MTTQ thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường hiệp thương, mở rộng dân chủ, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội

(Mặt trận) - Sáng 12/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức họp mặt kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 -18/11/2022). Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Trần Kim Yến.

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Thành phố Cần Thơ: Khởi công 200 căn nhà Đại đoàn kết

Quang cảnh buổi gặp mặt 
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại buổi gặp mặt 

Phát biểu ôn lại truyền thống, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho biết, 92 năm qua, MTTQ Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của nhân dân, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết dân tộc, là biểu tượng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là trí tuệ, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của các thế hệ người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo bà Trần Kim Yến, hơn 2 năm dịch Covid-19, là giai đoạn minh chứng sống động về sức mạnh đoàn kết, kết đoàn từ ý Đảng - lòng dân, kết đoàn trong truyền thống đạo lý tương thân tương ái. Tinh thần đại đoàn kết thể hiện rõ nét từ chủ trương của Đảng, Chính phủ huy động sức mạnh toàn dân tộc tham gia phòng, chống dịch. “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã cùng vào cuôc để chung tay bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân”, bà Trần Kim Yến nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 5 cá nhân. 

Nhìn lại lịch sử vẻ vang của các thế hệ trong ngôi nhà chung MTTQ Việt Nam, bà Trần Kim Yến cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM luôn xác định không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cụ thể như: thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm của Mặt trận là tiếp tục tăng cường xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức và năng lực công tác trong tình hình mới hiện nay.

Bên cạnh đó, tăng cường phản biện xã hội theo chuyên đề để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp; chủ động tạo sự gắn kết giữa công tác nắm tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri với việc triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội. Ngoài ra, phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tham gia vào công tác phản biện xã hội về những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

 

Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chúc mừng cán bộ Mặt trận các cấp nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập MTDTTN Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam; đồng thời chỉ đạo, định hướng cho công tác Mặt trận trong thời gian tới.

Trong đó, đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Trước hết, cần phát huy vai trò chủ trì, tăng cường hiệp thương, mở rộng dân chủ, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội. Mặt trận phải là nơi mà mọi ngành, mọi giới, từ các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học đến các doanh nghiệp, hội đoàn, tổ chức xã hội và kiều bào ở nước ngoài đều có thể đến như ngôi nhà chung để đề đạt, hiến kế xây dựng đất nước, xây dựng thành phố.

Tiếp tục đổi mới công tác thu thập ý kiến, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, thể chế và giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước thực thi công vụ, rèn luyện phẩm chất, đạo đức. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 13 (ngày 20/8/2021) của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam thành phố và Nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2021-2030”. Nghiên cứu đa dạng hóa hình thức, thiết lập nhiều kênh thông tin linh hoạt hơn nữa để thu thập, lắng nghe ý kiến nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Trần Kim Yến trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đoàn kết dân tộc” cho các cá nhân. 

Đặc biệt coi trọng công tác giám sát, phản biện xã hội. Để làm tốt việc này, Mặt trận phải xác định đây là nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng, chính quyền, là giải pháp để thực hiện phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt trận thành phố quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 18 (ngày 26/10/2022) của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức giám sát hàng năm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án lớn của thành phố, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đồng thời, phải quyết liệt, đi đến cùng việc yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước giải quyết đề xuất, kiến nghị sau giám sát. Sớm nghiên cứu đề xuất chính quyền thành phố ban hành cơ chế, chính sách để Mặt trận, các đoàn thể thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng tư vấn, huy động đội ngũ trí thức, nhà khoa học… tham gia tư vấn giám sát, phản biện xã hội.

“Sớm nghiên cứu đề xuất chính quyền TP ban hành cơ chế, chính sách để Mặt trận, các đoàn thể thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng tư vấn, huy động đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP, đội ngũ doanh nhân, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo tham gia tư vấn giám sát, phản biện xã hội”, ông Nguyễn Văn Nên gợi mở.

 
 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị, MTTQ thành phố chăm lo hơn nữa công tác an sinh xã hội của thành phố. Sau giai đoạn phòng, chống dịch đầy cam go, khốc liệt vừa qua, một trong những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra là phải luôn chủ động và giữ vững trận địa an sinh xã hội. Mặt trận chủ trì nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách, quy định củng cố lại hệ thống an sinh của thành phố, bảo đảm nguồn lực ổn định trên nền tảng “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, có cơ chế vận hành hiệu quả trên nền tảng công nghệ và dữ liệu quản lý dân cư tiên tiến. Đồng thời nâng cao hiệu quả bảo trợ xã hội đối với các đối tượng đặc biệt, nhất là trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, người chịu tác động trực tiếp của đại dịch…

Không ngừng đổi mới các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy nội lực, huy động sức mạnh của toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Làm thế nào để phong trào thi đua trong hệ thống Mặt trận ngày càng thiết thực, gần gũi, cụ thể, gắn với lợi ích xã hội và được đông đảo nhân dân quan tâm hưởng ứng .

“Tôi rất hoan nghênh Mặt trận thành phố đã phát động cuộc vận động xây dựng 1.000 khu dân cư xanh, sạch, đẹp và 500 khu dân cư và 50 phường, xã, thị trấn tiêu biểu để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (2025). Tôi đề nghị tập trung thực hiện để cuộc vận động này trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch 5 không: “Không để người nghèo, người yếu thế tụt hậu, bị bỏ quên”, “Không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, “Không xả rác bừa bãi ra đường phố và kênh rạch”, “Không vi phạm Luật giao thông đường bộ”, “Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn nơi cư trú và trên đường phố” gắn với các phong trào thi đua yêu nước khác do Thành phố và các địa phương phát động”, ông Nguyễn Văn Nên nói.

Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19; trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đoàn kết dân tộc” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho 147 cá nhân đã có nhiều đóng góp cho công tác mặt trận.