(Mặt trận) - Bảo vệ môi trường được coi là nhiệm vụ xuyên suốt trong mọi hoạt động của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việc ký kết “Chương trình phối hợp về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017 - 2020” diễn ra giữa hai Bộ dưới sự chứng kiến của Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã cho thấy quyết tâm của các bộ, ngành cùng chung tay trong việc bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ ký kết giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường về “Chương trình phối hợp công tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017 - 2020”.
Hai Bộ phối hợp bảo vệ môi trường
Việc kí kết Chương trình phối hợp về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2016 - 2020 hướng đến 3 mục tiêu chính. Đó là, tăng cường phối hợp giữa hai Bộ trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại. Kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; quá trình thẩm định, phê duyệt, kiểm soát hoạt động của các dự án sản xuất công nghiệp từ giai đoạn lập, thi công và vận hành chính thức dự án, nhất là các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất điện, khai thác và chế biến khoáng sản, dầu khí, sản xuất hóa chất và phân bón, sản xuất thép và luyện kim, sản xuất bột giấy, dệt, nhuộm và thuộc da. Phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai Bộ trong việc quản lý, giám sát việc thực thi quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại.
Để đạt đưọc các mục tiêu trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài Nguyên và Môi trường thống nhất 8 nội dung phối hợp cụ thể như: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch, chiến lược, quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của hai Bộ; thực hiện, quản lý quy trình vận hành liên hồ chứa; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất công nghiệp và thương mại; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng ngừa ô nhiễm môi trường; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, nâng cao nhận thức về ứng phó vói biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đây là một điểm nhấn ghi nhận sự phối hợp hiệu quả giữa hai Bộ, đồng thời cũng là cam kết mạnh mẽ về việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương.
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ nhằm quản lý, khai thác tốt các nguồn tài nguyên nhằm phục vụ tốt việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Công Thương đã có những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, từ đó xác định tốt hơn nữa việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từ thực tiễn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời. Bộ Công Thương tin tưởng vào “Chương trình phối hợp về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trưòng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017-2020”, nếu thực hiện nghiêm túc và đúng tinh thần theo sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Ngành Công Thương sẽ phối hợp đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm về các hoạt động ứng phó với biến đổi về khí hậu, môi trường để bắt kịp với sự đi lên của đất nước.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong sự nghiệp phát triển bền vững của các hoạt động công nghiệp và thương mại, vừa qua ngành Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Điều này được thể hiện rõ trong các hoạt động cụ thể mà ngành Công Thương đã thực hiện thời gian qua như: Xử lý nhanh và kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành các nhà máy nhiệt điện, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung; ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 về tăng cưòng công tác quản lý môi trường ngành Công Thương, tổ chức hàng loạt các hoạt động kiểm tra đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm trên phạm vi cả nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương, công tác bảo vệ môi trưòng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp và thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 7%/năm, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42 - 43% trong GDP cả nước, tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11%/năm.
“Với mục tiêu tăng trưởng và phát triển đó, Bộ Công Thương đặt ra nhiệm vụ quan trọng đảm bảo sự bền vững của ngành Công Thương trong giai đoạn sắp tới, trong đó công tác bảo vệ môi trưòng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển để một lần nữa khẳng định phát triển kinh tế phải gắn liền và đi đôi với công tác bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đây là một thời điểm đặc biệt trong việc khởi đầu kỷ nguyên phát triển tăng trưởng xanh và tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4, trong đó nhấn mạnh vào vấn đề bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội. Để đạt được phát triển bền vững, quản lý môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển tài nguyên thì những việc liên quan đến khoáng sản, tài nguyên nước... đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước, đầu tư cho môi trường, quản lý tài nguyên chính là đầu tư cho việc chuyển biến toàn cầu hóa.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, trong đó xác định các đối tượng có nguy cơ, nhiều lần tái phạm để cùng với việc thanh tra, kiểm tra sẽ thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát đặc biệt. Trong năm 2016, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường bước đầu đã có những đổi mới, có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên đề diện rộng việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước. Qua thanh tra, toàn ngành đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 90 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 8,6 nghìn ha đất và truy thu nộp ngân sách hơn 34 tỷ đồng.
“Thanh tra đến đâu phải kết luận đến đó và giám sát chặt việc thực hiện các kết luận thanh tra… để góp phần đưa hiệu quả của công tác thanh tra vào tăng cường công tác thực thi pháp luật, tăng cường công tác xử lý những sai phạm một cách kịp thời. Đối với việc xử lý sau thanh tra, đây là vấn đề hết sức quan trọng đảm bảo các kết luận thanh tra được thực thi. Năm 2016, mới chỉ thực hiện kiểm tra được 20% số kết luận thanh tra đã được ban hành. Trong điều kiện lực lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra còn mỏng, phải tập trung cho triển khai các kế hoạch thanh tra thì yếu tố đổi mới phải được ưu tiên. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, cũng như công tác thanh tra, kiểm tra nhưng phải đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đây chính là tinh thần liêm chính và kiến tạo cho phát triển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tăng cường phối hợp hành động với Mặt trận
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ký kết Chương trình phối hợp số 20 về việc tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và lồng ghép vào phối hợp triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động trong các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhau hành động bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của nhân dân về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các chương trình truyền thông về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phối hợp tổ chức nhiều sự kiện tuyên truyền lớn của ngành như: Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; Ngày Đại dương thế giới; Ngày Môi trường thế giới; xét tặng Giải thưởng Môi trường quốc gia; tổ chức các hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín ở cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã triển khai trên toàn quốc xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường. Việc xây dựng các mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường đã thể hiện sự phối hợp đầy trách nhiệm giữa sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền và ngành Tài nguyên - Môi trường với Mặt trận ở các địa phương rất rõ nét. Nhiều cấp ủy đảng từ tỉnh, huyện, xã đến khu dân cư đã ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường để phối hợp với Mặt trận chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm. Trên cơ sở thành công của các mô hình điểm, nhiều địa phương đã triển khai nhân rộng trên địa bàn. Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã tiến hành xây dựng và nhân rộng 3 loại hình mô hình điểm bảo vệ môi trường.
Chứng kiến lễ ký kết “Chương trình phối hợp về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017 - 2020”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đây là một ngày đặc biệt vì sự hợp tác này mang tính tự nhiên, mang tính quy luật nhưng đó lại là sản phẩm chính trị đáp ứng được lòng dân và sự mong mỏi của Nhà nước. Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ đã góp phần vào thực hiện 5 tốt đó là: Quy hoạch tốt, thẩm định tốt, vận hành tốt, giám sát tốt, chính sách tốt. Làm được điều này thì cuộc sống của nhân dân sẽ hạnh phúc, xã hội phát triển.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Việc ký kết đã khẳng định sự phối hợp với Nhà nước, thể hiện tinh thần đại đoàn kết vì nếu hoạt động đơn lẻ sẽ không giải quyết được và việc ký kết này cũng góp phần hình thành ngành công nghiệp môi trường và sự chia sẻ thông tin giữa hai bên và mong rằng, sau 5 năm triển khai các hoạt động trên sẽ mang lại niềm tin cho nhân dân.
Nhã Phương