(Mặt trận) - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), sáng 25/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình trang trọng tổ chức chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Các đại biểu dự chương trình gặp mặt. |
Buổi gặp mặt có sự góp mặt của 50 đại biểu đại diện cho 163 chiến sĩ Điện Biên và hơn 4.000 dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu hầu hết đều đã trên 85 tuổi. Nhiều người sức khỏe giảm sút nhưng vẫn cháy bỏng nhiệt huyết, rạng ngời khí thế Điện Biên năm xưa, cùng nhau ôn lại những tháng ngày gian khổ, tưởng nhớ đồng đội, đồng chí của mình đã anh dũng hy sinh.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Hoàng Hà trình bày diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử, ý nghĩa Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và những đóng góp của Ninh Bình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm. |
Diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử, ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và những đóng góp của Ninh Bình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm do đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Hoàng Hà trình bày đã khẳng định: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân và dân ta. Đây là mốc son lịch sử chói lọi, mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
70 năm trước, với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, quân và dân Ninh Bình đã giành mọi nguồn lực, công sức đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Phong trào tòng quân, nhập ngũ diễn ra sôi nổi, không ít lá đơn được viết bằng máu. Hướng về Điện Biên diệt giặc đã thành lời hiệu triệu thiêng liêng thấm đậm vào mỗi con tim tuổi trẻ. Từ tháng 2 đến tháng 4/1954, toàn tỉnh có 3.716 thanh niên nhập ngũ. Đến đầu năm 1954, đã có hàng chục nghìn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt khắp mọi nẻo đường cùng tiến về Điện Biên. Họ đều mang trong mình truyền thống vùng đất Cố đô anh hùng, bầu nhiệt huyết cách mạng, "Dù bom đạn, xương tan thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh", họ đã sống đẹp, sống hết mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Ninh Bình đã được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng 11.677 huân, huy chương các loại; 3.426 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, có 1 huyện, 25 xã và 2 cá nhân được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp…
|
Cựu chiến binh Bùi Kim Thoa phát biểu tại chương trình gặp mặt. |
Trong không khí ấm áp nghĩa tình, thay mặt những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Bùi Kim Thoa (88 tuổi, ở phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình) đã xúc động chia sẻ: Chúng tôi tự hào là một trong những người con của Cố đô Hoa Lư, được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào thời khắc lịch sử vĩ đại của cả dân tộc. Đồng thời tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu cảm tưởng tại chương trình, em Lương Thu Hằng, học sinh lớp 12 Văn 1, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đại diện cho tuổi trẻ tỉnh Ninh Bình đã bày tỏ niềm tự hào, sự tri ân, biết ơn sâu sắc công lao to lớn và sự hi sinh xương máu của thế hệ cha anh để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; hứa sẽ ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, trở thành một công dân tốt "đủ đức và tài", có trách nhiệm đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hơn trong thời đại kỹ thuật số.
|
Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại chương trình gặp mặt. |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khẳng định: Các thế hệ người dân Ninh Bình đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và những người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc cuộc chiến, nhiều người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã nằm lại và để lại một phần xương máu nơi chiến trường; máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất Mẹ để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Trở về cuộc sống đời thường, dù ở cương vị nào, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững bản chất truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tiếp tục góp công sức xây dựng quê hương, đất nước, là tấm gương để con cháu noi theo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tròn 70 năm kể từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khiến nhân loại kinh ngạc và thán phục, Việt Nam đã tiến một bước dài trên hành trình dựng xây cơ đồ quốc gia ngày càng thịnh vượng, cũng như nâng cao uy tín, vị thế dân tộc trên trường quốc tế. Trên hành trình đó, Ninh Bình đã có những đóng góp ngày càng xứng đáng vào sự nghiệp dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, giá trị trường tồn và tầm vóc thời đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã và đang trở thành nguồn sức mạnh tinh thần, động lực to lớn để Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Bình nỗ lực phấn đấu, vươn tới những tầm cao mới vì một tương lai huy hoàng và tốt đẹp hơn.
Để tiếp tục phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong giai đoạn mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thường xuyên chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi đối với người có công, gia đình có công với cách mạng.
Làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng. Chú trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và thành quả cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với đợt thi đua cao điểm chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, quyết tâm thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Huy động các nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn và tin tưởng rằng, các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa đang sinh sống trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đóng góp tâm sức của mình đối với các mặt công tác của địa phương; đồng thời là tấm gương sáng, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, giúp đỡ để lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh không ngừng lớn mạnh, đủ sức hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh.
Với quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như di nguyện của Bác Hồ kính yêu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: 70 năm đã trôi qua, song tầm vóc thời đại và ý nghĩa lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn mãi trong ký ức và lịch sử hào hùng của dân tộc, để thấy rằng chính khát vọng độc lập cháy bỏng và ý chí tự lực, tự cường không nao núng, đã trở thành cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vùng lên chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Do đó, chỉ khi tinh thần yêu nước, ý chí tự cường được hun đúc, trở thành ý chí và kim chỉ nam hành động trong mỗi người dân Cố đô Hoa Lư thì khi ấy mới tạo thành sức mạnh nội sinh vững chắc để Ninh Bình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trân trọng trao tặng quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cũng tại chương trình gặp mặt, tri ân, các đại biểu đã thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Bản anh hùng ca Điện Biên Phủ" do Nhà hát chèo Ninh Bình thực hiện.
Đinh Ngọc - Đức Lam - Anh Tú