Hà Nội: Phản biện Dự thảo Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT

(Mặt trận) - Sáng 6/3, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế mà không phải là dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên lần thứ hai, khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hải Phòng: Nhiều mô hình hay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Sóc Trăng trao 120 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ khó khăn

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị. 

 

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội quản lý đang thực hiện thu theo mức giá quy định tại Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố với mức lương cơ sở trong cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là 1.490.000 đồng/tháng. Mức thu này chưa đảm bảo mức lương cơ sở hiện tại và chưa kịp thời đồng bộ, thống nhất với mức giá thu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương hiện nay và chưa thống nhất với mức giá thu các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

UBND thành phố đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế mà không phải là dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố bằng mức giá tối thiểu theo quy định tại Phụ lục I, II, III kèm theo Thông tư số 21/2023/TT-BYT và thực hiện áp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp theo nguyên tắc sau: Các viện có giường bệnh, trung tâm y tế tuyến tỉnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm y tế huyện thực hiện cả hai chức năng phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh đã được xếp hạng: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Đối với phòng khám đa khoa khu vực, trường hợp được cấp giấy phép hoạt động bệnh viện hoặc trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chính phủ: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Trường hợp chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Đối với trường hợp được Sở Y tế quyết định có giường lưu: Áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV. Số ngày được thanh toán tối đa 3 ngày/người/đợt điều trị. Không thanh toán tiền khám bệnh trong trường hợp đã thanh toán tiền giường lưu.

Đối với Trạm y tế xã, phường, thị trấn, áp dụng mức giá của trạm y tế xã; mức giá các dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của các dịch vụ tại Phụ lục III. Đối với các trạm y tế được Sở Y tế quyết định có mức giường lưu: Áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV. Đối với Nhà hộ sinh: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Mức giá thanh toán tiền giường bệnh áp dụng bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng 4.

Qua 13 ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị cho thấy, các ý kiến đều thống nhất cho rằng sự cần thiết ban hành nghị quyết, đề nghị bổ sung giá vật tư, thuốc… Các ý kiến nhất trí về việc tăng giá khám, chữa bệnh không thuộc bảo hiểm y tế, tuy nhiên, cần đánh giá thêm tác động xã hội, công khai rõ các dịch vụ để người dân dễ nhìn, dễ thấy.

Một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào mức tăng như thế nào, đánh giá tác động đến xã hội như thế nào, bổ sung đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức thực hiện, giám sát. Việc dựa vào bậc lương cơ sở để áp giá cho hoạt động khám, chữa bệnh có thể sẽ không còn giá trị. Mức thu nhập và mức lương của người dân Thủ đô còn khác nhau vì vậy cần đưa tiêu chí mức nghèo đa chiều nông thôn và thành thị vào căn cứ giá dịch vụ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng hứa sẽ tiếp thu các ý kiến để sao cho có nghị quyết tốt nhất đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi của người dân, đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế đảm bảo chất lượng các dịch vụ.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị, Sở Y tế cần thể hiện rõ vai trò trong việc tổ chức truyền thông để người dân nắm được chủ trương này, đồng thời, quan tâm, ban hành chính sách đặc thù của thành phố dành cho người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế, giảm khoảng cách giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư; song song việc tăng giá dịch vụ, cần nâng cao chất lượng y tế đối với bệnh viện công lập, để người dân khi đến khám, chữa bệnh cảm nhận được sự chu đáo, nhiệt tình từ khâu tiếp đón đến khám, chữa bệnh.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tập hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu để gửi cơ quan chức năng của thành phố nhằm bảo đảm thủ tục cần thiết trước khi ban hành bởi nghị quyết này liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân...