Gia Lai: Tưng bừng 'Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc' tại các khu dân cư

(Mặt trận) - Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, ngày 7/11, tại Gia Lai, Ban Công tác Mặt trận liên khu dân cư thôn Hòa Bình (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông); làng Đăk Yă và Đăk Trôk, xã Đăk Yă, huyện Mang Yang tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2022.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà chiến sĩ chiến sĩ Điện Biên

Tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở

Tỉnh Gia Lai hoàn thành đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (bìa phải) tặng quà cho khu dân cư thôn Hòa Bình. Ảnh: Quang Tấn 

Sáng ngày 7/11, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên đã tham dự Ngà hội đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con thôn Hòa Bình (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông).

Trong không khí vui tươi của ngày hội, bà con nhân dân thôn Hòa Bình đã cùng nhau đánh giá, nhìn nhận lại kết quả triển khai thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương trong 1 năm qua.
Báo cáo tại ngày hội, bà Trần Thị Loan-Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Bình-cho biết: Thôn có 5 dân tộc anh em sinh sống với 149 hộ, 639 khẩu; trong đó có 134 hộ người dân tộc thiểu số, chiếm 90% dân số. Trong năm qua, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Ban Công tác Mặt trận thôn đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả. Chủ động phát triển các mô hình kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi cũng như chuyển đổi ngành nghề, hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các mô hình, nhóm cùng sở thích để cùng nhau phát triển kinh tế-xã hội như nhóm sở thích trồng điều, trồng lúa nước, trồng mì, chăn nuôi… Hàng tháng, các thành viên đều tham gia sinh hoạt để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cũng như cách thức sản xuất, đầu tư chăm bón cây trồng, vật nuôi, thông tin thị trường. Đặc biệt, người dân trong thôn đã chú trọng liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để sản xuất điều, lúa nước, chăn nuôi trâu, bò nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo ổn định đầu ra của sản phẩm.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh (bìa trái) tặng 10 suất quà cho 10 hộ nghèo của thôn. Ảnh: Quang Tấn 

Bên cạnh đó, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhận thức của người dân đã được nâng lên. Các hủ tục dần được xóa bỏ, người dân trong thôn đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. “Nhờ đó, đời sống kinh tế của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn dần khởi sắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các tổ chức trong hệ thống chính trị của thôn được củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động có nề nếp”-Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Bình phấn khởi cho biết.

“Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Công tác Mặt trận thôn Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, phát huy hiệu quả công trình thủy lợi để sản xuất, từng bước hình thành cánh đồng lớn trên cây lúa, góp phần nâng tầm thương hiệu gạo Ia Lâu và tăng thu nhập cho người dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, phấn đấu có trên 90% hộ dân được công nhận gia đình văn hóa. Phát huy phong trào hiếu học, khuyến học, khuyến tài trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư để khích lệ 100% các cháu trong độ tuổi đến trường học chữ. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động nhằm thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”-bà Trần Thị Loan-Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Bình-cho biết thêm.

Lãnh đạo tỉnh, huyện Chư Prông và xã Ia Lâu chứng kiến ký kết giao ước thi đua của thôn Hòa Bình. Ảnh: Quang Tấn 

Phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phấn khởi trước những kết quả mà thôn đã đạt được trong thời gian qua. Thôn Hòa Bình nói riêng và xã Ia Lâu nói chung đã đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đây là điều hết sức đáng khích lệ. Dù trong thôn có 5 dân tộc đến từ những vùng miền khác nhau (chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc) nhưng đã có sự gắn kết, giúp đỡ, cùng nhau xây dựng quê hương mới ngày càng ổn định kinh tế cũng như bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Bí thư Tỉnh ủy mong muốn: “Trong thời gian đến, người dân phát huy những kết quả đạt được để xây dựng thôn Hòa Bình ngày càng phát triển hơn. Bà con tiếp tục đoàn kết với một tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng phát triển, hộ khá giúp đỡ hộ nghèo. Hiện nay, thôn còn 10 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, trong thời gian đến, bà con cần cố gắng phát triển kinh tế để trong thôn không còn hộ nghèo, cận nghèo. Trong báo cáo của thôn, có 100% con em trong độ tuổi đều được đi học, đây là điều đáng mừng, thôn cần phát huy và tạo điều kiện để các cháu tiếp tục học cao hơn; không chỉ học đại học mà có thể học nghề để có việc làm, nâng cao đời sống và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đồng thời, bà con trong thôn cần đoàn kết để tạo ra nét văn hóa đặc sắc của riêng các đồng bào dân tộc phía Bắc, cùng nhau bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa này. Tiếp tục giữ gìn tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hướng đến trong thôn không có người vi phạm pháp luật. Xây dựng thôn Hòa Bình hòa thuận, êm ấm, bình yên để tiếp tục phát triển, ai cũng có cuộc sống ấm no, kinh tế gia đình ngày càng phát triển tốt hơn”.

Người dân thôn Hòa Bình chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Quang Tấn 
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng đề nghị thôn cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện Sổ tay tuyên thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã tặng quà cho khu dân cư thôn Hòa Bình, xã Ia Lâu. Ngoài ra, cá nhân Bí thư Tỉnh ủy cũng tặng quà cho khu dân cư thôn và tặng quà cho 3 gia đình chính sách, 10 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo trong thôn; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh tặng 10 suất quà cho 10 hộ nghèo; lãnh đạo huyện Chư Prông cũng tặng quà cho khu dân cư thôn Hòa Bình.
Quang cảnh Ngày hội

* Ngày 7/11, Ban Công tác Mặt trận liên khu dân cư làng Đăk Yă và Đăk Trôk, xã Đăk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2022 (Ngày hội). Đến dự có ông Hồ Văn Điềm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai về dự.

Tại Ngày hội, Ban Công tác Mặt trận 2 làng Đăk Yă và Đăk Trôk đã ôn lại lịch sử, truyền thống của MTTQ Việt Nam 92 năm qua và báo cáo kết quả phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động năm 2022.

Được biết, Làng Đăk Yă và Đăk Trôk hiện có 384 hộ với 1.768 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo còn 52 hộ (chiếm trên 13%); gần 100% dân số là người dân tộc Bahnar. Trong năm qua bà con nhân dân 2 làng đã gieo trồng được trên 351 hecta cây trồng các loại; chăn nuôi được trên 3.000 con gia súc, gia cầm; tại các làng đều đã có sân bóng đá, bóng chuyền, nhà Rông, nhà sinh hoạt cộng đồng để đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của bà con; trên 95% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, được tiêm phòng vắc xin đầy đủ; trên 84% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 90% đường giao thông nội làng được bê tông hóa phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại và sản xuất của bà con…

Đại diện các hộ gia đình ký kết thực hiện phong trào thi đua tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 

Phát biểu tại Ngày hội, ông Hồ Văn Điềm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai biểu dương những kết quả mà làng Đăk Yă và Đăk Trôk đạt được trong thời gian qua, đó chính là tinh thần đại đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của cán bộ và bà con nhân dân làng Đăk Yă và Đăk Trôk.

Ông Điềm nhấn mạnh, trong thời gian tới, làng Đăk Yă và Đăk Trôk phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Xây dựng khu dân cư đoàn kết, dân chủ, tự quản trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS  để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, phong trào “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cán bộ và bà con nhân dân cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo quốc phòng- an ninh; tiếp tục phấn đấu để duy trì những kết quả đạt được, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống nhân dân.

Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm đã tặng cán bộ và nhân dân 2 làng Đăk Yă và Đăk Trôk một phần quà và 2 triệu đồng tiền mặt; tặng 10 suất quà (500 ngàn đồng/suất) cho 10 hộ nghèo. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện Mang Yang và xã Đăk Yă tặng nhiều phần quà cho cán bộ và nhân dân 2 làng làng Đăk Yă và Đăk Trôk trong Ngày hội.