Giám sát, phản biện xã hội hướng vào vấn đề người dân quan tâm

(Mặt trận) -Trong năm 2021, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước đã chủ động điều chỉnh hình thức, phương thức, thời gian thực hiện các nội dung giám sát, phản biện xã hội, phù hợp với tình hình, bảo đảm chất lượng, mục đích, yêu cầu đặt ra.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021, nhưng Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội các cấp đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn thực hiện cơ bản các nội dung giám sát, phản biện xã hội, với 11/13 nội dung được thực hiện.

MTTQ đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai có hiệu quả công tác giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Qua kiểm tra, giám sát, Mặt trận đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử của một số địa phương, có ý kiến đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác bầu cử nghiêm túc, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và tiến độ đề ra.

Cùng với đó, việc triển khai giám sát một số chuyên đề được thống nhất trong toàn hệ thống Mặt trận, mang lại những kết quả đáng ghi nhận như công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của chủ tịch UBND các cấp; giám sát cán bộ và công tác cán bộ, Luật Đất đai…

Năm qua, MTTQ cả nước đã tổ chức 22.559 cuộc giám sát; trong đó cấp tỉnh chủ trì giám sát 475 cuộc, cấp huyện 3.500 cuộc, cấp xã 18.584 cuộc, tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan giám sát 29.526 cuộc.

MTTQ các cấp đã tổ chức 4.819 cuộc phản biện xã hội; trong đó cấp tỉnh chủ trì 162 cuộc, cấp huyện 696 cuộc, cấp xã 3.961 cuộc. Sau giám sát, phản biện xã hội, các ý kiến, kiến nghị của Mặt trận được kịp thời gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập, rà soát chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng tình hình, góp phần giữ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác mặt trận năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, năm 2021, hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong cả nước đã có những bước tiến nổi bật. Nhiều kiến nghị của MTTQ được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, giải quyết kịp thời, Nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.

Để tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống Mặt trận các cấp trong công tác giám sát, phản biện xã hội năm 2022, Trung ương MTTQ Việt Nam xác định các chuyên đề, lĩnh vực cụ thể và tổ chức hướng dẫn MTTQ các cấp đồng loạt triển khai, tạo sự gắn kết với việc nắm tình hình người dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Từ đó, Mặt trận các cấp xác định lựa chọn những vấn đề cần phải làm rõ, xây dựng kế hoạch và nội dung giám sát, phản biện xã hội thực sự sát với những vấn đề mà Nhân dân quan tâm.

Đối với các địa phương, công tác giám sát, phản biện xã hội hướng vào những điểm nóng, những vụ việc cụ thể mà người dân quan tâm và chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy giao Mặt trận tham gia từ đầu, từ sớm vào quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quyết sách lớn, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động lớn đến người dân. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang đồng loạt triển khai xây dựng quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, nên MTTQ các địa phương ưu tiên thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo các quy hoạch.

Theo Ban Thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam, nội dung giám sát phải là những vấn đề mà người dân quan tâm, những đòi hỏi, bức xúc từ thực tiễn đa dạng, từ đối tượng chịu sự tác động. Vì vậy, kiến nghị sau giám sát không nên mang tính thuần túy về khoa học, nghiên cứu mà cần mang nhiều hàm lượng thực tiễn hơn, đây mới chính là mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với công tác giám sát, phản biện xã hội.

Muốn vậy, MTTQ cần phát huy sự tham gia của các chuyên gia, người làm thực tiễn vào công tác giám sát, phản biện xã hội, đa dạng thành phần để bảo đảm tính đại diện, chuyên sâu. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận các cấp cần kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc về thể chế, pháp lý và quá trình thực thi để chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt trận cần quan tâm tới việc khảo sát, lấy ý kiến của người dân đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Hoàng Bảo