Huyện Nam Giang, Quảng Nam: Sẵn sàng cho ngày bầu cử sớm

(Mặt trận) - Dù giao thông khó khăn, nhưng với sự chuẩn bị tích cực, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn các xã biên giới huyện Nam Giang, Quảng Nam chắc chắn sẽ thành công.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Cán bộ xã La Dêê, huyện Nam Giang niêm yết danh sách ứng cử viên. Nguồn: Báo Quảng Nam

Huyện Nam Giang có 12 đơn vị bầu cử (trong đó có 6 đơn vị bầu 2 đại biểu; 6 đơn vị bầu 3 đại biểu). Ủy ban Bầu cử các xã, thị trấn đã ấn định số đơn vị bầu cử là 55 (trong đó có 9 đơn vị bầu 2 đại biểu; 15 đơn vị bầu 3 đại biểu; 13 đơn vị bầu 4 đại biểu; 18 đơn vị bầu 5 đại biểu).

6 xã biên giới bầu cử ngày 16.5

Nam Giang là huyện biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào; đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Huyện Nam Giang có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Thạnh Mỹ (huyện lỵ) và 11 xã. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2020, Nam Giang có diện tích 1.836km², có 7.265 hộ với dân số là 26.123 người, mật độ dân số đạt 14 người/km².

Hiện hầu hết các xã trên địa bàn huyện có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách từ trung tâm huyện đến các xã rất xa, dân cư thưa thớt. Do đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định về việc tổ chức bầu cử sớm hơn 1 tuần - ngày 16.5.2021 - tại 24 khu vực bỏ phiếu thuộc 6 xã biên giới của huyện Nam Giang. Các xã được tổ chức bầu cử sớm gồm: Đắc Pring (4 khu vực bỏ phiếu), Đắc Pre (4 khu vực bỏ phiếu), Đắc Tôi (4 khu vực bỏ phiếu), La Dêê (6 khu vực bỏ phiếu), La Êê (3 khu vực bỏ phiếu), Chơ Chun (3 khu vực bỏ phiếu). 

Những ngày này, trên những con đường về các thôn, bản vùng cao của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được trang trí nhiều tấm pano, khẩu hiệu tuyên truyền về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Riah Peel, Chủ tịch UBND xã Chơ Chun, huyện Nam Giang cho biết, do địa bàn xã rộng, đi lại khó khăn nên chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền bầu cử bằng nhiều hình thức, bằng nhiều thứ tiếng để bà con dễ nghe, dễ hiểu. Thông qua gia đình, những người đi làm ăn xa cũng được thông báo trở về nhà đúng ngày bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Đi bộ, vượt suối để đến điểm bầu cử

Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắc Pring, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết, Đồn quản lý địa bàn hai xã biên giới Đắc Pring và Đắc Pre (huyện Nam Giang, Quảng Nam). Đây là 2 trong 6 xã bỏ phiếu sớm của tỉnh Quảng Nam. Hai xã có 8 thôn với 8 điểm bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đồn Biên phòng Đắc Pring không có điểm bỏ phiếu riêng, cán bộ, chiến sĩ sẽ bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu 49B xã Đắc Pring cùng đồng bào. Vì đặc thù công việc, người này bỏ phiếu xong sẽ về thay ca cho người khác đi bầu cử. Do chưa được công nhận là thôn nên bà con ở cụm dân cư Pêtapoóc, xã Đắc Pring - nơi xa nhất xã sẽ bỏ phiếu ở điểm bỏ phiếu 48 tại xã Đắc Pring.

Cụm dân cư Pêtapoóc nằm biệt lập dưới một thung lũng nơi giáp địa giới tỉnh Kon Tum và biên giới Việt - Lào, cách điểm bỏ phiếu số 48 khoảng 28km. Trước 1995, Pêtapoóc thuộc xã Đắk Blô, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum với gần 300 khẩu dân tộc Giẻ Triêng. Sau này người ta mới phát hiện ra, mặc dù nhân khẩu thuộc về Kon Tum, nhưng về địa giới, thôn lại nằm trên đất của xã Đắk Pring, Nam Giang, Quảng Nam. Vì vậy, bà con đã di cư về Kon Tum. Năm 2005, phần vì thiếu đất sản xuất, phần vì nhớ nơi quê cha, đất tổ, tiếc ruộng lúa bỏ hoang nên 10 hộ dân quay trở lại Pêtapoóc. Sau vài đợt dịch chuyển nữa, Pêtapoóc còn lại 9 hộ/34 khẩu; nay có 9 hộ/39 khẩu.

Trước đây, việc bỏ phiếu ở Pêtapoóc rất khó khăn vì bà con phải mất nửa ngày đi bộ, leo hết những con dốc dựng đứng lại vượt vực suối sâu, con đường chỉ còn như sợi dây mảnh mai vắt ngang giữa sườn núi và vực thẳm. Năm 2005, con đường công vụ được mở phục vụ công tác tuần tra mốc 733, 735 đi qua Pêtapoóc. Thế nhưng nhiều năm con đường không được sửa chữa, nâng cấp, nên đi lại khó khăn. Dù chỉ dài 20km nhưng người đi xe máy giỏi nhất cũng phải mất ba giờ đồng hồ. Và để đến được Pêtapoóc thì phải vượt qua sông Rinh. Mùa nước cạn thì còn dễ dàng, còn mưa thì bộ đội biên phòng và đồng bào phải khiêng xe vượt sông, rất gian nan và nguy hiểm.

Trưởng bản Y Kiêng - người mà bộ đội biên phòng và người dân nơi đây quen gọi mẹ Khánh cho biết, trước đây người dân Pêtapoóc mù chữ phải nhờ bỏ phiếu, nay cả bản đều biết chữ nên tự bỏ phiếu. Có được điều này là nhờ vào lớp học xóa mù chữ - được mở vào đầu tháng 8.2009 - ở Pêtapoóc do Trung úy Coor Trung, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đắc Pring đứng lớp. Để thuận tiện cho người dân, lớp học phải thay đổi theo thời tiết, mùa vụ. Ngày mưa, dân làng không thể lên rẫy, lớp mở ban ngày. Ngày mùa bận rộn, lớp chuyển sang buổi tối.

Sau nhiều tháng học hành, cả 21 “học sinh” của làng đều biết đọc, biết viết. Đến nay, người già, người trẻ ở Pêtapoóc đều tự hào thuộc cái chữ như thuộc con đường lên rẫy. Ông Kring Vây - một học sinh của lớp học đó - bây giờ đã ngoài 60 tuổi phấn khởi nói: “Mình và bà con được bộ đội biên phòng và cán bộ địa phương tuyên truyền về bầu cử. Ngày 16.5 mình sẽ đi bỏ phiếu từ sáng sớm cho kịp thời gian. Bỏ phiếu xong mình lại giúp bộ đội biên phòng giữ gìn biên giới”.