Quảng Ninh: Hướng dẫn lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử

(Mặt trận) - Ngày 23/3, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Bà Lê Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, chủ trì hội nghị và hướng dẫn một số nội dung liên quan đến tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. 

Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thông báo cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các địa phương số lượng người triển khai lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH khóa XV và HĐND tỉnh khóa XIV.

Cụ thể, sẽ có 7 địa phương triển khai lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm với những người ứng cử ĐBQH khóa XV; 13/13 địa phương triển khai lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm với những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV.

Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Thời gian tổ chức hội nghị từ ngày 21/3 đến 13/4 và đảm bảo theo các quy định của pháp luật về tổ chức lấy ý kiến nhận xét nơi cư trú. Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử được tổ chức ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên.

Thẩm quyền tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri do Ủy ban MTTQ các xã, phường chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp. Trách nhiệm của Ban Công tác mặt trận các nơi có người ứng cử cư trú là phối hợp với trưởng thôn, khu lập danh sách và mời cử tri dự hội nghị.

Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và yêu cầu đảm bảo đạt 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có trên 100 cử tri, có thể mời toàn thể cử tri hoặc mời đại diện hộ gia đình nhưng phải đảm bảo có 55 cử tri tham gia hội nghị.

Thành phần tham gia hội nghị lấy tín nhiệm, ngoài cử tri thì có Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã, người ứng cử và đại diện của cơ quan tổ chức có người được giới thiệu ứng cử.

Tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử.

Biên bản hội nghị cử tri phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị; trong đó, phải ghi rõ tổng số cử tri được triệu tập, số lượng cử tri có mặt, ý kiến phát biểu và sự tín nhiệm của cử tri đối với từng người ứng cử.

Cũng tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng hướng dẫn cụ thể chương trình tổ chức hội nghị cử tri; việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử; công tác tổ chức thực hiện...

Đồng thời, giải đáp cụ thể một số vấn đề, tình huống được các địa phương nêu ra liên quan đến công tác tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử.