(Mặt trận) - Tỉnh Sơn La đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
|
Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú
|
Qua 2 lần hiệp thương, Sơn La đã lập danh sách sơ bộ 11 người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và 122 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, hơn 760 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã là hơn 8.700 người.
Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết, với đặc thù có hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, nên việc cơ cấu đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được tỉnh đặc biệt quan tâm. Sau hội nghị hiệp thương lần 2, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội là 7/11 người, đạt tỷ lệ hơn 63% - cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 18% theo quy định về bầu cử. Tương tự, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong danh sách ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và xã đạt lần lượt là hơn 77%, hơn 73% và gần 88%.
Ông Lò Minh Hùng chia sẻ, những đồng chí người dân tộc thiểu số được lựa chọn giới thiệu ứng cử đều là những người thực sự ưu tú, có năng lực, có tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo đúng quy định của Luật bầu cử. Việc giới thiệu đại biểu là người dân tộc thiểu số đảm bảo phù hợp với đặc điểm cơ cấu dân số của tỉnh, của từng huyện và các xã. Đa số các đại biểu được cơ cấu đều đã kinh qua hoạt động thực tiễn và là đại diện tiêu biểu cho dân tộc mình, đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo đúng hướng dẫn của Trung ương.
Kỳ bầu cử lần này, tỉnh Sơn La có 1.309 đơn vị bầu cử và 1.769 khu vực bỏ phiếu. Hiện nay, cùng với triển khai hoàn tất việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, tỉnh cũng đang rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất tại các khu vực bỏ phiếu; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và các thứ tiếng dân tộc Thái, Mông, Dao... để người dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, cũng như về quyền lợi và trách nhiệm của cử tri, từ đó tích cực tham gia công tác bầu cử, đảm bảo để ngày bầu cử 23/5 tới thực sự là ngày hội của toàn dân./.
Theo VOV