Một năm nhìn lại

(Mặt trận) - Năm 2017 kết thúc với nhiều thành tựu về kinh tế, văn hoá - xã hội đáng tự hào. Tuy nhiên, ở khía cạnh đời sống của nhân dân, vẫn còn những bức xúc chưa được giải quyết, để lại cho năm 2018 những tồn tại cần khắc phục.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

Tăng trưởng GDP ước tính cả năm đạt 6,7%. Ảnh minh họa

Điểm nổi bật trong năm 2017 là quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển biến từ một Chính phủ chỉ đạo sang một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Chưa bao giờ như năm qua, Chính phủ đã liên tục trực tiếp đối thoại và lắng nghe doanh nghiệp. Nhiều tổ công tác của Chính phủ đã trực tiếp xuống từng địa phương, từng cơ sở sản xuất để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc của các doanh nghiệp và doanh nhân. Chính phủ đã mở ra nhiều kênh để doanh nghiệp có thể giãi bày và chia sẻ. Những hành động quyết liệt ấy đã làm cho cộng đồng doanh nghiệp bừng thức và tự tin với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.

Khi doanh nghiệp đã mong muốn làm giàu chính đáng thì bức tranh kinh tế sẽ khởi sắc. Tính đến hết tháng 9/2017 tăng trưởng kinh tế đã đạt mức 7,46%, cao nhất trong vòng 7 năm qua. Xuất khẩu tăng 20% (rau quả tăng 43,4%, hạt điều tăng 25,6%, thuỷ sản tăng 19,8%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 41,4%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 29,7%, điện thoại và linh kiện tăng 23,6%). Chỉ trong 9 tháng đầu năm mà vốn FDI (đầu tư nước ngoài) đã đạt 25,5 tỷ USD (đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần). Vốn FDI thực hiện đạt tới kỷ lục 12,5 tỷ USD. Thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 (đến 20/10/2017 đã đạt 826,84 điểm). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tính cả năm đạt 33.4% GDP, tăng 12,6% so với năm 2016.

Giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng khoảng 1,6%, đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD (cao nhất từ trước đến nay). Ước tính tổng thu ngân sách nhà nước tăng 10,1% so với năm 2016.

Tính đến hết quý 3, đã có tới gần 93.000 doanh nghiệp thành lập mới và 2,1 triệu doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Đa số các doanh nghiệp nhận thấy kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn.

Tăng trưởng GDP ước tính cả năm đạt 6,7%. Tính đến hết quý 3 nông nghiệp tăng 2,78% (gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2016). Ước tính cả năm xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản đạt tới 35 tỷ USD. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,17% (riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%). Khu vực dịch vụ tăng 7,25% (cao nhất kể từ năm 2008), đạt mức khoảng 70,9 triệu lượt du khách (trong đó có khoảng 9,45 triệu lượt khách quốc tế).

Năm 2017 đã thực hiện tổng kiểm kê nguồn lực quốc gia. Đã xử lý quyết liệt 12 dự án và doanh nghiệp nhà nước yếu kém, thua lỗ, thất thoát. Trong đó thực hiện tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị và thúc đẩy tiêu thụ, cải thiện điều kiện hoạt động, như: Nhà máy thép Việt - Trung qua 9 tháng đã lãi 163 tỷ đồng…

Về nông nghiệp, đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường liên kết với doanh nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đã chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang nuôi trồng khác, nhờ đó nâng giá trị vật nuôi cây trồng, chẳng hạn như giá trị của việc nuôi tôm đã tăng khoảng 4,5 lần so với năm trước. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, đến hết năm 2017 đã có 38 đơn vị cấp huyện và 31,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch tới 31%).

Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã phát triển mạnh mẽ. Năm 2017 riêng việc xuất khẩu phần mềm đã đạt tới 3 tỷ USD. Đã phổ cập wifi miễn phí cho một số trung tâm du lịch và thành phố lớn. Trong ngành công nghiệp, tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo đã đạt đến 56,1%. Chất lượng tăng trưởng đã có nhiều chuyển biến, chẳng hạn như TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) đã ước đạt 44,1%, PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) vào tháng 9 đạt 53,3 điểm (cao nhất trong ASEAN).

Về văn hoá - xã hội đã đạt nhiều tiến bộ nổi bật. Đã tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Qua 9 tháng đầu năm 2017 đã tạo được việc làm cho 1,24 triệu người, đưa gần 93 nghìn người đi lao động ở nước ngoài. Hiện chỉ còn 2,21% số người thất nghiệp hay thiếu việc làm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chỉ còn khoảng 6,7-7,2%. Khoảng 13,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và 11,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ bảo hiểm y tế bao phủ 83% dân cư. Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng 10 bệnh viện mới với quy mô 5.500 giường bệnh. Đã có 100% các địa phương đạt chuẩn giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đang tích cực hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12 và chuẩn bị cho việc xây dựng các bộ sách giáo khoa mới. Các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế đạt 31 huy chương, trong đó có 14 Huy chương Vàng. Chỉ số GII (đổi mới sáng tạo) của nước ta đã tăng 12 bậc, đứng thứ 47/127 quốc gia. Trong thể dục thể thao, tại các đấu trường quốc tế nước ta đã xếp thứ 3 tại Sea Games và xếp thứ 4 tại Para Games với 58 Huy chương Vàng, 50 Huy chương Bạc và 60 Huy chương Đồng. Trong cai nghiện ma tuý đã tăng cường tinh thần tự nguyện và mở rộng việc điều trị bằng thuốc thay thế. Đã hợp tác để gỡ bỏ 44.000 clip có nội dung độc hại trên You Tube và 678 tài khoản và bài viết có nội dung xấu trên Facebook. Đã tăng cường việc quản lý tài nguyên, đất đai, khoáng sản; cấp 96,35 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý nghiêm các vụ chặt phá rừng, khai thác trái phép cát sỏi. Kiên quyết dừng các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhà máy Formosa đã đi vào sản xuất với sự kiểm soát chặt chẽ về môi trường; việc khai thác thuỷ sản và đời sống của nhân dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường đã ổn định trở lại.

