Lan tỏa những tấm lòng nhân ái để cùng nhau vượt qua đại dịch

(Mặt trận) - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cùng các tổ chức xã hội như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Người mù… đã tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm… cho những người nghèo, người khuyết tật, người trong diện cách ly. Tất cả đều góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, tinh thần nhân ái góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 của Thủ đô.

Hưng Yên chuẩn bị chu đáo cho Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc

Phú Yên: Đại hội điểm MTTQ huyện Phú Hòa lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai lần thứ 13 khóa XV

 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ứng Hòa trao hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội hỗ trợ trên 3,18 tỷ đồng cho hộ nghèo

Từ ngày 30/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai hỗ trợ tới 100% gia đình thuộc diện hộ nghèo (trừ những hộ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội) trên địa bàn 15 quận, huyện, thị xã còn hộ nghèo.

Theo thống kê, toàn thành phố có 3.180 hộ được nhận hỗ trợ, tổng số tiền trị giá trên 3,18 tỷ đồng được trích từ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi hộ sẽ nhận được một suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 1 triệu đồng, bao gồm: Gạo, đường, mì chính, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm... Để việc hỗ trợ được kịp thời, toàn bộ kinh phí sẽ được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chuyển về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để mua và trao quà tới các hộ nghèo.

Ngay trong chiều 30-7, nhiều quận, huyện, thị xã đã tổ chức trao quà tới tận tay các hộ nghèo. Với phương châm “Không để hộ nghèo nào bị thiếu đói do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố sẽ tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ những hộ nghèo và phối hợp với các tổ chức thành viên, các nhóm từ thiện và các nhà hảo tâm hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Ở đâu khó, ở đó có chúng tôi"

 

Ngay từ đầu tháng 6/2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Người mù quận Thanh Xuân đã triển khai chương trình “Tháng hành động vì gia đình người khiếm thị và chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”. Hơn 200 hội viên người khiếm thị trong quận ngoài khoản hỗ trợ tiền mặt còn được phát những nhu yếu phẩm cần thiết, như: Gạo, mì tôm, rau xanh... Trong đó, những người khiếm thị, người mắc bệnh nan y… được quan tâm đặc biệt, với những món quà trị giá từ 250 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/lần.

Cả hai vợ chồng anh Nguyễn Huy Cường (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) đều là người khuyết tật, cùng làm nghề xoa bóp kiếm sống nuôi các con đang tuổi ăn học. Dịch Covid-19 ập đến khiến vợ chồng anh phải nghỉ việc từ tháng 3-2021 đến nay. Nhận được những phần quà thiết thực, anh Cường xúc động nói: “Vợ chồng tôi vô cùng biết ơn những tấm lòng vàng đã chia sẻ, giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh”.

Cũng với tinh thần nhân ái, Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm luôn hoạt động với tinh thần xuyên suốt “Ở đâu khó, ở đó có chúng tôi”. Hội Chữ thập đỏ huyện và hội chữ thập đỏ các xã, thị trấn cùng các đội tình nguyện viên chữ thập đỏ cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình mùa dịch Covid-19 như tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, tặng cơm cho người vô gia cư...

Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm đang tổ chức chương trình “Mỗi tuần một món ăn”, huy động đội tình nguyện viên chế biến lạc rang, ruốc thịt, muối vừng… để bổ sung bữa cơm cho những người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch và người dân trong khu cách ly trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ huyện còn vận động những người có tấm lòng hảo tâm tặng 100 hộp thịt bò hầm; 2.000 hộp sữa tươi; 500 chai sữa chua nhằm hỗ trợ các đối tượng.

 

Cũng trong thời gian từ ngày 24/7, khi thành phố Hà Nội áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ quận Ba Đình đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, các hội đoàn thể và chính quyền các phường trên địa bàn quận, các nhà hảo tâm (Ban Quản lý chợ Long Biên, Câu lạc bộ thiện nguyện Tâm Phúc…) thăm hỏi, tặng 24 gia đình ở phường Ngọc Khánh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi gia đình một suất quà gồm 10kg gạo, 2 hộp khẩu trang, 2 chai nước súc họng và 300.000 đồng, tổng giá trị hơn 15 triệu đồng; tặng 100 suất quà, 200 khẩu trang y tế cho 13 gia đình đang cách ly tại nhà trên địa bàn phường Phúc Xá...

Nhận được quà tặng và sự thăm hỏi, động viên, bà Đỗ Thị Kim Thoa (tổ 5C, phường Ngọc Khánh) một mình nuôi cháu nhỏ, không có thu nhập nào ngoài nguồn thu từ việc bán nước tại hồ Ngọc Khánh bày tỏ lòng cảm ơn trước sự quan tâm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội nhân đạo của quận và phường cũng như các nhà hảo tâm. Những phần quà này không lớn nhưng giàu ý nghĩa, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn đồng hành cùng địa phương và thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

Lan tỏa tinh thần đoàn kết

 

Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành khẳng định, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội, trong đó, những đối tượng yếu thế, khuyết tật chịu tác động nặng nề hơn cả. Song, nhờ tinh thần đoàn kết, chia sẻ được lan tỏa, nhiều đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã cùng chung tay thực hiện các việc thiện nguyện. Có thể kể đến chương trình trao nhu yếu phẩm và các sản phẩm phòng dịch nhằm giúp người khuyết tật giữ gìn sức khỏe vượt qua dịch bệnh.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến thông tin, thời gian tới, Hội sẽ cùng các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của huyện tiếp tục tích cực tham gia vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Trong đó, các cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ huyện nhận nhiệm vụ bảo đảm nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly để họ không bị thiếu thốn, yên tâm chống dịch.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tính mạng, sức khỏe người dân luôn được đặt lên hàng đầu, thành phố sẽ không để người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội.