Đồng Tháp: Lựa chọn đại biểu xứng tầm

(Mặt trận) - Trong kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp kỳ này, tỉnh Đồng Tháp sẽ chú trọng việc lựa chọn giới thiệu người ứng cử phải mang tiếng nói của dân, những trăn trở của dân, khó khăn của dân đến với nghị trường Quốc hội và HĐND… hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cả khóa, thậm chí cả nhiệm kỳ đại biểu không phát biểu.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

 Ông Lê Thành Công.

Đó là khẳng định của ông Lê Thành Công -Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử tỉnh với báo chí.

PV: Để kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thành công, cho đến thời điểm này, MTTQ tỉnh Đồng Tháp đã chuẩn bị các bước Hiệp thương lần ba như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Thành Công: Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND là ngày hội lớn của toàn dân, trực tiếp lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; là sự kiện chính trị lớn, quan trọng của đời sống xã hội đất nước và tỉnh Đồng Tháp trong năm 2021, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Theo luật quy định, trách nhiệm của MTTQ là rất quan trọng để góp phần mang lại thành công cho cuộc bầu cử, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử qua các bước hiệp thương theo luật định. 

Tại tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi đã tập trung tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương; tổ chức hội nghị cử tri; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức hoạt động giám sát.

Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức các Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai đảm bảo thời gian theo luật định. Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã hoàn thành việc triển khai kế hoạch và các bước tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 (bắt đầu thực hiện từ ngày 22/3/2021 hoàn thành việc lấy ý kiến đến ngày 13/4/2021).

Chuẩn bị các điều kiện liên quan tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, chú trọng chọn đại biểu sau 3 lần hiệp thương, phải đảm bảo số dư cho mỗi đơn vị bầu cử; số dư này cũng phải bảo đảm về tiêu chuẩn, để người dân lựa chọn được người xứng đáng, chứ không lựa chọn người không đủ tiêu chuẩn để đưa vào danh sách.

Thưa ông, việc lấy ý kiến của cử tri tại nơi cư trú và nơi công tác đối với những người tham gia ứng cử có ý nghĩa như thế nào trong công tác hiệp thương? Trong quá trình địa phương thực hiện việc lấy ý kiến có gặp khó khăn gì hay không?

-Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác rất quan trọng để cử tri lựa chọn người đủ tiêu chuẩn, thật sự tiêu biểu, bày tỏ sự tín nhiệm đối với những người ứng cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp. Qua đó, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

Theo báo cáo và việc nắm tình hình từ cơ sở, đến thời điểm này, việc phối hợp chuẩn bị và tổ chức các Hội nghị cử tri ở các địa phương trong tỉnh đều rất thuận lợi, chưa có vấn đề phát sinh khó khăn, vướng mắc.

 Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai.

Để đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng theo đúng quy định, MTTQ tỉnh Đồng Tháp có cách giám sát như thế nào để có thể tìm ra được những ứng cử viên vừa có đức, vừa có tài tham gia đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp?

-Theo luật quy định, trách nhiệm của MTTQ là bám sát cuộc bầu cử để góp phần mang lại thành công cho cuộc bầu cử. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và đã tổ chức đợt một kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ở các địa phương trong tỉnh. Đợt hai sẽ được khẩn trương tiến hành trong tháng 4 và trước ngày 22/5/2021. 

Trong các chuyên đề giám sát, Đồng Tháp tập trung giám sát vai trò của Uỷ ban Bầu cử các cấp xây dựng tiêu chí để lựa chọn ĐBQH, HĐND các cấp. Phải lựa chọn những đại biểu đạt tiêu chuẩn, tránh tình trạng đưa vào cho đủ cơ cấu, số lượng mà thiếu quan tâm đến chất lượng của ứng cử viên; chú trọng việc lựa chọn giới thiệu người ứng cử phải mang tiếng nói của dân, những trăn trở của dân, khó khăn của dân đến với nghị trường Quốc hội và HĐND… hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cả khóa, thậm chí cả nhiệm kỳ đại biểu không hề phát biểu, hoặc không đáp ứng được sự mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.

Giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận hồ sơ của các ứng viên, việc phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến công tác bầu cử.

Đặc biệt chú trọng vai trò giám sát của người dân thông qua các loại hình tự quản ở cộng đồng dân cư hiện nay như mô hình: Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản... đối với việc tổ chức bầu cử của Uỷ ban Bầu cử các cấp, nhằm mục tiêu bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự khách quan, dân chủ, đúng luật.

Song song đó, tiến hành kiểm tra chặt chẽ hệ thống MTTQ các cấp trong công tác phối hợp và tham gia bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng thẩm quyền, chức năng mà Luật quy định.

Ông có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà MTTQ tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung thực hiện để đảm bảo cho kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp thành công?

- Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng, là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Cũng như địa phương trên cả nước, thực hiện chỉ đạo của Trung ương về công tác bầu cử, tỉnh Đồng Tháp đang tích cực quán triệt, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở hệ thống MTTQ các cấp bám vào lịch trình - 16 mốc thời gian quan trọng công tác bầu cử có liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của MTTQ Việt Nam theo Luật định; chủ động phối hợp các ngành thành viên Tiểu ban tuyên truyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận đồng về bầu cử sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Chú trọng việc tuyên truyền, năm dư luận xã hội thông qua các kênh thông tin từ các nhóm Zalo MTTQ và vai trò của thành viên các Tổ Nhân dân tự quản trong toàn tỉnh; Tăng cường giám sát về công tác triển khai thực hiện bầu cử của Ủy ban Bầu cử các xã, phường, thị trấn để kịp thời phát hiện những hạn chế cũng như những khó khăn để kịp thời hỗ trợ.

Tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị theo đúng lộ trình đề ra và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động các phương án phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Trân trọng cảm ơn ông!