Về cải cách hành chính, đến nay đã không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đã thông qua 12 luật và ban hành 112 nghị định, nhất là các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính. Xác định thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm với doanh nghiệp. Đã giảm được 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Từ ngày 1/10/2016 đến ngày 31/7/2017 đã khởi tố điều tra 190 vụ án với 399 bị can về tội tham nhũng và 17 vụ với 90 bị can phạm tội chức vụ, thu hồi tài sản tham nhũng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Đã tổ chức được việc tiếp 352 nghìn lượt công dân và giải quyết được khoảng 84% các vụ khiếu kiện. Kiên quyết cấm tặng biếu quà trong các dịp lễ, Tết; cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc và buổi trưa; cấm sử dụng xe công đi lễ hội; cấm nhận ô tô do doanh nghiệp biếu tặng, không cấp biển xanh cho ô tô doanh nghiệp…

Điểm nổi bật trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn các sự kiện quan trọng của đất nước. Điển hình như thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Xây dựng các đường biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển. Chủ động tham gia, đóng góp tích cực trên các diễn đàn đa phương và các hội nghị quốc tế. Tăng cường bảo vệ công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.

Những thành tích nổi bật trong năm 2017 là không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều những vướng mắc chưa được tháo gỡ:

Một là, năng suất lao động chưa cao, việc làm chưa ổn định. Trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) dự báo trong hai thập niên tới có khoảng 56% lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), có nguy cơ mất việc làm vì sự thay thế của robot. Khoảng 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ mất việc làm vì thay đổi công nghệ (các ngành này đang tạo ra 3 triệu việc làm ở Việt Nam, chiếm 6,2% tổng lao động và 13,7% việc làm phi nông nghiệp). Thực tế, một số công ty sản xuất mỹ nghệ ở Bình Dương chỉ nhập 5 robot đã khiến 90% công nhân phải nghỉ việc, vì mỗi robot mỗi giờ cho ra 500 sản phẩm đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.

Hai là, đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện còn triển khai chậm và chưa tạo được niềm tin trong nhân dân. Còn trên 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm. Đầu vào của các trường sư phạm quá thấp, trong khi không ít giáo viên còn chưa đạt chuẩn. Nhiều trường đại học và cao đẳng còn tình trạng người tốt nghiệp đại học tham gia đào tạo sinh viên. Việc tích hợp 2 môn (Sử -Địa) hay 3 môn (Lý-Hoá-Sinh) đang gây hoang mang cho đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường.

Ba là, trong lĩnh vực tư pháp còn tình trạng khiếu nại về các án cho là oan sai do có tình trạng ép cung khiến phạm nhân kêu cứu kéo dài và chậm được giải quyết thoả đáng. Với các khiếu kiện đông người về quyền sử dụng đất.

Bốn là, việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn chưa được đảm bảo. Không ít người dân chưa hiểu rõ được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm, cũng như không hiểu rõ được các quy định của pháp luật để đảm được các nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh chính đáng. Các dịch sốt xuất huyết lan rộng và kéo dài, lại xuất hiện thêm một số hội chứng bệnh lạ. An toàn vệ sinh thực phẩm chưa có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo, việc kiểm soát, quản lý thuốc bảo vệ thực vật còn thả nổi.

Năm là, nhân dân vừa phấn khởi khi thấy Đảng và Chính quyền ra tay diệt trừ tham nhũng, nhưng lại vừa hoang mang khi thấy vì sao ngày càng nhiều các vụ án lớn, liên quan đến cán bộ có chức, có quyền ở Trung ương và địa phương?

Sáu là, số người chết trong tham gia giao thông không giảm, tình trạng bình quân mỗi ngày có vài chục người chết và nhiều chục người bị thương vì tai nạn giao thông. Việc quy hoạch đô thị thiếu khoa học khiến giao thông ách tắc, cùng với chuyện kéo quá dài việc xây dựng các đường trên cao làm thu hẹp diện tích giao thông. Việc thiếu chấp hành luật giao thông còn có phần liên quan đến việc xử lý không nghiêm với những người cố tình vi phạm luật giao thông.

Bảy là, biến đổi khí hậu có liên quan đến những hành động chặt phá rừng kéo dài, lâm tặc lộng hành bất chấp lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ. Việc xuất hiện thêm nạn “cát tặc” gây xói lở nghiêm trọng tại các khu dân cư ven sông nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng xâm nhiễm mặn và thiếu phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long gây lo ngại cho an ninh lương thực. Chủ trương một vụ lúa, một vụ tôm xuất khẩu sẽ có rất nhiều triển vọng nếu như bảo đảm được giống tôm đề kháng với virút gây bệnh và đảm bảo được vệ sinh ao nuôi.

Nguyễn Lân Dũng*

Giáo sư, Tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội