỷ lại của một bộ phận người dân trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm mà chưa tự mình vươn lên tìm cách thoát nghèo. Nhìn nhận rõ tồn tại này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt đến tận cơ sở, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch giúp đỡ người nghèo vươn lên bằng những giải pháp thiết thực, hữu hiệu nhất.

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trước khi nhận được sự hỗ trợ của xã hội như tặng quà, xây nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã vận động con cháu, bà con lối xóm hỗ trợ, kèm cặp, trường hợp không thể tự lao động để vươn lên thoát nghèo được nữa mới hỗ trợ làm nhà ở.

“Không gì hiệu quả hơn bằng việc đưa người nghèo vào guồng quay của sự phát triển sản xuất. Chúng tôi đã xây dựng các mô hình kinh tế và đưa người nghèo vào các mắt xích của các mô hình kinh tế đó. Đây chính là sinh kế lâu dài, ổn định nhất cho người nghèo vươn lên thoát nghèo”, ông Hùng nói.

Năm nay là một năm khó khăn do đại dịch Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam Hà Tĩnh xác định sẽ phải đối mặt với khó khăn này lâu dài. Sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động, kêu gọi ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19, đến nay đã nhận được 67 tỷ đồng từ các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Từ nguồn hỗ trợ này, đa phần hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được hỗ trợ, động viên, vượt qua bão dịch.

Cũng trong 8 tháng đầu năm 2020, thông qua quỹ Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở Hà Tĩnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 486 nhà ở với số tiền hơn 20 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm hỗ trợ phát triển sản xuất 31 hộ với số tiền 285 triệu đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh, học tập 96 lượt người với số tiền 399 triệu đồng; hỗ trợ 19 công trình dân sinh với số tiền hơn 34 tỷ đồng, hỗ trợ khác hơn 2,5 tỷ đồng. 

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở Hà Tĩnh đã và đang chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2020. Các kế hoạch, hướng dẫn đã được triển khai đến từng khu dân cư, thư kêu gọi được gửi đến các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo thoát nghèo bền vững cũng được xây dựng theo lộ trình chặt chẽ, cụ thể, thiết thực, hiệu quả (Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh).